CHỦ TỊCH QUỐC HỘI DỰ PHIÊN HỌP TOÀN THỂ HỘI NGHỊ NGOẠI GIAO VỀ ĐỐI NGOẠI QUỐC HỘI

16/08/2018

Trong khuôn khổ của Hội nghị ngoại giao lần thứ 30, sáng 16/8, tại Bộ Ngoại giao đã diễn ra Phiên họp toàn thể với chủ đề: “Đối ngoại Quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng". Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch các nhóm Nghị sỹ hữu nghị với các nước.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn được đánh giá là xu thế chủ đạo, tuy nhiên tình hình quốc tế và khu vực thời gian qua, đặc biệt là trong hai năm gần đây có sự biến động phức tạp và nhanh hơn.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý 4 điểm chính liên quan tới công tác đối ngoại trong bối cảnh hiện nay. Một trong những đặc điểm đó chính là sức mạnh tổng thể của các nước thay đổi, các nước lớn đều thể hiện sự quyết liệt và quyết đoán hơn; tốc độ tăng trưởng, phục hồi kinh tế được đánh giá khá tích cực. Tuy nhiên, xu thế tăng trưởng này đang bị tác động mạnh bởi bảo hộ thương mại, trào lưu dân túy. Điều đáng lo ngại, các nước lớn chủ trương gia tăng sử dụng các biện pháp kinh tế xem đó như một trong những công cụ cạnh tranh chiến lược, răn đe, trừng phạt lẫn nhau khiến nguy cơ chiến tranh thương mại.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Trước những vận hội và thách thức mới, khả năng thích ứng cũng như kỳ vọng của mỗi người dân là động lực quan trọng thúc đẩy những điều chỉnh và thay đổi này, đòi hỏi Chính phủ và Quốc hội các nước trong đó có Việt Nam phải đổi mới, có biện pháp hiệu quả, phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Trong phát triển, Đảng và nhà nước ta đã xác định lợi ích của phát triển phải tới được tất cả mọi người, để không ai bị bỏ lại phía sau. Đối với quốc phòng, an ninh, là bảo vệ độc lập, thống nhất và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an ninh, an toàn xã hội; làm thất bại các âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Trên mặt trận đối ngoại, đó là chủ động hội nhập sâu, rộng; đưa quan hệ với các nước song phương và đa phương đi vào chiều sâu; tích cực đóng góp định hình luật chơi nhằm duy trì, củng cố môi trường hòa bình ổn định phục vụ phát triển, giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia để nâng cao vị thế của đất nước”.

Hiện nay, Việt Nam có quan hệ song phương ở kênh đối ngoại Quốc hội với 140 nước. Trong hơn hai năm qua, Quốc hội đã đón trên 60 đoàn nghị sĩ các nước thăm Việt Nam; đồng thời, Quốc hội cũng đã cử hơn 40 đoàn đi thăm và làm việc tại các nước. Các chuyến thăm không chỉ góp phần thúc đẩy hợp tác nghị viện, mà còn góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa nước ta với các nước trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, khoa học và công nghệ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong việc vận động, tranh thủ sự ủng hộ của Nghị viện các nước đối với các vấn đề liên quan đến lợi ích của Việt Nam.

 Chủ tịch Quốc hội đề nghị công tác đối ngoại bao gồm cả ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Quốc hội cần tập trung làm tốt các nội dung trọng tâm để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đối ngoại mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra.

Trên các diễn đàn nghị viện đa phương, với phương châm tích cực và chủ động trong các hoạt động đối ngoại, Quốc hội Việt Nam đã tham gia hầu hết các diễn đàn nghị viện đa phương trong khu vực và trên thế giới, thể hiện hình ảnh là một đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách đối ngoại của nước ta, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đối ngoại Quốc hội Việt Nam đã từng bước được nâng tầm từ tham gia sang chủ động đóng góp xây dựng và hiện nay đang đẩy mạnh việc đề xuất sáng kiến. Những sáng kiến ấy trong diễn đàn đa phương đều nghị viện các nước được ủng hộ, điều đó giúp Việt Nam định hình luật chơi theo hướng thúc đẩy dân chủ hóa quan hệ quốc tế, chống cường quyền nước lớn và bảo đảm cục diện khu vực được định hình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Đặc biệt, thời gian qua, Quốc hội đã tích cực đề xuất và tạo dấu ấn nhiều chương trình nghị sự thiết thực cho các diễn đàn nghị viện khu vực, liên khu vực và toàn cầu, như: Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Liên minh Nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF), Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Diễn đàn Đối tác Nghị viện Á - Âu (ASEP)…

Trước tình hình thế giới và khu vực trong những năm tới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, cơ hội và thách thức đan xen, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại bao gồm cả ngoại giao nhà nước và đối ngoại Quốc hội cần tập trung làm tốt các nội dung trọng tâm để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đối ngoại mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần tăng cường phối hợp giữa các kênh đối ngoại, cùng với ngoại giao Nhà nước, đặc biệt là đối ngoại Đảng, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại Nhân dân nhằm xử lý tốt các vấn đề đối ngoại để bảo đảm phát huy tối đa và hiệu quả nhất sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc trong triển khai công tác đối ngoại. Trọng tâm là tăng cường quan hệ với các nước láng giềng có chung đường biên giới, các nước ASEAN, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các nước bạn bè truyền thống. Bên cạnh đó, cần phối hợp để hình thành thế hệ mới bạn bè, đối tác quan tâm và gắn kết với Việt Nam. Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đây là định hướng chiến lược quan trọng trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác