QUỐC HỘI SẼ XEM XÉT PHÊ CHUẨN HIỆP ĐỊNH CPTPP TẠI KỲ HỌP THỨ 6

20/10/2018

Phát biểu tại buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào chiều 18/10, Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

Thông tin tới tới các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và báo chí quốc tế về một số nội dung nổi bật của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là Hiệp định quan trọng, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế - xã hội đến ngoại giao của nước ta, nhất là ngành nông nghiệp và quyền của công nhân lao động. Việc phê chuẩn Hiệp định này có ý nghĩa quan trọng đối với việc hội nhập quốc tế của nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương cho biết, vào chiều 17/10, tại phiên họp thứ 28 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và thống nhất trình Quốc hội việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ hoàn thiện hồ sơ, trong đó cần phải cung cấp thêm một số thông tin như: 64 Hiệp định đã ký với các nước, các biên bản ghi nhớ, thư trao đổi song phương giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP… trên cơ sở đó làm tài liệu để các đại biểu Quốc hội tham khảo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương nêu rõ, sau khi Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, Ủy ban Đối ngoại sẽ tiến hành thẩm tra chính thức. Nội dung thẩm tra sẽ căn cứ theo Điều 32 Luật Điều ước quốc tế. Theo đó, năm nội dung thẩm tra sẽ về sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Hai là, việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Ba là, tính hợp hiến và mức độ phù hợp của Hiệp định CPTPP với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bốn là, khả năng áp dụng trực tiếp, toàn bộ hoặc một phần Hiệp định CPTPP. Năm là, yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để thực hiện Hiệp định CPTPP. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương chia sẻ, việc sửa đổi các luật theo lộ trình, nhưng nếu việc sửa đổi không phù hợp với lộ trình để thực hiện Hiệp định này thì Việt Nam rất có thể sẽ phải đối mặt với tranh chấp, khiếu kiện do không thực hiện theo cam kết.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sĩ Cương trả lời phóng viên các câu hỏi liên quan đến việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Trước câu hỏi của phóng viên về việc ký kết Hiệp định CPTPP đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ trung ương đến địa phương, các bộ ngành, Chính phủ cũng đã kí kết chính thức và việc Quốc hội phê chuẩn chỉ mang tính chất thủ tục thì Quốc hội sẽ thảo luận những vấn đề gì và có cần thiết bố trí cả thảo luận tổ và hội trường về nội dung này hay không?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sĩ Cương cho biết, Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan sẽ được trình Quốc hội phê chuẩn theo quy trình tại 01 kỳ họp được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc thảo luận tại tổ và tại hội trường và biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định đều bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Quốc hội không đi sâu vào thảo luận những nội dung, cam kết cụ thể đã ký kết của Hiệp định mà Quốc hội sẽ thảo luận theo 5 nhóm vấn đề thẩm tra chính.

Về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm, khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực thì lập tức thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của các nước thành viên bên cạnh những tác động tích cực trong thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu trong nước thì một số mặt hàng của Việt Nam sức cạnh tranh còn yếu thì ngành nông nghiệp, người nông dân cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Một số sản phẩm công nghiệp mà một số nước CPTPP có thế mạnh cũng có thể gây khó khăn cho sản xuất của ta…Đây là những vấn đề cần phải bàn kỹ để có sự chuẩn bị, chủ động phát huy được những tác động tích cực, tìm cách ứng phó với những thách thức.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi với phóng viên tại buổi họp báo

Ngoài ra, để thực thi cam kết trong CPTPP sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật. Qua rà soát, tổng số văn bản quy phạm pháp luật được kiến nghị sửa đổi, bổ sung bao gồm 08 luật và 04 nghị định. Đây cũng là vấn đề cần được Quốc hội thảo luận kỹ để bảo đảm hoàn thiện pháp luật trong nước, đảm bảo thi hành pháp luật hiệu quả.

* Vào ngày 08/3/2018 tại Santiago, Chile, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các văn bản liên quan cùng Bộ trưởng phụ trách kinh tế của các nước Australia, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaisia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore. Sau khi ký Hiệp định, các nước sẽ tiến hành thủ tục pháp lý trong nước, bao gồm việc phê chuẩn Hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình để Hiệp định có hiệu lực, dự kiến vào đầu năm 2019.

Hiệp định CPTPP gồm 07 chương và 01 phụ lục quy định về mối quan hệ với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như xử lý các vấn đề khác liên quan đến tính hiệu lực, rút khỏi hay gia nhập Hiệp đinh CPTPP. Hiệp định quy định nhiều vấn đề từ thương mại truyền thống như mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư đến các vấn đề ít truyền thống hơn như mua sắm của các cơ quan Chính phủ, thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước, và mở rộng đến các vấn đề phi truyền thống trong đàm phán, kí kết các hiệp định tự do thương mại như lao động, môi trường, chống tham nhũng trong thương mại và đầu tư. Hiệp định CPTPP được đánh giá là một hiệp định tự do thương mại chất lượng cao và toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay.

Việc tham gia CPTPP với tư cách là thành viên đầu tiên góp phần khẳng định vị trí, vai trò của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên của Hiệp định. Cùng với đó là rất nhiều thuận lợi và cơ hội về kinh tế. Do đó việc Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định CPTPP để Hiệp định của hiệu lực trong thời điểm này có ý nghĩa quan trọng, tận dụng cơ hội hội nhập để phát triển.

Bảo Yến