ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

17/09/2018

Sáng ngày 17/9, mở đầu tuần làm việc thứ hai theo chương trình Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Báo cáo của Chính phủ về kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì, điều hành phiên họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Ngày 24/6/2014, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Nghị quyết xác định giai đoạn 2016 - 2020: (a) Đạt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết 5 năm (2016-2020) của Quốc hội, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo; (b) Tăng nguồn lực đầu tư và cân đối nguồn lực trung hạn của Nhà nước cho các chính sách, chương trình giảm nghèo; (c) Thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng; (d) Tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; (đ) Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo..; (e) Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và tỷ lệ đào tạo nghề khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số; (g) Bảo đảm ít nhất 90% hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế; 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, trên 90% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; (h) Tăng cường công tác quản lý nhà nước. Nghị quyết cũng yêu cầu, định kỳ 2 năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết này.

Nhiều mục tiêu đề ra trong Nghị quyết đạt và vượt tiến độ đề ra

Trình bày báo cáo của Chính phủ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biêt, đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6,7% (giảm 1,53% so với cuối năm 2016). Theo đó, giai đoạn 2015- 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%/năm, đạt vượt so với mục tiêu đề ra là từ 1- 1,5%/năm.

Cụ thể, theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cả nước cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cả nước là 15,10% (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 9,88%), tại các huyện nghèo là 63,26% (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 50,43%). Tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cả nước giảm còn 13,64; đến cuối năm 2017 giảm còn 12,02% (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 6,70%, giảm 1,53% so với cuối năm 2016).

Cùng với việc giảm số hộ nghèo chung giai đoạn 2015- 2017, tỷ lệ số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều cũng có xu hướng giảm trong tổng số tỷ lệ hộ nghèo chung. Ước đến cuối năm 2018, tỷ lệ nghèo cả nước còn dưới 6%, giảm khoảng 1 - 1,3% so với đầu năm 2018, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 4%.

Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm bình quân 5,43%/năm; tại các xã thuộc Chương trình 135 giảm khoảng 3% - 4%/năm, đạt mục tiêu Quốc hội giao

Ngoài ra, tình trạng tái nghèo được kiềm chế và có xu hướng giảm tích cực từ 0,13% (năm 2016) xuống 0,10% (năm 2017); 10 tỉnh, thành phố không có tái nghèo; một số tỉnh khó khăn đạt thành tích ấn tượng trong kéo giảm tỷ lệ tái nghèo. 

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm túc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết 76/2014/NQ13 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đến năm 2020; các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao; khuôn khổ văn bản pháp lý để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cơ bản đã được hoàn thiện; cơ chế quản lý điều hành, phân công phân cấp, phối hợp, lồng ghép trong tổ chức thực hiện đã từng bước được hình thành và đi vào nền nếp; nhiều mục tiêu đề ra trong Nghị quyết đã được tổ chức thực hiện đạt và vượt tiến độ đề ra.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày báo cáo của Chính phủ

Tuy nhiên, một số nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 76 chưa đạt tiến độ quy định, việc chuyển đổi phương thức hỗ trợ người nghèo từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn triển khai còn chậm; nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc và miền núi tuy đã được ưu tiên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; các chính sách giảm nghèo đã được tích hợp bước đầu nhưng vẫn còn dàn trải, thiếu tính hệ thống; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt.

Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững

Trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh cho biết, về cơ bản, Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội tán thành với các đánh giá của Chính phủ về những kết quả quan trọng đạt được trong thực hiện 8 nhiệm vụ về đẩy mạnh giảm nghèo bền vững trong 2 năm (2017 – 2018), thể hiện sự quan tâm chỉ đạo sát sao, tích cực đổi mới công tác điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, phát huy tích cực tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân.

Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần được quan tâm, đó là báo cáo thiếu đánh giá kết quả định lượng đối với một số chỉ tiêu định lượng quan trọng trong Nghị quyết 76 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững về: giải quyết đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số; bảo hiểm y tế với hộ cận nghèo; tỷ lệ xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Cách đánh giá theo từng nhiệm vụ chưa có sự đồng nhất. Thiếu sự gắn kết một số nội dung trong các phần của Báo cáo như một số khó khăn, vướng mắc được nhận diện nhưng Chính phủ chưa nêu giải pháp cụ thể để khắc phục hoặc ngược lại, có các kiến nghị không có mối liên hệ với đánh giá trong Báo cáo.

Về những kết quả thực hiện cụ thể, Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội cho rằng, thành quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Đến tháng 3/2018, tuy đã có 8/64 huyện thuộc Nghị quyết 30a thoát nghèo; 14/30 huyện hưởng cơ chế 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng lại bổ sung 29 huyện vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018 – 2020. 12 tỉnh có tỷ lệ tái nghèo tăng rõ rệt (tăng từ 0,03% trở lên), trong đó có cả một số tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi (như Vĩnh Phúc, Khánh Hoà, Kiên Giang); số hộ tái nghèo bằng khoảng 1/20 số hộ thoát nghèo; số hộ nghèo mới phát sinh bằng khoảng 1/4 số hộ thoát nghèo; nhiều tỉnh thuộc khu vực bị thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng có tỷ lệ phát sinh hộ nghèo mới hàng năm rất cao.

