ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH TUYÊN QUANG

18/08/2018

Ngày 17/8, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội do Phó Chủ tịch Hội đồng Giàng A Chu, làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 112/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về việc tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng.

Làm việc với đoàn có: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Quang; Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Kim Long; Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thúy; lãnh đạo một số sở, ngành; lãnh đạo các huyện, thành phố.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề liên quan đến việc sắp xếp, đổi mới mô hình, tổ chức hoạt động, nhiệm vụ của các nông trường, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh trước và sau khi có Nghị quyết số 112. Khi có Nghị quyết số 112, tỉnh có 8 công ty nông, lâm nghiệp thuộc tỉnh quản lý; 4 đơn vị lâm nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh do Tổng Công ty Giấy Việt Nam quản lý. Tỉnh đã cổ phần hóa 3 công ty chè và chuyển đổi 5 lâm trường thành công ty TNHH MTV lâm nghiệp. Hiện nay đã có 3/5 công ty TNHH MTV lâm nghiệp thực hiện phương án chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Quang phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Sau khi thực hiện sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh đã có trên 24.500 ha đất đã được các đơn vị bàn giao về địa phương quản lý theo quy hoạch được phê duyệt. Ngoài hơn 7.300 ha đất thuộc rừng phòng hộ, đặc dụng, đất xây dựng công trình công cộng, trên 17 nghìn ha đã được xem xét, lập hồ sơ cấp giấy cho các hộ gia đình, cá nhân. Đến nay, gần 10 nghìn hộ gia đình, cá nhân đã được giao đất với diện tích trên 5 nghìn ha.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Quang đã làm rõ một số vấn đề được các đại biểu quan tâm, nhất là các giải pháp của tỉnh về công tác quản lý, tổ chức hoạt động của các đơn vị nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn; những vướng mắc liên quan đến công tác quản lý sử dụng đất... Đồng chí khẳng định việc thực hiện Nghị quyết số 112 đã có những tác động lớn đến việc quản lý, sử dụng đất và đời sống kinh tế, xã hội như: Việc sử dụng đất hợp lý hơn, mức độ thâm canh cao hơn; các công ty chè, công ty lâm nghiệp đã có ý thức hơn về quản lý đất và rừng được giao; có giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất của nhân dân, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, tăng thu nhập từ kinh tế rừng; giảm dần tình trạng tranh chấp đất đai, an ninh trật tự được tăng cường.

Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu đánh giá cao việc Tuyên Quang đã tập trung thực hiện hiệu quả các quy định, chính sách của pháp luật về chuyển đổi, sắp xếp, quản lý các đơn vị nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn. Đồng chí đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục bám sát Nghị quyết 112 để triển khai thực hiện, trong đó lưu ý phát huy vai trò của chính quyền địa phương trong giải quyết tranh chấp về đất đai; siết chặt công tác quản lý đất lâm nghiệp; đẩy nhanh tiến độ đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các địa phương, đơn vị của tỉnh cần quan tâm đến các phương án sản xuất của các công ty nông lâm nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai. Đối với diện tích tỉnh đã thu hồi từ các công ty nông lâm nghiệp, tỉnh cần có đề án cụ thể để sử dụng đất đúng mục đích và có hiệu quả, ưu tiên giải pháp giao đất cho dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh cần phối hợp với Tổng Công ty Giấy Việt Nam thực hiện sắp xếp, đổi mới các đơn vị trực thuộc Tổng công ty đóng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tập trung thực hiện công tác quản lý đất đai đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân./.

(Báo Tuyên Quang)