MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG (SỬA ĐỔI)

10/08/2018

Tiếp thu ý kiến đóng góp của Quốc hội khóa XIV về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Ủy ban Tư pháp và Ban soạn thảo đã chuẩn bị Báo cáo về các phương án xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 26.

Phiên thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV

Báo cáo của Ủy ban Tư pháp ghi nhận 3 nhóm phương án chính để xử lý tài sản thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc đó là: (1) phương án thu thuế thu nhập cá nhân, (2) phương án xử phạt hành chính với hành vi không trục thực, minh bạch, và (3) phương án xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tang them không giải trình được hợp lý về nguồn gốc theo thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án.

Về phương án thu thuế

Theo Uỷ ban Tư pháp, phương án thể hiện thái độ rõ ràng của Nhà nước trong việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Quy định này phù hợp các quy định của pháp luật hiện hành về nghĩa vụ của Nhà nước trong việc chứng minh tội phạm, vi phạm pháp luật. Trường hợp Nhà nước không chứng minh được tài sản do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì tạm coi đây là một khoản thu nhập phải chịu thuế nhưng chưa kê khai nộp thuế và Nhà nước sẽ tiến hành thu thuế thu nhập cá nhân. Phương án cũng thuộc kinh nghiệm quốc tế về xử lý tài sản trong PCTN. Việc thu thuế không loại trừ trách nhiệm hình sự, thu hồi tài sản nếu sau đó Nhà nước chứng minh được tài sản này do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có.

Mặc dù vậy, việc thu thuế này chưa thể hiện được thái độ nghiêm khắc, có thể dẫn đến việc trùng lặp trong thu thuế hoặc bỏ lọt hành vi phạm tội trốn thuế. Việc quy định thuế suất 45% như dự thảo Luật do Chính phủ trình chưa có căn cứ hợp lý; và phương án này cũng dẫn đến phải sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân để bổ sung thu nhập chịu thuế và thuế suất.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc quy định loại thu nhập chịu thuế, thuế suất cần được đánh giá tác động, nghiên cứu đầy đủ và quy định trong Luật Thuế thu nhập cá nhân. Nếu Quốc hội quyết định theo phương án này, Ban soạn thảo đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung thu nhập chịu thuế và thuế suất, bảo đảm tính đồng bộ để ngay khi Luật PCTN (sửa đổi) có hiệu lực thì quy định về xử lý tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc có thể thực hiện được ngay.

Về phương án Xử phạt hành chính

Tương tự, phương án này cũng hể hiện thái độ nghiêm khắc của Nhà nước trong việc xử lý hành vi không giải trình được hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập; gián tiếp xử lý được tài sản, thu nhập qua mức phạt tiền tương xứng mà không gặp phải vướng mắc về căn cứ pháp lý theo quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến xử lý tài sản.

Uỷ ban Tư pháp cho rằng, cách thức xử phạt này mới chỉ xử lý được hành vi vi phạm mà chưa xử lý trực tiếp được tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, trong khi đây là vấn đề mà thực tiễn công tác PCTN đang gặp rất nhiều vướng mắc. Hành vi vi phạm nghĩa vụ trung thực và minh bạch về tài sản, thu nhập là hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức vốn phải bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Do đó, dự thảo Luật quy định một hành vi vi phạm trong thực hiện công vụ đã bị xử lý kỷ luật sau đó lại bị xử lý hành chính là chưa thật sự hợp lý. Mặt khác, quy định mức phạt 45% giá trị của tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai cũng chưa có căn cứ và không phù hợp với mức xử phạt hành chính của pháp luật hiện hành. Theo phương án này, phải sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính để bổ sung xử phạt trong lĩnh vực PCTN, thẩm quyền và mức phạt mới có thể áp dụng được.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 25

Về phương án xác lập quyền sở hữu của Nhà nước thông qua thủ tục tố tụng dân sự

Đối với phương án này, tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (giải trình không có căn cứ pháp luật hoặc giải trình không phù hợp với thực tế hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm đó) thì việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản, thu nhập này phải thông qua thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án.

Phương án này được đánh giá cao về do vừa thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật PCTN hiện hành; vừa khuyến khích sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN. Đồng thời, bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và bảo đảm quyền lợi của các bên thì việc phán quyết tính hợp lý của việc giải trình và xác lập sở hữu đối với tài sản, thu nhập tăng thêm phải do Tòa án quyết định thông qua thủ tục tố tụng dân sự, có tranh tụng, đối đáp công khai, có sự tham gia của Luật sư, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, bảo đảm tính dân chủ, thận trọng, khách quan. Hơn nữa, phương án phù hợp với pháp luật hiện hành, và không phải sửa đổi pháp luật về dân sự và pháp luật về tố tụng dân sự. Được biết, đây cũng là hình thức xử lý mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.

Trên cơ sở phân tích, Ủy ban Tư pháp nhận thấy phương án xử phạt hành chính còn nhiều yếu tố bất hợp lý và đề nghị không lựa chọn, đồng thời đánh giá cao và đề nghị lựa chọn phương án 3 là xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thông qua thủ tục giải quyết tại Tòa án; bổ sung quy định để giải thích khái niệm “giải trình không hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm” tại khoản 9 Điều 3 của dự thảo Luật.

Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau nên Cơ quan trình dự án đã bao gồm trong báo cáo 02 phương án, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến:

“Điều 57. Xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc

Phương án 1:

1. Tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì thuộc sở hữu của Nhà nước; việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản, thu nhập này do Tòa án quyết định.

2. Khi kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm sau đây:

a) Nếu người có nghĩa vụ kê khai đồng ý bằng văn bản với Kết luận xác minh tài sản, thu nhập thì Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đề nghị Tòa án có thẩm quyền để xem xét, quyết định công nhận quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; Tòa án xem xét, quyết định công nhận quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập này theo trình tự, thủ tục giải quyết việc dân sự;

b) Nếu người có nghĩa vụ kê khai không đồng ý với với Kết luận xác minh tài sản, thu nhập thì Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; Tòa án xem xét, quyết định việc công nhận quyền sở hữu Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc hoặc không công nhận yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập nếu người có nghĩa vụ kê khai giải trình được hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm.

3. Trình tự, thủ tục giải quyết việc dân sự, vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn trình tự, thủ tục giải quyết việc dân sự, vụ án dân sự quy định tại khoản này.

Phương án 2:

1. Trường hợp kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm:

a) Chuyển vụ việc sang Cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý nếu Kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm có dấu hiệu do phạm tội mà có;

b) Chuyển vụ việc sang cơ quan xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền xử lý nếu Kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm có dấu hiệu do vi phạm hành chính mà có;

c) Nếu chưa có căn cứ xác định tài sản, thu nhập tăng thêm do phạm tội, vi phạm hành chính mà có thì chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.

2. Người nộp thuế theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện Quyết định của cơ quan quản lý thuế ra Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

3. Việc thu thuế quy định tại điểm c khoản 1 Điều này không loại trừ việc xử lý vi phạm pháp luật, xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người có nghĩa vụ kê khai, nếu các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, vụ việc hành chính mà chứng minh được tài sản, thu nhập không giải trình hợp lý về nguồn gốc có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội, vi phạm hành chính.

4. Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.” ./.

Nguyễn Ngân