ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ CHỈ ĐẠO TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ, NÂNG CAO KỶ LUẬT TRONG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

18/07/2018

Ngày 18/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng luật, pháp lệnh 2018. Báo cáo của UBTVQH nêu rõ, Chính phủ cần chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, nâng cao kỷ luật trong xây dựng pháp luật.

Toàn cảnh Hội nghị

Phát huy vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác thẩm định dự án luật

Trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật năm 2018, CHủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ,  Bộ Tư pháp cần phát huy vai trò trong công tác thẩm định, và đầu mối giúp chính phủ trong công tác xây dựng luật. Theo đó, Bộ cần nâng cao chất lượng thẩm định các đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh; chú trọng tính khả thi tính hợp lý của các chính sách, quy định trong dự thảo văn bản và mức độ tương thích  giữa nội dung của chính sách trong đề nghị, dự án với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời Bộ Tư pháp cần kiên quyết báo cáo đề nghị Chính phủ không đưa vào dự kiến Chương trình những dự án chưa rõ về chính sách; không đưa vào chương trình những dự án không đảm bảo chất lượng, không đầy đủ hồ sơ.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình; công khai tình hình soạn thảo các dự án luật chưa đảm bảo tiến độ trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp; tăng cường làm việc với Ban soạn thảo các dự án thuộc Chương trình để trực tiếp nắm bắt khó khăn, vướng mắc, và tiến độ chuẩn bị các dự án, kịp thời hỗ chợ, tham gia xây dựng dự án.. Đồng thời Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án.

Chính phủ cần chỉ đạo toàn diện, nâng cao kỳ luật xây dựng luật

Để nân cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ phải có biện pháp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra bảo đảm tiến độ, chất lượng  chuẩn bị dự án; đồng thời chỉ đạo thực hiện nghiêm việc tổ chức lấy ý kiến, huy động chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, sự phản biện từ Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội, từ các phương tiện thông tin đại chúng vào qua trình xây dựng, chuẩn bị dự án; xác định rõ nguyên nhân nhân, trách nhiệm của từng Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc không hoàn thành Chương trình để kịp thời báo cáo Quốc hội, nhất là những dự án chất lượng không đảm bảo phải rút khỏi Chương trình.

Các đại biểu tham dự hội nghị đóng góp ý kiến

Đồng thời Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nêu rõ, khi có yêu cầu bổ sung dự án mới thì Chính phủ cần chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng và thông báo sớm về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bảo đảm đủ hồ sơ trình và thời hạn trình văn bản theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Khi trình dự án luật dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật khác thì phải có đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng và có giải pháp thực hiện bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất, tránh việc đề nghị sửa đổi, bổ sung văn bản khác mà chưa có hồ sơ đề xuất theo quy định. Ngoài ra, Báo cáo cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm, tiến tới không còn tình trạng tồn động, nợ văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội.

Riêng đối với các dự án thuộc Chương trình các tháng cuối năm 2018 và năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ liên quan khẩn trương đề xuất và xây dựng dự án sửa đổi, bổ sung các luật để triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7; chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra trong việc chỉnh lý, hoàn thiện các dự án đã được Quốc hội cho ý kiến để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ, những dự án luật có nội dung lớn, phức tạp sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại 2 phiên họp trước khi trình Quốc hội; hồ sơ dự án phải được gửi các cơ quan của Quốc hội chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổ chức thẩm tra. Đối với những dự án thuộc Chương trình năm 2019, thời gian trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chậm nhất là phiên họp tháng 4/ 2019 (đối với dự án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7), phiên họp tháng 9/2019(đối với các dự án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8).

Không đưa vào Chương trình đối với các dự án, dự thảo không đảm bảo chất lượng

Thảo luận tại Hội nghị, Các đại biểu tham dự Hội nghị cơ bản nhất trí với đánh giá về ưu điểm, tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật. Đi vào nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung và một số đại biểu cho rằng, thời gian qua, thực hiện các quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ đã có nhiều chuyển biến rõ nét, đạt được kết quả tích cực về mặt tiến độ cũng như chất lượng các dự án luật, pháp lệnh trình. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ rõ, việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ vẫn còn tồn tại những hạn chế, cụ thể: nhiều hồ sơ, tài liệu của các dự án luật chưa đảm bảo yêu cầu về nội dung, hình thức, dẫn đến việc phải rút ra khỏi Chương trình như Luật Dân số, Luật Quản lý phát triển đô thị; hoặc chuyển từ quy trình 02 kỳ họp thành 03 kỳ họp như Luật Tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng(sửa đổi). 

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra một hạn chế còn tồn tại trong việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đó là tình trạng xin lùi tiến độ và gửi hồ sơ dự án chậm đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến cơ quan thẩm tra vẫn còn phổ biến. Có dự án sát phiên họp thẩm tra, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới gửi hồ sơ, gây bị động cho các cơ quan của Quốc hội; không ít trường hợp Ủy ban phải hoãn họp thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải điều chỉnh lại chương trình làm việc vì tài liệu cơ quan trình không chuẩn bị kịp.

Trên cơ sở chỉ ra những khó khăn, hạn chế, các đại biểu tham dự hội nghị đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các bộ đảm bảo chất lượng, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, ban hành văn bản, khắc phục tình trạng xin rút, lùi thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh. Về phía Bộ Tư pháp, các đại biểu đề nghị tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định các dự án luật, bảo đảm đúng tiến độ; kiên quyết trả lại hồ sơ đối với các dự án không đủ hồ sơ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; không đưa vào Chương trình đối với các dự án không đảm bảo chất lượng.

 

 

Hồ Hương