TẠO MÔI TRƯỜNG MINH BẠCH, THÔNG THOÁNG HƠN CHO HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT VÀ KINH DOANH THỨC ĂN CHĂN NUÔI

08/11/2018

Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Chăn nuôi tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: nhiều quy định về giống và thức ăn chăn nuôi đã được bổ sung, chỉnh lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng báo cáo trước Quốc hội

Về giống và sản phẩm giống vật nuôi (Chương II), Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy những ý kiến của các đại biểu về nội dung này là xác đáng, do đó đã chỉ đạo chỉnh sửa, bổ sung quy định tại Mục 2, Chương II về sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi. Theo đó, tổ chức, cá nhân được tự do sản xuất, kinh doanh giống, sản phẩm giống vật nuôi đáp ứng các yêu cầu đối với sản phẩm giống vật nuôi lưu thông trên thị trường quy định tại Điều 18. Dự thảo Luật bổ sung giải thích thuật ngữ về đàn giống cấp cụ kỵ, đàn giống ông bà, đàn giống bố mẹ. Đồng thời, quy định điều kiện cụ thể của cơ sở sản xuất giống tương ứng với từng phẩm cấp để quản lý một cách có hệ thống, sử dụng có hiệu quả từng loại giống phù hợp với xu thế của khu vực và quốc tế. Đồng thời, để khuyến khích phát triển chăn nuôi thì tổ chức, cá nhân được tự do sản xuất, kinh doanh vật nuôi là gia súc, gia cầm, đồng thời Dự thảo Luật đã bổ sung quy định tổ chức, cá nhân được phép chăn nuôi động vật khác được Chính phủ quy định tại “Danh mục động vật khác được phép chăn nuôi” (Điều 67). Do đó, UBTVQH không bổ sung Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh vào dự thảo Luật.

Để hướng tới một nền chăn nuôi hiện đại, khép kín, kiểm soát được an toàn dịch bệnh thì ngay từ khâu cung cấp con giống phải đảm bảo chất lượng, UBTVQH nhận thấy quy định các điều kiện về cơ sở sản xuất, mua bán con giống và sản phẩm giống vật nuôi như tại Điều 22 là hợp lý. Do đó, UBTVQH đề nghị quy giữ nguyên nội dung này như quy định trong dự thảo Luật.

Cũng trong Chương giống và sản phẩm giống vật nuôi, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng cho biết, dự thảo Luật quy định chỉ bắt buộc khảo nghiệm đối với dòng, giống vật nuôi mới lần đầu được tạo ra trong nước hoặc nhập khẩu lần đầu vào Việt Nam. Để tạo điều kiện đưa nhanh các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và kinh doanh thì không yêu cầu khảo nghiệm đối với dòng, giống vật nuôi được tạo ra từ kết quả nhiệm vụ cấp bộ, cấp quốc gia đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép (khoản 2 Điều 26). Tổ chức, cá nhân được tham gia, thực hiện việc khảo nghiệm tại các cơ sở đủ điều kiện khảo nghiệm (Điều 27); quy định rõ trường hợp phải kiểm định dòng, giống vật nuôi (Điều 28); quy định rõ trình tự, thủ tục công nhận dòng, giống vật nuôi mới (Điều 30). Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, các quy định về nguồn gen giống vật nuôi trong dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh sửa. Theo đó, Nhà nước thống nhất quản lý nguồn gen giống vật nuôi, còn tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi theo phương thức đã được quy định trong pháp luật về đa dạng sinh học. Dự thảo Luật giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan trong bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi (Điều 14). Đồng thời, dự thảo Luật đã quy định chỉ được nghiên cứu khoa học về nhân bản vô tính vật nuôi; việc nghiên cứu, chọn, tạo, thử nghiệm, sản xuất, kinh doanh, sử dụng, phóng thích, trao đổi quốc tế và các hoạt động khác đối với vật nuôi biến đổi gen thực hiện theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học (Điều 17).

Đối với nội dung về thức ăn chăn nuôi quy định tại Chương III, theo Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng, UBTVQH tiếp thu ý kiến các đại biểu và đã chỉ đạo việc chỉnh sửa, bổ sung các quy định về thức ăn chăn nuôi tại Chương III; luật hóa những quy định về thức ăn chăn nuôi tại Nghị định 39/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản đã được kiểm nghiệm trong thực tế. Để phù hợp với đặc thù và yêu cầu quản lý của từng loại thức ăn chăn nuôi, dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định cụ thể đối với từng loại thức ăn đậm đặc, hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn bổ sung, thức ăn truyền thống và nguyên liệu đơn; bổ sung quy định về sử dụng phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp hoặc thực phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn sử dụng cho người sang làm nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do đó, dự thảo Luật đã giảm đáng kể nội dung cần ban hành văn bản hướng dẫn, tạo môi trường minh bạch, thông thoáng hơn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Toàn cảnh phiên họp

Để quản lý hiệu quả chất lượng thức ăn chăn nuôi, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết, dự thảo Luật đã quy định thức ăn chăn nuôi thương mại trước khi lưu thông trên thị trường phải có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; phải được sản xuất tại cơ sở đủ điều kiện; phải được công bố sản phẩm trên Cổng thông tin của Bộ NN&PTNT và tuân thủ các quy định về nhãn hàng hóa (Điều 32). Sản phẩm thức ăn chăn nuôi đậm đặc và thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (chiếm khoảng 90% khối lượng thức ăn chăn nuôi thương mại) sẽ do tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT. Thức ăn chăn nuôi bổ sung (khoảng 5%) phải được Bộ NN&PTNT thẩm định trước khi công bố sản phẩm vì đây là loại chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro có ảnh hưởng lớn đến an toàn thực phẩm của sản phẩm chăn nuôi. Trình tự, thủ tục công bố được quy định rõ ràng đối với sản phẩm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, đậm đặc tại Điều 33, đối với thức ăn bổ sung tại Điều 34 và Điều 35, đối với thức ăn chăn nuôi khác tại Điều 36.

Nhận thấy các ý kiến của các đại biểu Quốc hội là xác đáng; đồng thời để hạn chế việc trùng lặp, chồng chéo trong việc thanh tra, kiểm tra sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng như nghiên cứu, kế thừa quy định về kiểm tra nhà nước quy định tại Luật An toàn thực phẩm, dự thảo Luật đã bổ sung “Điều 43. Kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi”. Theo đó, việc kiểm tra phải tuân thủ theo quy định của Luật này, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các nội dung đặc thù về kiểm tra thức ăn chăn nuôi được quy định.

Bên cạnh đó, UBTVQH đã tiếp thu ý kiến các đại biểu và đã chỉnh sửa quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh. Theo đó, chỉ được phép sử dụng kháng sinh thuộc Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam (khoản 1 Điều 45); nghiêm cấm “sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam” (khoản 3 Điều 12), “sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng” (khoản 4 Điều 12); chỉ được sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích trị bệnh cho vật nuôi bị bệnh và phòng bệnh cho vật nuôi ở giai đoạn con non khi có kê đơn của bác sỹ thú y (khoản 2 và khoản 3 Điều 45). Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định tiêu chí đối với các loại vật nuôi ở giai đoạn con non được phép sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh và lộ trình bỏ việc sử dụng kháng sinh trong phòng bệnh đối với vật nuôi (khoản 5 Điều 45).

Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng nêu rõ, bên cạnh các vấn đề chính chính nêu trên, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan rà soát toàn bộ dự thảo Luật, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý trong từng điều, khoản của Dự thảo Luật, cũng như hoàn thiện kỹ thuật lập pháp và văn phong của dự thảo Luật.

 

Hồ Hương