THẨM TRA VIỆC ĐÁNH GIÁ GIỮA KỲ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN GIAI ĐOẠN 2016-2020

11/10/2018

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 29, ngày 10/10, Ủy ban Tài chính- Ngân sách họp thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch đầu ưu công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên họp.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch đầu ưu công trung hạn giai đoạn 2016-2020

Tham dự phiên họp còn có  đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Kinh tế Trung ương, Kiểm toán Nhà nước và một số cơ quan hữu quan.

Cơ bản khắc phục tình trạng quyết định đầu tư tùy tiện

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, qua 3 năm thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 đạt được một số kết quả như tỷ trọng đầu tư trên GDP dịch chuyển tích cực, phù hợp với các mục tiêu về cơ cấu lại đầu tư công đã đề ra, tính đến 2017, tỷ trọng vốn đầu tư của nhà nước giảm xuống còn 34,8% so với tổng đầu tư toàn xã hội, tương đương 11,6%GDP.

Cơ cấu vốn đầu tư công chuyển dịch theo hướng phù hợp hơn với các định hướng đầu tư, trong đó các ngành giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và các lĩnh vực hạ tầng chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế bước đầu tăng lên.

Đặc biệt, qua 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn đã khắc phục cơ bản tình trạng quyết chủ trương và quyết định đầu tư tùy tiện khong căn cứ khả năng cân đối vốn. Tổng số dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn là 9620 dự án (không bao gồm các chương trình mục tiêu quốc gia) chỉ bằng 50% so với giai đoạn trước về số dự án. Số dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt 65,4%; số vốn bố trí bình quân cho một dự án đạt khoản 35,5 tỷ đồng/1 dự án , tăng 35,8% so với giai đoạn trước.

Đồng thời cũng khắc phục được tình trạng các dự án đầu tư vượt quá kế hoạch vốn được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản, quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán kế hoạch đầu tư công.

Tuy nhiên, tình trạng mất cân đối giữa khả năng đáp ứng nguồn vốn và nhu cầu về vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ướng, nhiều dự án cấp bách quan trọng, dự án ODA, dự án đến hạn phải trả cho các nhà đầu tư của các bộ, ngành, địa phương chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn do không có nguồn bố trí. Việc phân bổ bốn chi tiết cho từng dự án còn nhiều hạn chế do nguồn vốn cân đối hạn hẹp, vốn bố trí cho các dự án khởi công mới không đủ. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tư duy phân bổ dàn trải, phân tán, dự kiến quá nhiều dự án đưa vào danh mục.

Trên cơ sở kết quả thực hiện 3 năm , Chính phủ đánh giá khả năng thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn của 2 năm tiếp theo (2019, 2020). Cụ thể, đối với nguồn vốn ngân sách trung ương, hạn mức vốn phải thực hiện còn lại trong 2 năm tiếp theo của Kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lại quá nhiều, tạo sức ép rất lớn đối với công tác cân đối và phân bổ vốn trong kế hoạch hàng năm. Để thực hiện nhiệm vụ đã đề ra, trong 2 năm còn lại, bình quân mỗi năm cần phải được bố trí ngân sách trung ương khoảng 237 nghìn tỷ đồng. Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục triển khai giao kế hoạch hàng năm nguồn vốn trong cân đối ngân sách địa phương trên cơ sở khả năng thu của ngân sách địa phương theo thực tế hàng năm, triển khai tổng kết vào cuối kỳ Kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai phát biểu tại phiên họp

Ngoài ra, Chính phủ cũng báo cáo về việc sử dụng dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn; điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài; đồng thời xin ý kiến Quốc hội về một số trường hợp cụ thể như điều chỉnh và giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cho các huyện nghèo mới bổ sung của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bổ sung dự toán năm 2018 cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và một số địa phương; chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án thuộc quy hoạch tuyến đường ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An; bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ hợp tác xã và bổ sung các dự án mới trong kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước của Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải.

Cần chỉ rõ trách nhiệm trong việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã nêu tương đối toàn diện những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn. Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng việc phân vốn dầu tư công về cơ bản tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức và thực hiện theo thứ tự ưu tiên, khắc phục cơ bản tình trạng bố trí vốn dàn trải, quyết định chủ trương và quyết định đầu tư tùy tiện không căn cứ khả năng cân đối vốn.

Đồng thời, do đây là lần đầu tiên thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn nên vẫn còn một số tồn tại. Ủy ban Tài chính – Ngân sách chỉ ra rằng việc giao kế hoạch vốn và giải ngân quá chậm là thực trạng đáng lo ngại ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả nguồn vốn. Nhiều dự án quan trọng quốc gia không bảo đảm tiến độ, chưa tuân thủ quy định về tổng mức đầu tư đã quyết định. Cùng với đó, một số cơ quan, đơn vị chưa chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về đầu tư công.

Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cho rằng, việc đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn là rất quan trọng vì vậy Chính phủ cần có đánh giá sâu hơn nữa để tìm ra các nguyên nhân của cả kết quả tích cực và hạn chế để tìm hướng điều chỉnh cho thời gian tiếp thực hiện Kế hoạch.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, ưu điểm nổi bật trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn thời gian qua là việc thực hiện nghiêm túc dẫn đến thực hiện kế hoạch đầu tư công bàn bản, giảm nợ đầu tư xây dựng cơ bản, giảm cơ chế xin cho. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại giải ngân chậm, dự án chậm tiến độ…Vì vậy, báo cáo của Chính phủ cần có đánh giá phân tích sâu hơn tình hình, nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương trong việc tổ chức thực hiện.

Nêu rõ dưới sức ép của Quốc hội, của dư luận thì thời gian qua Chính phủ đã thực hiện tốt đầu tư công thể hiện ở hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế bước đầu tăng lên, hệ số ICOR giảm từ 6,36 của giai đoạn 2011-2014 xuống còn 6,11 trong giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng tăng, tuy nhiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Quang cũng cho rằng thực tế vẫn có thể làm được tốt hơn nữa khi mà hiện nay hiệu quả đầu tư công của Việt Nam mới chỉ bằng 1/3 của Singapore, 1/2 của Thái Lan và 2/3 Trung Quốc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Quang chỉ rõ hiệu quả đầu tư một số dự án còn thấp một phần là do lỏng lẻo trong quản lý, vi phạm trong bố trí vốn đầu tư, vì vậy cần phải làm rõ trách nhiệm trong việc bố trí vốn không phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí Quốc hội, Chính phủ đề ra.

Ngoài ra, tại phiên họp các đại biểu cũng cho ý kiến về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn, định hướng và cách sử dụng, thẩm quyền quyết định; rà soát lại cân đối nguồn trong nước và nguồn ngoài nước và các dự án cụ thể.

Bảo Yến