CẦN RÀ SOÁT, QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ HƠN NỮA MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ QUẢN LÝ PHÂN BÓN

09/11/2018

Sáng ngày 09/11, tại phiên thảo luận toàn thể về Dự thảo Luật Trồng trọt, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần rà soát, quy định chặt chẽ hơn nữa một số nội dung về quản lý phân bón.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy phát biểu tại hội trường

Đưa ra quan điểm tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, bày tỏ sự quan tâm đến các quy định về quản lý phân bón (Chương III). Đại biểu đánh giá nội dung các quy định về nhập khẩu mua bán phân bón còn khá sơ sài, chưa có cơ sở để giải quyết một số vấn đề thực tiễn đặt ra được dư luận quan tâm như: tình trạng nhập khẩu phân bón kém chất lượng, phân bón không đảm bảo vệ sinh môi trường, nhập khẩu phân bón tràn lan... ảnh hưởng lớn đến nền nông nghiệp của nước ta. Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định về tính nguyên tắc xuất khẩu, nhập khẩu phân bón như kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phân bón, cụ thể: nhập khẩu phải đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường; ưu tiên sử dụng phân bọn trong nước, chỉ nhập khẩu phân bón khi nguồn cung trong nước không đáp ứng; ưu tiên việc nhập khẩu phân bón hữu cơ. Ngoài ra, đại biểu đề nghị nên đưa Điều 46 kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón vào mục 3 Chương III xuất, nhập khẩu phân bón, như vậy sẽ phù hợp và liền mạch hơn.

Liên quan đến vấn đề kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu, quy định tại Điều 46, đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chỉ rõ, Khoản 1 quy định: Phân bón nhập khẩu phải được Nhà nước kiểm tra về chất lượng, trừ các trường hợp sau đây: "Phân bón nhập khẩu quy định tại điểm a, điểm d, điểm đ, điểm e khoản 2 Điều 44 của luật này nghĩa là phân bón để khảo nghiệm; phân bón làm quà tặng, hàng mẫu; phân bón tham gia hội trợ, triển lãm; phân bón phục vụ nghiên cứu khoa học là các loại phân bón không cần kiểm tra nhà nước về chất lượng khi nhập khẩu". Theo đại biểu, phân bón làm quà tặng nếu với số lượng ít, vài kg để trưng bày thì không sao. Nhưng với số lượng lớn dùng để bón cho cây trồng mà không kiểm tra chất lượng trước khi sử dụng, bón nhầm phân kém chất lượng hay có yếu tố gây hại đến cây trồng, thiệt hại là không nhỏ. Còn phân bón tham gia hội chợ, triểm lãm là để giới thiệu, quảng bá sản phẩm để người dân mua về sử dụng. Nếu không kiểm tra chất lượng trước khi tham gia các hội chợ, khi người dân mua về sử dụng phân bón không đạt chuẩn, kém chất lượng, gây ảnh hưởng thì gây thiệt hại cho người dân. Đặc biệt là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, trình độ kiến thức có giới hạn nên rất khó phân biệt được phân chất lượng hay kém chất lượng. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét lại nội dung quy định tài Điều 46 này cho phù hợp hơn.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Về quản lý chất lượng nhãn, đặt tên, quảng cáo phân bón mục 4 Chương III, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hằng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, đánh giá dự thảo Luật vẫn đặt nặng về quản lý cơ học trong cả đầu vào và đầu ra của sản xuất, nhập khẩu phân bón xong công tác hậu kiểm vẫn lơ là. Xuyên suốt dự thảo chưa thấy quy định trách nhiệm của cơ quan chức năng trong quản lý, sử dụng phân bón, chưa có quy định về cơ chế kiểm soát, phối hợp giữa các bộ, ban ngành địa phương trong quản lý phân bón. Nếu khâu tiền kiểm làm tốt nhưng hậu kiểm chưa sát sao liệu có thể quản lý được không? Đại biểu đề nghị dự thảo quy định rõ cơ chế phối hợp quản lý và kiểm soát phân bón, thực hiện thanh tra, kiểm tra đồng bộ hiệu quả và có chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm. Có như vậy, bài toán phân bón giả, phân bón kém chất lượng mới được giải quyết triệt để.

Theo đại biểu Trần Thị Hằng, việc giữ quy định khảo nhiệm phân bón tại dự thảo Luật sẽ giải quyết được bài toán quản lý chất lượng phân bón. Tuy nhiên, cần tính toán quy định này sao cho phù hợp với sản xuất trong nước và xu hướng phát triển của thế giới bởi nhiều nước như Mỹ, EU, Ý, Thái Lan đã bỏ khảo nhiệm phân bón. Đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể và nới rộng phạm vi phân bón, không phải  khảo  nghiệm theo tiêu chí khảo nghiệm đối với phân bón có chứa yếu tố gây hại cho cây trồng và môi trường; nhanh chóng hoàn thiện hành lang quy chuẩn kỹ thuật phân bón làm cơ sở quản lý vì thực tế, chúng ta chưa có hàng rào này. Đồng thời thực hiện giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm kèm theo chế tài phạt nghiêm khắc, tạo sân chơi bình đẳng và điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết vấn đề môi trường.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển và nông thôn, các bộ, ngành, bên cạnh xây dựng dự án luật cần khẩn trương xây dựng lộ trình thực hiện các nhiệm vụ được đề ra, đảm bảo triển khai đồng bộ, hiệu quả ngay khi luật được thực thi. Bảo đảm triển khai đồng bộ, trong đó tập trung các vấn đề mà cử tri đang mong mỏi là thông tin và dự báo thị trường, rà soát, bổ sung xây dựng chiến lược phát triển trồng trọt, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn về kỹ thuật trồng trọt, về đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại về xã hội hóa mạnh mẽ ngành trồng trọt phát triển. Đặc biệt, có phương án, kế hoạch nâng cao hiệu quả, phát huy trách nhiệm các cơ quan quản lý chuyên ngành, bảo đảm khắc phục tình trạng còn nhiều bất cập như trong thời gian vừa qua. Triển khai có hiệu quả công tác xã hội hóa các dịch vụ công ngành nông nghiệp nói chung cũng như lĩnh vực trồng trọt nói riêng; nâng cao năng lực các đơn vị nghiên cứu, kiểm định, cung ứng dịch vụ cơ bản, nâng cao giá trị chuỗi sản xuất trồng trọt./.

Hồ Hương