QUỐC HỘI BIỂU QUYẾT THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2019

09/11/2018

Chiều ngày 09/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 với 418 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 86,19% tổng số đại biểu Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp

Mở đầu phiên họp, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong các ngày 23-24/10/2018 và ngày 29/10/2018, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018, dự toán NSNN năm 2019. Ngày 28/10/2018, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã gửi xin ý kiến các vị ĐBQH về Dự thảo Nghị quyết về dự toán NSNN. Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách tổ chức phiên họp toàn thể ngày 02/11/2018, phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan của Chính phủ tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2019. Tiếp đó, ngày 08/11/2018, UBTVQH đã tổ chức phiên họp với Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, cho ý kiến về các nội dung trên.

Đối với đề nghị quy định rõ về việc cho phép sử dụng số kinh phí trong năm 2018 tại khoản 2 Điều 2 của Dự thảo Nghị quyết, UBTVQH cho rằng, một số khoản chi được dự toán là chi thường xuyên, trong đó, phần lớn là các khoản chi mang tính chất xây dựng cơ bản như: sửa chữa lớn, xây dựng cơ bản nhỏ... cần thiết phải được xử lý kịp thời để phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và một số nhiệm vụ quan trọng khác của Nhà nước. Đồng thời, năm 2017 là năm đầu thực hiện Luật NSNN, các bộ, ngành còn gặp một số khó khăn, tồn tại trong triển khai thực hiện các quy định mới của Luật. Vì vậy, để bảo đảm việc  triển khai thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết đã đề ra, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép được sử dụng trong năm 2018. Theo đó, giao Chính phủ rà soát khoản kinh phí theo Tờ trình số 45/TTr-CP ngày 18/10/2018 của Chính phủ để sử dụng đến hết niên độ ngân sách năm 2018 và quyết toán vào ngân sách nhà nước năm 2018. Trường hợp không giải ngân hết, thực hiện hủy dự toán theo quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo 

Về đề nghị bỏ quy định cho 09 địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương để đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) vì không rõ căn cứ, Chính phủ chưa rà soát và Nghị quyết Trung ương yêu cầu trích quỹ để đảm bảo cải cách tiền lương từ năm 2021, UBTVQH nhận thấy, Nghị quyết số 49/NQ/QH14 của Quốc hội đã cho phép các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, trường hợp xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình, không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ, thì được phép sử dụng nguồn làm lương còn dư để đầu tư các dự án theo quy định của pháp luật. Vì vậy, việc cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương để đầu tư XDCB là đúng quy định của Nghị quyết số 49. Tuy nhiên, để bảo đảm sát với tình hình thực tế, việc quy định cụ thể số kinh phí cho 09 địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương để đầu tư XDCB trong Dự thảo Nghị quyết là không cần thiết. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép bỏ nội dung này trong Dự thảo Nghị quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, đúng như ý kiến của các vị ĐBQH đã nêu, cần phải thực hiện đúng quy định về nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo Nghị quyết 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội. UBTVQH tiếp thu ý kiến ĐBQH và thể hiện cụ thể nội dung này tại khoản 11 Điều 4 của Dự thảo Nghị quyết. Việc phân chia cổ tức bằng cổ phiếu của phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp tuy thuộc thẩm quyền quyết định của đại hội cổ đông của các doanh nghiệp cổ phần song cũng cần có quy định hướng dẫn việc phân bổ, bảo đảm lợi ích của Nhà nước khi đầu tư vốn vào doanh nghiệp. Vì vậy, để bảo đảm thực hiện việc phân bổ cổ tức của các doanh nghiệp cổ phần hàng năm hợp lý, lâu dài và minh bạch, cần có chính sách để định hướng chung về phân bổ cổ tức quy định cho tất cả các doanh nghiệp cổ phần, trong đó có doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. UBTVQH đã tiếp thu và đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, ban hành chính sách theo thẩm quyền để hướng dẫn thực hiện vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết

Sau khi nghe trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với 418 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 86,19% tổng số đại biểu Quốc hội.

Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 của Quốc hội quy định thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Mức bội chi ngân sách nhà nước tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm: Bội chi ngân sách trung ương tương đương 3,4%GDP; Bội chi ngân sách địa phương tương đương 0,2%GDP. 

Kết quả biểu quyết Nghị quyết Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019

Về sử dụng nguồn kinh phí còn lại và chuyển nguồn kinh phí thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2017, Nghị quyết cho phép sử dụng số kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2017 để xử lý cho các nhiệm vụ: bù giảm thu cân đối ngân sách trung ương; hỗ trợ bù giảm thu cân đối ngân sách địa phương; hỗ trợ một số địa phương thiếu nguồn thực hiện chính sách tiền lương. Số kinh phí này quyết toán vào chi NSNN năm 2017. Đồng thời, giao Chính phủ rà soát khoản kinh phí theo Tờ trình số 45/TTr-CP ngày 18/10/2018 của Chính phủ để sử dụng đến hết niên độ ngân sách năm 2018 và quyết toán vào ngân sách nhà nước năm 2018. Trường hợp không giải ngân hết, thực hiện hủy dự toán theo quy định.

Nghị quyết giao Chính phủ thực hiện một số biện pháp điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2019. Đồng thời giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn theo quy định của pháp luật, giám sát việc thực hiện các quy định của Nghị quyết này. Kiểm toán Nhà nước trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn, tiến hành kiểm toán việc thực hiện nghị quyết này, bảo đảm đúng quy định của pháp luật./.

 

Thu Phương- Nhóm ảnh