CÔNG TÁC THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CÒN HẠN CHẾ NHẤT ĐỊNH

14/09/2018

Ngày 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội năm 2018. Một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hiệu quả thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật còn hạn chế, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân.

Theo báo cáo của Chính phủ, để tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, pháp lệnh, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Trung ương và các địa phương đã ban hành kế hoạch hoạt động của Hội đồng, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hoặc lồng ghép công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong chương trình, kế hoạch công tác năm. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chủ tịch nước, tổ chức họp báo Công bố luật, pháp lệnh; đăng tải công khai, toàn văn luật, pháp lệnh trên Công báo; Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật; Cổng thông tin của bộ, ngành, đoàn thể, địa phương; các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng; các nhà xuất bản và một số cơ sở dữ liệu pháp luật khác để cán bộ và nhân dân dễ dàng tiếp cận, khai thác, sử dụng, cơ bản bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân… Tuy nhiên công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, phổ biến, giáo dục pháp luật trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị quan tâm hơn đến công tác thông tin, tuyên truyền ngày từ khâu soạn thảo

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng công tác tuyên truyền, định hướng ngay trong quá trình dự thảo trong thời gian vừa qua có vấn đề. Từ dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật Thuế tài sản và vừa rồi là Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước, Nghị định 86 liên quan đến Luật Giao thông được dư luận hết sức quan tâm và có những dư luận không tốt. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, không chỉ có công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng sau khi đã ban hành mà kể cả trong quá trình dự thảo những nội dung nhạy cảm, đây là vấn đề cần phải quan tâm trong thời gian tới.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào cơ sở còn hạn chế. Người dân, cán bộ, công chức, viên chức ngoài việc tự giác học, nghiên cứu thì công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được thực hiện nghiêm túc. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, cần đánh giá thực chất hơn, toàn diện hơn về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, không chỉ luật mà còn các nghị định, thông tư hướng dẫn. Thực tế, các ngành, các cấp đều có kinh phí để tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật nhưng còn thiếu quy trình chặt chẽ để triển khai việc tuyên truyền pháp luật từ trung ương tới cơ sở. Căn cứ vào từng luật cụ thể, từng đối tượng cụ thể để có quy trình tuyên truyền, phổ biến đến người dân, nâng cao hơn nữa hiệu lực pháp luật cũng như đưa pháp luật vào cuộc sống. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị cần xây dựng một quy trình về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để sau khi luật ban hành ra, Chủ tịch nước phê chuẩn thì cấp tỉnh, cấp huyện, cơ sở, tổ dân phố, xóm tổ chức tuyên truyền phổ biến, qua đó có thể kiểm tra, đánh giá được.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng nên tạo điều kiện cho báo chí phản ánh trung thực, hai chiều để có thêm cơ sở xây dựng luật

Trong khi đó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phản ánh, tuyên truyền từ lúc xây dựng, thẩm tra cho đến ban hành nhiều khi do việc chúng ta chỉ đạo theo định hướng một chiều dẫn đến méo mó. Trong khi, báo chí phản ánh rất trung thực, phản ánh hai chiều để rộng đường tính toán quy định theo phương án nào cho phù hợp. Nhiều lúc định hướng như vậy rất khó cho cử tri và các cơ quan khi tham gia góp ý; khó có thể khách quan trong quá trình xây dựng luật. Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho rằng phải bắt đầu tuyên truyền từ công tác thẩm tra, tuyên truyền cho cử tri và nhân dân biết những vấn đề liên quan đến thẩm tra.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Thúy Hiền chia sẻ, qua tham gia vào Ban chỉ đạo phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương cho thấy việc các kênh truyền hình Trung ương dành thời lượng cho việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại thời điểm xác định là thời điểm vàng rất ít, hầu như không có. Nếu như vào chương trình thời sự 19 giờ, một văn bản pháp luật quy định mới được ban hành rất quan trọng liên quan đến toàn dân thì dành tối thiểu là 5 phút hoặc 10 phút để giới thiệu, tuyên truyền như vậy sẽ có sức lan tỏa vô cùng lớn bởi đây là thời điểm có thể nói toàn bộ người dân Việt Nam theo dõi. Hiện nay mấy chục tỷ để cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật nhưng do làm dàn trải, không có sức lan tỏa sâu rộng, không tác động được sự hiểu biết và hưởng ứng tham gia vào việc thực thi pháp luật của người dân.

Có cùng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, hiện nay đài quốc gia, báo quốc gia chưa dành thời lượng và vị trí xứng đáng để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị tăng cường trách nhiệm của cả hệ thống chính trị vào tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, kỳ này phải dành một nguồn lực để tuyên truyền, ngoài việc xây dựng pháp luật phải tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và phải dành giờ vàng mấy phút trên đài quốc gia, báo quốc gia. Vấn đề nào đang bức xúc trong xã hội, trong Nhân dân, cử tri lo lắng thì tuyên truyền cái đó, không phải xếp thứ tự nay luật này mai luật kia. Ví dụ đang nói về giáo dục đào tạo, về giao thông thì mỗi ngày có một mục vào giờ vàng, trang nhất, vị trí xứng đáng với luật. Với tinh thần thượng tôn pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền mà không làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giải thích pháp luật. Bằng nhiều hình thức câu hỏi, trả lời, cẩm nang, tờ bướm, tờ rơi để nhân dân có thể tiếp cận được, nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, riêng vấn đề này Chính phủ cần có chỉ đạo, cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hình thức nào đó như nghị quyết hay nghị quyết kỳ họp, giao nhiệm vụ để tổ chức thực hiện.

Nếu như dự báo thời tiết hai lần trong chương trình buổi sáng nhưng không có phút nào nói về giải thích pháp luật hay tuyên truyền pháp luật. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải có cách nào gần như là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan thông tin đại chúng, của hệ thống chính trị. Báo Đảng, báo nhà nước, đài quốc gia, đài địa phương phải dành chuyên mục về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân hiểu. Trong khi đó, trên mạng xã hội tuyên truyền, thậm chí xuyên tạc sai toàn bộ dự thảo luật đang bàn, Quốc hội đang thảo luận, còn chúng ta có công cụ trong tay mà không làm gì cả. Có nhà báo chia sẻ rằng, qua sự việc đó mới thấy trách nhiệm của nhà báo, trách nhiệm của những người cầm bút, cơ quan báo chí, cơ quan ngôn luận và cơ quan quản lý báo chí thấy chúng ta chưa quan tâm lắm việc này. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là trách nhiệm của hệ thống chính trị, không phải chỉ của Chính phủ, của Quốc hội mà Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên, các bộ, ngành cũng phải tăng cường thêm công tác này./.

Bảo Yến