TẬP TRUNG SỬA ĐỔI NHỮNG NỘI DUNG CẦN THIẾT CẤP BÁCH TRONG LUẬT ĐẦU TƯ CÔNG

20/10/2018

Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ thảo luận lần đầu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Theo Tờ trình của Chính phủ, trên cơ sở phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định tên của dự án Luật là Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Luật Đầu tư công được ban hành từ năm 2014 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu quả đầu tư công. Luật ra đời đã thay đổi căn bản phương thức quản lý đầu tư chuyển từ cơ chế quản lý theo kế hoạch đầu tư hàng năm sang kế hoạch trung hạn gắn với kế hoạch hàng năm, siết chặt lại việc phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt, thực hiện dự án, chương trình đầu tư gắn với thẩm định nguồn và khả năng cân đối nguồn vốn; các khoản chi ngân sách nhà nước phải có dự toán và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thời gian qua, công tác quản lý đầu tư công đã có chuyển biến tích cực, từng bước ngăn chặn tình trạng phê duyệt dự án vượt quá khả năng cân đối vốn, đầu tư dàn trải, hạn chế nợ đọng xây dựng cơ bản, góp phần chống thất thoát, lãng phí trong việc sử dụng nguồn lực tài chính của Nhà nước.

Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục như việc quy định thẩm quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của một số bộ, ngành, địa phương. Các thủ tục hành chính trong quy trình thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án…còn phức tạp, quá nhiều cấp dẫn đến mất nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục, hồ sơ dự án ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Cùng với đó, một số vấn đề phát sinh trên thực tiễn chưa được Luật điều chỉnh, các vấn đề về giải ngân, giao vốn…chưa được quy định một cách chặt chẽ làm giảm hiệu quả đầu tư.

Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên họp thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công

Phát biểu tại phiên họp thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Hoàng Văn Cường cho biết, bên cạnh  những tác động tích cực của Luật Đầu tư công sau  3 năm triển khai thi hành như tình trạng đầu tư dàn trải gần như không còn; tăng tính chủ động của địa phương, hạn chế tình trạng trông chờ vào ngân sách trung ương thì vẫn còn những bất cập mà chủ yếu là từ khâu chuẩn bị đầu tư, quy trình thủ tục cần phải được sửa ngay.

Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Mai Hồng Hải đặt vấn đề, nếu trình sửa đổi toàn diện Luật Đầu tư công như phương án của Chính phủ trình thì đến 1/1/2020 luật mới có hiệu lực khi đó cũng chuyển sang giai đoạn xây dựng, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung 2021-2025 như vậy những vấn đề cấp bách hiện nay có được giải quyết.

Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Mai Hồng Hải cho rằng, cần phải đánh giá khái quát và phân loại các nguyên nhân của bất cập hạn chế trong thực hiện đầu tư công, vấn đề nào do luật, vấn đề nào là do tổ chức hướng dẫn thực hiện  để có hướng xử lý phù hợp, kịp thời.

Đại biểu đề nghị, lần sửa đổi này nên tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, giải quyết những vướng mắc có nguyên nhân do luật, còn những vẫn đề khác chưa thực sự cần thiết, cần có thêm đánh giá tình hình thực tiễn triễn khai dài hơn thì để lại sau.

Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Mai Hồng Hải cho rằng sửa đổi luật lần này cần tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Quang, dư âm không tốt về hiệu quả đầu tư công trong thời gian qua nếu không được giải quyết triệt để thì trong tương lai việc triển khai các dự án lớn, quan trọng, cần thiết nhưng lại thiết sự ủng hộ, đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị, trong toàn dân thì rất khó triển khai thực hiện, tác động không tốt đến thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Vì vậy để khắc phục những hạn trong đầu tưc ông bảo đảm hiểu quả tránh thất thoát thì không chỉ Luật Đầu tư công mà Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu cũng cần có sự điều chỉnh lại, cùng với đó tận dụng tối đa cơ hội khi Luật Quy hoạch vừa mới có hiệu lực để tránh tình trạng công trình dự án không có trong quy hoạch, không hiệu quả thực tế nhưng vẫn được đưa vào chương trình đầu tư.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Quang cho rằng, trước mặt, Luật Đầu tư công cần giải quyết các vấn đề về trật tự ưu tiên trong phân bổ nguồn lực; quy trình thủ tục phân bổ; tăng cường phân cấp giữa Trung ương và địa phương; tăng cường kỷ luật thực hiện chương trình, dự án đầu tư đặc biệt là về thời gian triển khai, kinh phí thực hiện; khi xảy ra tình trạng đội vốn, chậm tiến độ cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong phê duyệt tổng mức đầu tư, tiến độ cấp vốn,tiến độ thực hiện…

Qua thẩm tra, Ủy ban Tài chính – Ngân sách chỉ ra 11 nhóm vấn đề cần tập trung sửa đổi. 

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội họp toàn thể thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công

Một là, sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến khái niệm và giải thích từ ngữ làm căn cứ để quy định các quy trình, thủ tục, trình tự, thẩm quyền, trong đó quy định rõ khái niệm về vốn đầu tư công theo 2 nguồn vốn trong cân đối ngân sách và ngoài cân đối ngân sách.

Hai là, bổ sung đối tượng đầu tư công liên quan đến nhiệm vụ quy hoạch, đối tượng hỗ trợ lãi suất, phí quản lý, cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách.

Ba là, điều chỉnh tiêu chí dự án nhóm A đối với dự án thuộc địa bàn di tích quốc gia đặc biệt, dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh.

Bốn là, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương trong thẩm định nguốn vốn, khả năng cân đối vốn.

Năm là, sửa đổi các quy định về phân cấp thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, phê duyệt dự án.

Sáu là, bổ sung các nhiệm vụ, chương trình, dự án không phải thực hiện quyết định chủ trương đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, dự án khẩn cấp; trình tự lập, thẩm định, quyết định dự toán đối với nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch để làm cơ sở bố trí vốn trong quy hoạch đầu tư công trung hạn.

Bảy là, điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư quyết định dự án trong trường hợp khi điều chỉnh quyết định đầu tư dự án làm tăng quy mô, vượt tổng mức đầu tư, thay đổi phân loại dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tám là, sửa đổi quy định về thủ tục phê duyệt và giao kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm theo hướng đẩy mạnh phân cấp cho người đứng đầu cơ quan trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chín là, sửa đổi quy định về thời hạn cho phép kéo dài việc giải ngân theo hướng rút ngắn thời hạn nhằm khắc phục tình trạng chậm giải ngân hiện nay.

Mười là, bổ sung quy định nhằm luật hóa cụ thể thẩm quyền quyết định danh mục đầu tư công, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm, về hiệu quả sử dụng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn, trách nhiệm bảo đảm hiệu quả đầu tư công, bổ sung quy định đầu tư ra nước ngoài.

Mười một, sửa đổi một số quy định nhằm bảo đảm tính thống nhất với một số luật liên quan như Luật Quản lý nợ công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Bảo Yến