UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

10/08/2018

Sáng ngày 10/8, tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc.

Toàn cảnh phiên họp

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt cho biết, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh đã chủ trì phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Về Công an xã, thị trấn trong hệ thống tổ chức Công an nhân dân, nhiều ý kiến tán thành xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy nhưng đề nghị trước mắt bố trí Công an chính quy về đảm nhiệm chức danh Công an xã tại một số địa bàn, đồng thời, có phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ Trưởng, Phó công an xã hiện nay theo lộ trình phù hợp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, điều kiện ngân sách, địa bàn, bảo đảm tính khả thi, thống nhất với pháp luật có liên quan. Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh thấy rằng, khoản 2 Điều 18 dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định cụ thể việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy. Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tiễn và yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở, Chính phủ sẽ quy định cụ thể lộ trình xây dựng Công an xã, thị trấn để bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện và đồng bộ với việc thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và để làm rõ cơ sở pháp lý về nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ, chính sách đối với Công an xã trong giai đoạn chuyển tiếp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung điều khoản chuyển tiếp quy định về việc áp dụng Pháp lệnh Công an xã và các luật có liên quan. Đồng thời, bổ sung vào điều khoản sửa đổi để sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật có liên quan như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Đối với một số ý kiến đề nghị cân nhắc chính quy Công an xã, thị trấn vì hiện nay đang được tổ chức và thực hiện ổn định; đề nghị nghiên cứu xây dựng mô hình kết hợp giữa lực lượng chính quy và bán chuyên trách để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ làm nòng cốt trong xây dựng thế trận an ninh và phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh cho rằng, việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thi hành pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh trình bày Báo cáo

Việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy nhằm bảo đảm nguyên tắc thống nhất về tổ chức, hoạt động của Công an nhân dân theo 4 cấp; tương xứng với vị trí của Công an xã, theo đó Công an xã là một cấp trong Công an nhân dân. Theo Đề án “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, song song với việc xây dựng Công an xã chính quy, Chính phủ vẫn tiếp tục sử dụng lực lượng Công an viên để phối hợp, hỗ trợ Công an xã chính quy thực hiện nhiệm vụ làm nòng cốt trong xây dựng thế trận an ninh nhân dân và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Như vậy, dự thảo Luật Chính phủ trình phù hợp với chủ trương của Đảng về chính quy Công an xã và phù hợp với ý kiến đại biểu Quốc hội về sử dụng lực lượng bán chuyên trách trong bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại cơ sở.

Đối với nội dung về công nghiệp an ninh, một số ý kiến đề nghị không quy định về công nghiệp an ninh trong dự thảo Luật, mà xây dựng luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh. Thường Ủy ban Quốc phòng- An ninh  thấy rằng, quy định về công nghiệp an ninh là cần thiết để thể chế quan điểm của Đảng về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; triển khai thực hiện quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật mới chỉ có Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng, chưa có quy định điều chỉnh về công nghiệp an ninh để làm cơ sở pháp lý thực hiện. Trên thực tế, Bộ Công an đã triển khai thực hiện một số hoạt động về công nghiệp an ninh. Do đó, dự thảo Luật cần có một số quy định mang tính nguyên tắc về công nghiệp an ninh để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, về lâu dài đề nghị Quốc hội cho xây dựng Luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu kết luận 

Liên quan đến thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh nhận thấy, theo khoản 3 Điều 98 của Hiến pháp và khoản 6 Điều 28 của Luật Tổ chức Chính phủ thì Thủ tướng Chính phủ chỉ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chức vụ Thứ trưởng và tương đương. Trong quá trình tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bỏ quy định về cục đặc biệt ở các điều khoản liên quan. Do đó, để bảo đảm tính hợp Hiến, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp nguyên tắc tổ chức hành chính nhà nước và phân cấp quản lý cán bộ, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bỏ quy định Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng cục đặc biệt tại khoản 2 Điều 27 dự thảo Chính phủ trình để giao Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm đối với chức vụ Cục trưởng.

Đánh giá cao tinh thần khẩn trương xây dựng dự thảo Luật của Chính phủ và Ủy ban thẩm tra, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, về cơ bản, các nội dung của dự thảo luật đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng như ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến cho rằng, việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy trong tình hình hiện nay là cần thiết, phù hợp với chủ trương của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về bảo đảm an ninh, trật tự. Tuy nhiên, việc chuyển đổi nên thực hiện chuyển dần, từng bước, theo lỗ trình. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Nguyễn Khắc Định đề nghị nên quy định rõ thời hạn chuyển đổi công an xã sang chính quy trong vòng bao nhiêu năm ngay trong dự thảo Luật. Theo đó, những xã trong thời gian chưa chuyển đổi vẫn áp dụng Pháp lệnh Công an xã.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy là một chủ trương lớn, thay đổi hẳn vị trí pháp lý của Công an xã. Do vậy, để đảm bảo tính khả thi, Ban soạn thảo cần có Báo cáo tổng kết đánh giá tác động một cách toàn diện về vấn đề này; dự báo cụ thể và toàn diện về kinh phí, nguồn lực, biên chế, cơ sở vật chất… cho việc chuyển đổi.

Có ý kiến đề nghị xin ý kiến Bộ Chính trị cho ý kiến về những nội dung lớn cửa dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) trước khi đưa ra Quốc hội thảo luận.

Tại phiên họp, một số ý kiến đại biểu đề nghị Ban soạn thảo, Ủy ban thẩm tra quan tâm, chủ động triển khai công tác tuyên truyền về dự thảo Luật này đến cử tri và nhân dân cả nước, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng công an xã, cũng như việc bảo vệ, ổn định an ninh, trật tự ở địa phương; phòng các thế lực thù địch kích động, xuyên tạc, gây hiểu lầm làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự của đất nước.

Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội; ngay sau phiên họp, đề nghị Ủy ban thẩm tra và Ban soạn thảo tiếp tục phối hợp, rà soát kỹ các nội dung của dư thảo Luật để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Đối với các nội dung cần xin ý kiến Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, các cơ quan hữu quan sớm trình Đảng đoàn Quốc hội để chuẩn bị văn bản xin ý kiến Bộ Chính trị.

Thu Phương - Nhóm ảnh