VIỆC BỐ TRÍ NGUỒN VỐN TÍN DỤNG ĐÔI KHI CÒN CHƯA KỊP THỜI, CHƯA ĐẢM BẢO

14/09/2018

Cho ý kiến vào nhiệm vụ tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn, tại phiên họp mở rộng thẩm tra báo cáo của Chính phủ do Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức mới đây, các đại biểu cho rằng tâm lý trồng chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân vẫn còn; Việc bố trí nguồn vốn tín dụng đôi khi còn chưa kịp thời, chưa đảm bảo nguồn vốn.

Toàn cảnh phiên họp mở rộng thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả 02 năm thực hiện Nghị quyết số 76

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đến ngày 30/06/2018, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 189.105 tỷ đồng, tăng 30.239 tỷ đồng (+19%) so với năm 2016 và tăng 182.083 tỷ đồng, gần gấp 27 lần so với khi thành lập. Tăng mức cho vay đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo từ 30 triệu đồng/lượt/hộ vay lên 50 triệu đồng/lượt/hộ vay.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết: Gần 600 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo

Hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 đã giúp gần 600 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho trên 332 nghìn lao động; giúp gần 6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; gần 75 ngàn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 2 triệu công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn…Nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo từng bước được chuyển sang hình thức hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả, có thời hạn như chính sách cho vay hộ nghèo làm nhà ở, chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế…

Từ thực tiễn giám sát tại các địa phương, các thành viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhận định: Vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện. Việc chuyển đổi phương thức hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả thực hiện tại các địa phương đạt kết quả còn thấp. Nguyên nhân do chính sách hỗ trợ cho không được duy trì trong thời gian dài đã tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người nghèo. Nhiều gia đình không muốn vay vì sợ sản xuất chăn nuôi không đạt hiệu quả dẫn đến không trả được nợ. Việc bố trí nguồn vốn thực hiện một số chương trình tín dụng đôi khi còn chưa kịp thời, chưa đảm bảo nguồn vốn khiến địa phương gặp không ít khó khăn trong triển khai. Mức cho vay tối đa một số chương trình còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu so với tình hình thực tế. Một số cán bộ địa phương chưa thực sự tiếp nhận phương thức hỗ trợ mới do ngại mất nhiều thời gian trong việc tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi khẳng định: hiệu quả sử dụng vốn vay của một bộ phận người dân chưa cao

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi khẳng định: hiệu quả sử dụng vốn vay của một bộ phận người dân chưa cao. Hộ vay vốn chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, đất đai để tăng gia sản xuất nên hiệu quả vốn tín dụng đầu tư thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro thiện tai, dịch bệnh dẫn đến khó khăn trong việc thoát nghèo bền vững. Một bộ phận người dân vẫn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào những chính sách hỗ trợ cho không như trước đây, thậm chí không muốn thoát nghèo để còn được hưởng một số chính sách, không chịu làm ăn và trả nợ… Đặc biệt, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, tình trạng thiếu việc làm, thu nhập thấp, tỷ lệ trẻ em bỏ học cao, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tình trạng tái nghèo còn lớn. Đến cuối năm 2017 vẫn còn 35,28% tỷ lệ hộ nghèo tại các xã nghèo vùng đồng bào dân tộc thiếu số đang đặt ra thách thức lớn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi đề nghị, các bộ ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội tiếp tục quan tâm hơn nữa đến các huyện nghèo, xã nghèo để kết quả giảm nghèo vững chắc hơn, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, nhóm dân cư./.

 

Lê Phương