QUỐC HỘI NGHE TỜ TRÌNH VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA

09/11/2018

Sáng ngày 09/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (PCTHRB) trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh nên cần được kiểm soát để giảm mức tiêu thụ. Những ảnh hưởng bất lợi của sử dụng rượu, bia đối với sức khỏe, kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng và là thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Việt Nam đã cam kết.

Toàn cảnh phiên họp

Bằng chứng khoa học quốc tế cho thấy: rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD10 (một số tên bệnh đã có từ rượu như loạn thần do rượu, xơ gan do rượu, hội chứng rượu bào thai…), là một trong 4 yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh không lây nhiễm. Sử dụng rượu, bia gây tổn thương đến nhiều cơ quan, chức năng của cơ thể như: gây ung thư (gan, khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, tụy, thận, đại - trực tràng, vú); gây rối loạn tâm thần kinh (loạn thần, trầm cảm, rối loạn lo âu, giảm khả năng tư duy, giảm khả năng điều khiển hành vi); bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ); bệnh tiêu hóa (tổn thương gan, xơ gan, viêm tụy cấp tính hoặc mạn tính); ảnh hưởng tới chất lượng giống nòi và phát triển của bào thai; suy giảm miễn dịch.

Theo thống kêm mỗi năm trên thế giới, rượu, bia là nguyên nhân gây tử vong cho 3,3 triệu người, chiếm 5,9% tổng số tử vong, làm mất đi 5,1% số năm sống khỏe mạnh của con người, tương đương gánh nặng về sức khỏe do hút thuốc lá. Tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 05 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu. Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy năm 2012 có 8,3% số trường hợp tử vong liên quan đến sử dụng rượu, bia, 71,7% trường hợp tử vong do xơ gan ở nam do sử dụng rượu, bia. 15% số giường bệnh tại các bệnh viện tâm thần là dành cho điều trị người bệnh loạn thần do rượu, bia. Bên cạnh đó, tổn hại sức khoẻ do ngộ độc rượu, bia trong đó có rượu, bia không bảo đảm chất lượng, không kiểm soát được nguồn gốc, rượu pha từ cồn công nghiệp cũng là vấn đề đáng lưu tâm.

Không chỉ vậy, ử dụng rượu, bia còn có thể gây ra tai nạn giao thông, mất trật tự xã hội và gia đình. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, nếu so với hút thuốc lá thì các hệ lụy về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia gây ra nghiêm trọng hơn nhiều, bao gồm: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Tại Việt Nam, rượu, bia là một trong 03 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới. Thống kê hằng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực có liên quan đến sử dụng rượu, bia; Khoảng gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia; Phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi trước 30 chiếm tới 70%. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình Việt Nam (HGĐ) đang đối mặt với các vấn đề liên quan đến rượu, bia. 11% HGĐ xảy ra bạo lực gia đình mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em. Tỷ lệ trẻ em Việt Nam chịu tác hại từ việc sử dụng rượu, bia của người khác thuộc nhóm 2 nước cao nhất. Tác hại từ việc sử dụng rượu, bia của người lớn đối với trẻ em phổ biến hơn ở các hộ gia đình nông thôn, thu nhập thấp và có người sử dụng nhiều rượu, bia. Phụ nữ và trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số đang là đối tượng gánh chịu tác hại từ việc sử dụng rượu, bia. Sử dụng rượu, bia còn gây ra gánh nặng kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội do các phí tổn về chăm sóc sức khỏe, giảm hoặc mất năng suất lao động và giải quyết các hậu quả xã hội khác. Tại Việt Nam, nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65 nghìn tỷ đồng.

Với những ảnh hưởng trên cả ba khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế, rượu, bia thực sự là trở ngại lớn đối với 13/17 mục tiêu và 52/169 chỉ tiêu phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày Báo cáo

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, việc ban hành Luật PCTHRB là cần thiết để thể chế hóa quan điểm, chính sách của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành mới chủ yếu quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia, chưa điều chỉnh đầy đủ đối với PCTHRB nên cần phải được điều chỉnh kịp thời để phù hợp với yêu cầu PCTHRB. Kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy nhiều quốc gia đã ban hành chính sách, pháp luật về PCTHRB và thực hiện hiệu quả .

Việc xây dựng Luật PCTHRB nhằm đảm bảo ưu tiên bảo vệ sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân, gia đình và xã hội, là nguồn lực quý giá trong phát triển bền vững đất nước; Giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong do sử dụng rượu, bia gây ra. Phòng ngừa và giảm bớt các hậu quả về xã hội (tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, tội phạm, thương tích, an ninh trật tự, bất bình đẳng giới, đói nghèo) và gánh nặng kinh tế để khắc phục hậu quả do sử dụng rượu, bia gây ra. Thể chế hóa quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; góp phần quan trọng để đạt các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết (mục tiêu phát triển bền vững số 3.5 là giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại vào năm 2030). Khắc phục những hạn chế, bất cập, khoảng trống của pháp luật về PCTHRB hiện nay. Tăng tính khả thi, đồng bộ của các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nhất là quản lý sản xuất rượu thủ công, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hài hòa với các lợi ích sức khỏe cộng đồng. Huy động nguồn lực tài chính và sự tham gia tích cực của toàn xã hội, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong PCTHRB để bảo đảm thực hiện luật hiệu quả. Đồng thời, bảo đảm phù hợp, hài hòa với pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế trong xu thế hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đã chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện pháp luật có liên quan đến PCTHRB tại Việt Nam và các quy định pháp luật quốc tế có liên quan; khảo sát thực tế tại địa phương đối với công tác PCTHRB, tình hình quản lý sản xuất và kinh doanh rượu, bia; đánh giá tác động chính sách, đánh giá tác động thủ tục hành chính trong dự án Luật và đã được Quốc hội đồng ý đưa dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018 với 05 chính sách cơ bản; tổ chức học tập kinh nghiệm tại một số nước về PCTHRB, mời các chuyên gia của Tổ chức y tế thế giới và các chuyên gia hàng đầu thế giới về PCTHRB tham gia xây dựng, tư vấn cho dự án luật; lấy ý kiến các cơ quan quản lý tại địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam trong quá trình xây dựng dự án luật.

Bố cục dự thảo Luật gồm 7 chương và 38 điều. Luật chỉ điều chỉnh đối với rượu và bia vì đây là 02 sản phẩm phổ biến nhất có chứa cồn, chiếm khoảng 99,7% thị phần tại Việt Nam, các tác hại chủ yếu từ 02 loại sản phẩm này, phù hợp với thực tiễn và khả năng quản lý hiện nay.

Để phù hợp với mục tiêu của Luật là bảo vệ sức khỏe người dân khỏi tác hại của rượu, bia, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, dự thảo Luật tập trung quy định các biện pháp, cách thức cụ thể để phòng ngừa, hạn chế và giảm thiểu các tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe và các hệ lụy xã hội khác trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu, bia như quy định các hành vi bị nghiêm cấm, kiểm soát điều kiện kinh doanh, bảo đảm chất lượng, an toàn; đối tượng, địa điểm, phương thức không được bán rượu, bia kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức....

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện dự thảo Luật còn một vấn đề có ý kiến khác nhau về tên gọi của dự thảo Luật. Chính phủ trình 2 phương án để Quốc hội thảo luận, quyết định: Phương án 1 với tên gọi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. Phương án 2 với tên gọi Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia.

 

Thu Phương- Nhóm ảnh