Cùng với đó, chính sách tín dụng tiếp tục khẳng định hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo. Nguồn vốn tiếp tục được tăng cường từ nhiều nguồn đa dạng, tổng dư nợ tăng đáng kể; bổ sung thêm đối tượng hộ mới thoát nghèo; tăng mức vay tối đa cho các hộ để phát triển sản xuất, kinh doanh, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn đến tháng 6/2018 chỉ ở mức 0,42%. Giai đoạn 2016 - 2018, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã bố trí 21.032 tỷ đồng, bằng 97,3% số vốn đã được giao để thực hiện Chương trình 30a và Chương trình 135 theo đúng định hướng ưu tiên nguồn lực đầu tư để đẩy mạnh giảm nghèo bền vững đối với địa bàn khó khăn. 

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra sơ bộ

Đánh giá chung, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành hữu quan, các địa phương đã phát huy tốt thành quả và kinh nghiệm quản lý, quyết liệt, sâu sát điều hành công tác giảm nghèo, nỗ lực triển khai và hoàn thành khối lượng lớn công việc để vận hành chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, duy trì được kết quả giảm nghèo đạt chỉ tiêu Quốc hội giao ở mức cao, kiềm chế có hiệu quả tái nghèo; có nhiều chủ trương, cách làm mới để huy động xã hội, phát huy mạnh mẽ trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và thu hút sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người nghèo.

Bên cạnh đó, Một số chủ trương, định hướng chính sách của Nghị quyết 76 chưa được thực hiện có hiệu quả. Còn nhiều hạn chế của công tác giảm nghèo trong giai đoạn trước đây đã được nhận diện rõ nhưng chưa được khắc phục: kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững; còn phổ biến tình trạng trông chờ, ỷ lại chính sách của Nhà nước; sự phức tạp, phân tán, chồng chéo của hệ thống văn bản về giảm nghèo.

Về nguyên nhân của những tồn tại trên, Thường trực Ủy ban tán thành với nhiều nguyên nhân đã được phân tích kỹ trong Báo cáo của Chính phủ và nhấn mạnh quá trình chuyển đổi, tích hợp chính sách là công việc phức tạp; tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt diễn ra thường xuyên, trên diện rộng làm phát sinh hộ nghèo mới; khả năng ngân sách nhà nước còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở thiếu ổn định; một bộ phận còn thiếu kinh nghiệm, hạn chế trong vận dụng chính sách, cách tiếp cận mới. Công tác phối hợp trong xây dựng, thực hiện các chính sách giảm nghèo có lúc còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ, kéo dài thời gian xử lý các vấn đề liên ngành.

Quốc hội sẽ tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết và giám sát tối cao về thực hiện giảm nghèo bền vững

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quan tâm và đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề như tình hình áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều đến đâu; vấn đề giải quyết đất ở, đất sản xuất còn hạn chế chế, nguyên nhân ở đâu, trách nhiệm thuộc về đơn vị nào; tại sao tốc độ giảm nghèo lại không đồng đều, làm rõ nguyên nhân, yếu tố chủ quan khách quan như thế nào trong khi với cùng một cơ chế chính sách, nguồn lực có nơi thực hiện được có nơi không, phải chăng do khâu tổ chức thực chưa hiệu quả theo từng địa bàn; vấn đề tích hợp chính sách, phối hợp giữa các địa phương như thế nào; có hay không tình trạng trục lợi chính sách…

Qua nghe trình bày và xem xét các nội dung báo cáo, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đánh giá cao và thống nhất với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo của cơ quan thẩm tra. Nhấn mạnh chủ trương giảm nghèo bền vừng là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, hợp với lòng dân, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc thực hiện quyết liệt để đạt và vượt các mục tiêu đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận nội dung thảo luận

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xem xét đánh giá đúng mức, làm nổi bật những kết quả đạt được, chỉ rõ những bất cập hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết 76 trong giai đoạn này có ý nghĩa quan trọng để xác định trong giai đoạn tiếp theo sẽ phải làm gì một cách trọng tâm trọng điểm. Cần phải đánh giá nguyên nhân một cách thực chất và tự đặt ra câu hỏi liệu đến 2020 có đạt được mục tiêu giảm nghèo đề ra hay không để có cách thực thực hiện phù hợp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ bám sát mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết để cụ thể hóa thực hiện tốt, đầy đủ, kịp thời các chính sách hiện có.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện các báo cáo để trình lên Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Theo Chủ tịch Quốc hội, đến năm 2020, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cáo về giảm nghèo bền vững và tổng kết thực hiện Nghị quyết 76 này.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh