PHIÊN HỌP THỨ 25 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI: CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

11/07/2018

Sáng 11/7, tại Nhà Quốc hội, theo chương trình Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

Dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước đã được Quốc hội xem xét, thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ 4. Sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo. Nhiều nội dung các điều, khoản đã được chỉnh lý, bổ sung và viết mới. Tại phiên họp lần này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tiếp tục nêu lên 5 vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm bố cục của dự thảo luật; khái niệm bí mật nhà nước; phân loại bí mật nhà nước và phạm vi bí mật nhà nước; danh mục bí mật nhà nước; thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước.

Theo báo cáo một số nội dung về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng & An ninh Võ Trọng Việt trình bày, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội nhiều vẫn đề như nghiên cứu quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, sử dụng, tiếp cận bí mật nhà nước để quản lý chặt chẽ, hạn chế lộ, mất bí mật nhà nước trong quá trình sử dụng bí mật nhà nước.

Dự thảo Luật quy định 02 điều, Điều 20 về “Hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức Việt Nam” và Điều 21 về “Hội nghị, hội thảo, cuộc họp có yếu tố nước ngoài tổ chức tại Việt Nam có nội dung bí mật nhà nước” khắc phục tình trạng việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, cuộc họp có bí mật nhà nước chưa chặt chẽ, chưa xác định trách nhiệm của các chủ thể trong việc tổ chức, tham gia hội nghị, hội thảo, cuộc họp, dễ bị lợi dụng để khai thác, tiếp cận thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

Dự thảo Luật do Chính phủ trình bổ sung quy định về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước là nội dung mới so với quy định của Pháp lệnh hiện hành (Pháp lệnh hiện hành không quy định thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước). Theo đó, để bảo đảm thống nhất trong việc áp dụng thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước (tránh trường hợp có loại có thời hạn bảo vệ, có loại lại không có thời hạn bảo vệ), cần nghiên cứu việc xác định thời hạn bảo vệ đối với những bí mật nhà nước đã được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực. Vì vậy, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng- An ninh đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung vào dự thảo Luật quy định việc giải mật hoặc xác định thời hạn bảo vệ đối với những bí mật nhà nước đã ban hành.

Về khái niệm bí mật nhà nước tại Điều 2 dự thảo Luật, một số ý kiến cho rằng, Điều 2 dự thảo Luật quy định còn chung chung, chưa bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật; đề nghị làm rõ các dạng tồn tại của bí mật nhà nước, các lĩnh vực có bí mật nhà nước; bổ sung quy định đầy đủ các lĩnh vực có bí mật nhà nước; quy định rõ tiêu chí xác định mức độ nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc và bổ sung, chỉnh sửa một số từ ngữ cho cụ thể, chính xác. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng- An ninh và Ban soạn thảo đã chỉnh lý nội dung Điều 2 dự thảo Luật, đồng thời giải thích từ ngữ “thông tin” để xác định rõ hơn các hình thức chứa đựng bí mật nhà nước.

Về phân loại bí mật nhà nước (Điều 8); phạm vi bí mật nhà nước (Điều 9), Thường trực Uỷ ban Quốc phòng- An ninh và Ban soạn thảo đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định cụ thể những thông tin trong từng lĩnh vực được xác định thuộc phạm vi bí mật nhà nước như nội dung Điều 10 và Điều 11 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý cho phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành có trách nhiệm xây dựng danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực mình quản lý để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định tại Điều 12 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng & An ninh Võ Trọng Việt báo cáo một số nội dung về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

Về danh mục bí mật nhà nước (Điều 10), Thường trực Uỷ ban Quốc phòng- An ninh và Ban soạn thảo đã rà soát, chỉnh sửa nội dung này, quy định rõ trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức; không quy định lập danh mục bí mật nhà nước của địa phương mà nghiên cứu thiết kế điều luật quy định để bảo đảm thực hiện danh mục bí mật nhà nước thống nhất từ trung ương đến địa phương theo từng lĩnh vực quản lý. Theo đó, việc xác định thông tin bí mật nhà nước của các cơ quan, tổ chức ở địa phương sẽ tuân thủ danh mục bí mật nhà nước theo lĩnh vực quản lý do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định việc ban hành danh mục bí mật nhà nước. Một số ý kiến đề nghị giao Bộ Công an ban hành danh mục bí mật nhà nước. Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng-An ninh cho rằng theo quy định của Pháp lệnh hiện hành, Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật; Bộ trưởng Bộ Công an quyết định danh mục bí mật nhà nước độ Mật. Trên cơ sở tổng kết việc thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước hiện hành, Chính phủ đã đề nghị quy định giao Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước đối với cả 03 độ mật để khắc phục hạn chế hiện nay, bảo đảm tính thống nhất trong việc ban hành danh mục bí mật nhà nước. Thường trực Uỷ ban Quốc phòng- An ninh nhận thấy quy định như dự thảo Luật Chính phủ trình là phù hợp, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước (Điều 19), nhiều ý kiến nhất trí cần có quy định thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, tuy nhiên, đề nghị làm rõ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, căn cứ xác định thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước. Một số ý kiến đề nghị điều chỉnh thời hạn đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật là 40 năm, Tối mật là 30 năm và Mật là 20 năm hoặc Tuyệt mật là 20 năm, Tối mật là 10 năm, Mật là 05 năm, có thể được gia hạn nếu xét thấy cần thiết và gia hạn không quá một lần. Một số ý kiến đề nghị xác định những tài liệu cần quy định bảo vệ vĩnh viễn hoặc quy định thời hạn dài hơn.

Thường trực Uỷ ban Quốc phòng-An ninh cho rằng, đây là nội dung mới, được Chính phủ bổ sung vào dự thảo Luật để bảo đảm sự công khai, minh bạch, phù hợp với yêu cầu tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước theo dự thảo Luật Chính phủ trình cơ bản phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Lưu trữ và pháp luật có liên quan, đồng thời có nghiên cứu, tham khảo pháp luật một số nước. Do đó, đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho giữ thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước như dự thảo Luật.

Đối với ý kiến đề nghị quy định trường hợp bảo vệ vĩnh viễn hoặc thời hạn dài hơn, theo Thường trực Uỷ ban Quốc phòng-An ninh, trên thực tế có những thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước cần bảo vệ trong thời gian dài, tuy nhiên để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, việc xác định thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước lâu dài cần bảo đảm chặt chẽ gắn với bí mật nhà nước cụ thể. Do đó, đối với trường hợp này, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng-An ninh đề nghị áp dụng quy định gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung thảo luận

Thảo luận tại phiên họp, cơ bản các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nội dung tiếp thu, chỉnh lý đối với dự án luật. Trong đó, tán thành với việc chỉnh lý, bổ sung một số điều như trong dự thảo luật để đảm bảo logic và chặt chẽ; tán thành việc chỉnh lý phạm vi bí mật nhà nước cần phải rõ, cụ thể, tránh mật hóa mọi thông tin, tạo căn cứ để xây dựng danh mục bí mật nhà nước. Tuy nhiên, có ý kiến cần rà soát lại để bảo đảm chặt chẽ, chính xác, đầy đủ, xác định đúng tiêu chí, nội hàm của từng lĩnh vực đúng với tình hình thực tế, nên chăng chỉ những vấn đề cốt lõi, cơ mật.

Về lập, ban hành danh mục bí mật nhà nước, so với dự thảo mới có nhiều thay đổi cả về quy trình và thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể được làm rõ hơn, việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo tương đối phù hợp. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị phải rà soát kỹ thẩm quyền, cách thức phối hợp giữa các cơ quan trong việc lập danh mục để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Cần đánh giá kỹ việc Thủ tướng ban hành cả danh mục thông tin mật có cần thiết, khả thi không?

Ý kiến khác cho rằng bí mật nhà nước liên quan đến quyền công dân, quyền tiếp cận thông tin, do đó cần nghiên cứu ban hành danh mục bí mật nhà nước kèm theo luật để đảm bảo nguyên tắc của Hiến pháp vì vậy, đề nghị danh mục mật phải được công khai.

Ngoài các nội dung trên, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tập trung làm rõ một số vấn đề liên quan đến bố cục kỹ thuật văn bản, giải thích từ ngữ, một số quy định liên quan đến các hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước, trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng bí mật nhà nước. Việc cung cấp chuyển giao bí mật nhà nước, làm rõ thêm quy định về việc tổ chức hội nghị, hội thảo, phát ngôn tại hội nghị có chứa thông tin mật, việc đóng dấu mật tài liệu, việc ghi hồi ký giữ bí mật khi chuyển công tác, về hưu, v.v..

Về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, việc giải mật, tăng, giảm độ mật về chế độ, chính sách, trách nhiệm của các cơ quan địa phương vê công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn chỉnh dự thảo Luật gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6./.

Bảo Yến - Nhóm ảnh