MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN TRONG TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT CHĂN NUÔI (P.1)

10/08/2018

Tiếp thu ý kiến đóng góp vào Dự án Luật Chăn nuôi tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng Ban soạn đã có báo cáo về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Chăn nuôi, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 26.

Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Luật Chăn nuôi tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV

Về bố cục và nội dung của Dự thảo Luật

Theo Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, tiếp thu các ý kiến liên quan tới đổi mới phương thức chăn nuôi, Thường trực Ủy ban  đã rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các điều, khoản vào Dự thảo Luật và kết cấu lại các chương, mục cho rõ ràng và hợp lý hơn. Theo đó, Dự thảo Luật đã bổ sung 01 chương mới về chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; bổ sung quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi cho rõ ràng và cụ thể hơn; bổ sung quy định về phúc lợi cho vật nuôi và chăn nuôi động vật khác; bổ sung quy định nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn, kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm ATTP và bảo vệ môi trường (BVMT).

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định về xây dựng chiến lược phát triển ngành chăn nuôi (Điều 5), KH&CN chăn nuôi (Điều 6), cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi (Điều 8); chỉnh sửa quy định hợp tác quốc tế về chăn nuôi (Điều 7).

Sau khi chỉnh sửa, Dự thảo Luật mới gồm 06 chương 80 điều, giảm 02 chương, tăng 15 điều so với Dự thảo Luật mà Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp 5 vừa qua.

Về chăn nuôi động vật bán hoang dã gây nuôi, động vật cảnh, chó, mèo

Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, nhiều ĐBQH đề nghị phân biệt “động vật bán hoang dã gây nuôi” và “hình thức nuôi bán hoang dã”; động vật bán hoang dã gây nuôi được điều chỉnh trong Dự thảo Luật này với các loại vật nuôi được quy định trong Công ước CITES, Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp và Luật Thủy sản; một số đối tượng vật nuôi trên thực tế nhưng chưa được quy định trong Dự thảo Luật.

Vậy, để bao quát hết các đối tượng vật nuôi Báo cáo nhận thấy Dự thảo Luật đã chỉnh sửa thuật ngữ về vật nuôi bao gồm gia súc, gia cầm và các động vật khác được quy định tại khoản 1, Điều 65 Dự thảo Luật và giao Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tế và yêu cầu quản lý, phát triển chăn nuôi của từng thời kỳ quy định Danh mục động vật khác được phép chăn nuôi tại các cơ sở đủ điều kiện chăn nuôi theo quy định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Đồng thời, chỉnh sửa tên Mục này thành Chăn nuôi động vật khác cho phù hợp với nội dung được điều chỉnh. Bên cạnh đó, một số đối tượng vật nuôi có giá trị kinh tế lớn và đang được quản lý tại các văn bản dưới Luật (chim yến, ong mật) được bổ sung quy định cụ thể trong Dự thảo Luật này.

Về phúc lợi cho vật nuôi (Mục 4, Chương IV)

Báo cáo ghi nhận nhiều ý kiến cho rằng nội dung về “quyền vật nuôi” còn chưa đầy đủ, khái niệm “đối xử nhân đạo với vật nuôi” còn mang tính trìu tượng, chưa bao quát hết được vấn đề; đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế về “phúc lợi vật nuôi” để quy định cho cụ thể và phù hợp hơn.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã cùng với Ban soạn thảo nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia và nhận thấy nhiều quốc gia đã luật hóa nội dung này. Một số quốc gia có yêu cầu cao về phúc lợi cho vật nuôi, sản phẩm vật nuôi được nhập khẩu, xuất khẩu. Do đó, Dự thảo Luật bổ sung khoản 25, Điều 2 về “phúc lợi cho vật nuôi” và bổ sung quy định bảo đảm cung cấp đủ thức ăn, nước uống, không gian thông thoáng, không đánh đập, hành hạ trong hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, không gây đau đớn, sợ hãi, phải gây ngất trước khi giết mổ,... (từ Điều 66 đến Điều 69).

Một số vấn đề khác  

Theo Báo cáo, Để phát triển chăn nuôi theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi và bảo đảm truy xuất nguồn gốc, ATTP đối với sản phẩm chăn nuôi, phát triển chăn nuôi thành một ngành kinh tế - kỹ thuật, Dự thảo Luật đã bổ sung 01 chương mới “Chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi” quy định cụ thể về giết mổ; mua bán, sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi; bảo quản sản phẩm chăn nuôi; chỉnh sửa quy định về xuất khẩu, nhập khẩu vật nuôi và sản phẩm vật nuôi; bổ sung quy định nghiêm cấm “Nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi” (khoản 6, Điều 9) để tạo môi trường bình đẳng giữa doanh nghiệp trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm chăn nuôi. Đồng thời, Dự thảo Luật cũng cụ thể hóa trách nhiệm của Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT trong dự báo thị trường sản phẩm chăn nuôi (Điều 73).

Đối với yêu cầu về chuyên môn được đào tạo của cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, Dự thảo Luật quy định phải có trình độ từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, sinh học, công nghệ thực phẩm (điểm c, khoản 1, Điều 19; khoản 3, Điều 23; điểm c, khoản 3, Điều 33 và điểm i, khoản 1, Điều 34; điểm e, khoản 1, Điều 61); người lấy mẫu thức ăn chăn nuôi phải được Bộ NN&PTNT đào tạo và cấp chứng chỉ (khoản 2, Điều 43). Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định này còn chưa bao quát hết chuyên ngành phù hợp được đào tạo trong thực tế, làm hạn chế nhân lực trong lĩnh vực chăn nuôi và can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp; do đó, Báo cáo đề nghị cân nhắc không quy định về bằng cấp đại học trong Dự thảo Luật./.

Nguyễn Ngân