GIẢI PHÁP NÀO GIẢM MỨC TIÊU THỤ VÀ TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA?

21/08/2018

Chiều 20/8, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức tọa đàm về các biện pháp giảm mức tiêu thụ và giảm tác hại của rượu, bia. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì tọa đàm.

Tham dự tọa đàm có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc; đại diện Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và một số bộ ngành có liên quan; đại diện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; đại diện một số cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà nghiên cứu có quan tâm đến lĩnh vực này.

Quy định các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia

Báo cáo một số nội dung của Dự án Luật tại buổi tọa đàm, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, về các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia, Dự án Luật quy định các biện pháp thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân từ đó dần dần thay đổi hành vi sử dụng rượu, bia; chú trọng một số biện pháp đối với sản xuất rượu thủ công. Dự thảo cũng quy định các nhóm đối tượng không được sử dụng rượu, bia bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa các ca trong ngày làm việc; uống rượu, bia tại địa điểm có quy định không được bán rượu bia. Đây là các nhóm đối tượng mà việc sử dụng rượu, bia không chỉ tác động đến bản thân người đó mà còn khả năng gây ảnh hưởng lớn đến người khác và cộng đồng, chất lượng lao động và nghiêm trọng hơn đó là ảnh hưởng đến thế hê tương lai của đất nước.

Đối với các biện pháp kiểm soát khuyến mại, quảng cáo, tài trợ bia, rượu, đại diện Cơ quan soạn thảo nêu rõ, ngoài việc kế thừa quy định về cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, dự thảo Luật  bổ sung biện pháp kiểm soát quảng cáo đối với rượu, bia dưới 15 độ để bảo đảm quan điểm nhất quán cảu Luật là quản lý toàn diện đối với rượu, bia, khắc phục khoảng trống của pháp luật hiện hành đối với bia, nhưng có phân chia mức độ kiểm soát khác nhau tương ứng với nồng độ cồn trong sản phẩm. Ngoài ra, đại diện Cơ quan soạn thảo cũng chỉ ra rằng, Dự thảo Luật tiếp tục duy trì, kế thừa các biện pháp quản lý điều kiện, cấp phép đối với kinh doanh rượu và bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm đối với bia.

Kiểm soát lạm dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện cơ giới

Đưa ra một số dẫn chứng cụ thể, các đại biểu chỉ ra rằng, sử dụng rượu bia khi lái xe luôn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên tại nạn giao thông. Vào các dịp cao điểm như lễ tết, số vụ tại nạn giao thông nhập viện có liên quan tới rượu bia lên tới hơn 60%, gây ra những hậu quả to lớn về người và tài sản, để lại những thiệt hại lâu dài trong cộng đồng. Đây là thực trạng báo động đòi hỏi cần phải có những giải pháp mạnh mẽ toàn diện để giảm tai nạn giao thông có liên quan tới lạm dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện cơ giới tại Việt Nam. Các đại biểu đề nghị, về mặt an toàn giao thông, các căn cứ cả về lý luận và thực tiễn đều cho thấy cần thiết phải kiểm soát lạm dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện cơ giới; các ảnh hưởng tới sức khỏe do uống rượu bia cần được các cơ quan chức năng chuyên ngành làm rõ.

Một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, giải pháp lý tưởng nhất là cấm tuyệt đối không sử dụng rượu, bia khi lái xe, như một số ít quốc gia Cộng hòa Czech, Romania, Slovakia đã áp dụng. Tuy nhiên thực tế cuộc sống là người dân có nhu cầu sử dụng rượu bi một cách hợp lý và nhu cầu này cần được tôn trọng. Quan trọng hơn, một số thực phẩm mà chúng ta ăn, thậm chí nước súc miện hàng ngày cũng có nồng độ cồn nhất đinh. Do đó việc quy định cấm tuyệt đối có thể tạo ra những tranh cãi pháp lý hết sức phức tạp và do đó ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu lực thực thi. Hiện Việt Nam  áp dụng đồng bộ mức 50mg/100ml máu cho người điều khiển tất cả các loại phương tiện, cấm tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe chuyên nghiệp và nếu nghiêm túc thực thi thì đây sẽ là một thành công lớn trong lĩnh vực này.

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại tọa đàm

Bảo đảm an toàn đối với sản xuất rượu thủ công

Thảo luận tại tọa đàm, một số đại biểu chỉ ra rằng, đối với việc sản xuất rượu thủ công, dự thảo Luật cần quy định rõ sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép; ghi nhãn rượu, bia; phòng ngừa và xử lý rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, nhâp lậu; quy định cụ thể, đặc thù và khả thi hơn về sản xuất rượu thủ công.

Các đại biểu cũng tán thành khi dự thảo luật có thêm quy định về bảo đảm an toàn đối với sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh, trong đó có biện pháp hướng dẫn người dẫn sản xuất rượu thủ công bảo đảm các tiêu chí an toàn, tuân thủ quy định của pháp luật; vận động, tuyên truyền để người dân giảm dần, hạn chế hoặc chấm dứt sản xuất rượu thủ công không nhắm mục đích kinh doanh theo lộ trình; làm rõ vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý rượu thủ công. Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị Dự thảo luật cần quan tâm sâu hơn nữa các quy định về vận động, thuyết phục, truyên truyền, thông tin để các đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhận thức rõ tác hại của việc lạm dụng sử dụng rượu bởi vì ở những vùng miền này, đa số là người dân tự nấu rượu, kể cả không phải mục đích kinh doanh mà đơn thuần chỉ là sử dụng trong cuộc sống hàng ngày và vào các dịp lễ tết.

Kết luận buổi tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu, các chuyên gia tham dự tọa đàm; đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu những ý kiến tại buổi tọa đàm để có cách tiếp cận tốt nhất, đảm bảo mục tiêu của Luật là bảo vệ sức khỏe người dân khỏi tác hại của rượu, bia phù hợp với thực tiễn của Việt Nam./.

Hồ Hương