CÂN NHẮC KỸ TÊN GỌI CỦA DỰ ÁN "LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA"

18/09/2018

Thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tại Phiên họp thứ 27, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc kỹ tên gọi và một số nội dung cấm được quy định trong Dự án Luật.

Tại sao không đặt vấn đề chống lạm dụng mà đặt vấn đề phòng, chống tác hại

Thảo luận về tên gọi của Dự án Luật, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra rằng, Tờ trình đưa ra 03 loại ý kiến về tên gọi. Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra đồng ý với tên gọi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và cho rằng tên gọi này mang tính khái quát, dễ hiểu, dễ nhớ với đại đa số người dân và phù hợp với Nghị quyết về Chương trình xây dựng pháp luật đã được Quốc hội thông qua. Đồng thời, đến nay Tổ chức Y tế thế giới và hầu hết các nghiên cứu đã khẳng định, không có ngưỡng an toàn nào cho việc sử dụng rượu, bia.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu chỉ ra rằng, nếu dùng tên gọi này, người dân nhìn vào nội dung Luật này thì nghe thấy rượu, bia là đã sợ không dám uống; trong khi thế giới họ dùng tên gọi là phòng chống đồ uống có cồn. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải tính toán, nghiên cứu cho kỹ, phân tích có lý lẽ về tên gọi của Dự luật đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế; không thể áp đặt việc đây là tên đã đưa vào chương trình xây dựng pháp luật rồi thì phải dùng tên đó, mà tên phải phù hợp với nội hàm của Luật.  

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho ý kiến tại phiên họp

Cũng quan tâm đến vấn đề tên gọi, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, chúng ta có Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, tên gọi của nó phù hợp ở chỗ thuốc lá đã hút là có hại, thậm chí người không hút nhưng trong môi trường có khói thuốc cũng có hại; tuy nhiên rượu - bia vẫn có tác dụng tích cực, phải lạm dụng quá mức mới có hại. Vậy tại sao chúng ta không đặt vấn đề "chống lạm dụng" mà đặt vấn đề "phòng, chống tác hại"? Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo đưa ra những giải thích thuyết phục về cách dùng tên gọi này.

Giải trình về vấn đề tên gọi của Dự luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Luật đặt ra vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia mà không phòng, chống sự lạm dụng vì rượu hay bia đều là thức uống có cồn; do tác động của cồn gây tác hại thì không có ngưỡng trong sinh học và trong khoa học, nó cũng nhạy cảm khác nhau ở mỗi cơ thể. Có người không thể uống được một lượng cồn nào cả, uống vào một ngụm là có thể đã chóng mặt say xẩm nhưng có người có thể uống cả lít bia vẫn bình thường về mặt thần kinh nhưng hàm lượng cồn trong máu vẫn tăng lên. Cho nên chúng ta không có ngưỡng nào để quy định tác hại. Đặc biệt, đã đã xác định phòng, chống thì không có ngưỡng lạm dụng, vì để đến mức lạm dụng thì lúc đó đã quá muộn và ý nghĩa dự phòng để nâng cao sức khỏe, bảo vệ sức khỏe con người sẽ không đảm bảo giá trị. Do đó việc cơ quan soạn thảo lựa chọn tên này là đúng và phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách đưa ra quan điểm

Nghiên cứu lại một số quy định cấm trong Dự luật

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chỉ rõ, tại Điều 9 dự thảo Luật quy định các trường hợp không được uống rượu bia, trong đó "cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa các ca làm việc"; "cấm uống rượu, bia tại địa điểm không được bán rượu, bia quy định tại khoản 1 Điều 20 luật này". Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt ra vấn đề, vậy tại địa điểm không được bán rượu, bia nhưng người ta mang đến uống có được không? Trường hợp tiếp khách ngoài thời gian làm việc và được người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó đồng ý là như thế nào. Dự luật quy định vấn đề này rất chung chung, gây mơ hồ về cách hiểu. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo làm cụ thể hơn hơn về nội dung này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp còn đưa ra vấn đề, tại Điều 20 của Dự luật quy định không được bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi. Vậy bằng cách nào để chúng ta thực hiện được quy định này, tức là khi người dưới 18 tuổi đến mua thì người bán hỏi chứng minh; nếu người ta lấy một chứng minh thư của người khác đến thì người bán rượu này có nghiệp vụ giống như an ninh sân bay hay công an để đối chiếu người thực này với ảnh trong chứng minh thư hay không? Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm rõ tính khả thi của quy định này khi áp dụng trong thực tiễn.

Cũng liên quan đến một số quy định cấm trong dự thảo Luật, đưa ra quan điểm về việc không được bán rượu, bia trên mạng Internet, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Đức Hải chỉ ra rằng, Internet chỉ là một phương tiện còn các hình thức thương mại điện tử mới là chuyện kinh doanh. Bây giờ chúng ta đang quản lý thương mại điện tử, đang hoàn thiện hệ thống pháp luật tiến tới hoàn toàn có quyền kinh doanh trên mạng. Rượu bia cũng như mọi sản phẩm hàng hóa khác vấn đề là chúng ta phải quản lý. Nếu Dự luật quy định không được kinh doanh trên mạng Internet thì có chặt chẽ không, có phù hợp với các quy định hiện hành không? Do đó, cơ quan soạn thảo phải nghiên cứu kỹ các quy định về quản lý thương mại điện tử để đưa vào trong Luật này sao cho phù hợp với thực tế hiện nay.

 

Hồ Hương