GIỮ NGUYÊN QUY ĐỊNH VỀ PHẠM VI HOẠT ĐỘNG CỦA CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM NHƯ DỰ THẢO LUẬT CHÍNH PHỦ TRÌNH

11/07/2018

Sáng 11/7, Ủy ban Thường vụ tiến hành thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung thảo luận.

Chủ nhiệm Ủy ban Võ Trọng Việt trình bày báo cáo

CSBVN hoạt động trong vùng biển Việt Nam

Trình bày Báo cáo một số vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Võ Trọng Việt cho biết, thảo luận về phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể phạm vi hoạt động của cảnh sát biển Việt Nam(CSBVN ) để tránh chồng chéo với phạm vi hoạt động của các lực lượng chức năng khác; một số đại biểu đề nghị quy định CSBVN hoạt động từ đường biên giới quốc gia trên biển trở ra để phù hợp với năng lực, trang bị của CSBVN và không tạo khoảng trống pháp lý trên biển.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, quy định “CSBVN hoạt động trong vùng biển Việt Nam” như dự thảo Luật Chính phủ trình là kế thừa Điều 3 Pháp lệnh hiện hành ; phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên ; phù hợp đặc điểm, tình hình vùng biển Việt Nam; phù hợp  thực tiễn hoạt động của CSBVN và đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ biển, đảo hiện nay.

Báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng chỉ rõ, thực tế Vịnh Bắc Bộ, Vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia chưa xác định đường cơ sở, chưa xác định được nội thủy, lãnh hải nên không có cơ sở để phân chia phạm vi hoạt động cho từng lực lượng. Hơn nữa, vùng biển Việt Nam rộng, khó kiểm soát, quản lý và bảo vệ, trong đó khu vực biển phía Nam có nội thuỷ từ 80 -100 hải lý (từ Hòn Hải đến Côn Đảo, Thổ Chu) là vùng biển chiến lược quan trọng, có nhiều nguồn tài nguyên cần bảo vệ, đồng thời có nhiều hoạt động khai thác biển, đã xảy ra nhiều hành vi vi phạm pháp luật như: buôn lậu, gian lận thương mại, tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam, khai thác tài nguyên biển trái phép, cướp có vũ trang trên biển... Trong khi đó, các lực lượng chức năng khác hoạt động trên biển  còn mỏng; phương tiện, trang bị và năng lực hoạt động còn hạn chế. Nếu phân chia phạm vi hoạt động trên từng vùng biển cho các lực lượng, sẽ dễ dẫn đến bỏ trống vùng biển, bỏ sót, lọt vi phạm, tội phạm trên biển; lãng phí nguồn lực Đảng, Nhà nước đã đầu tư cho CSBVN, làm hạn chế việc phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển và quản lý, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc; bảo đảm tương đồng về phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển (lực lượng bảo vệ bờ biển) của một số nước .

Trên cơ sở phân tích, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ nguyên quy định về phạm vi hoạt động của CSBVN như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Đại diện Ban soạn thảo giải trình một số nội dung

Quy định rõ về trường hợp nổ súng của cán bộ, chiến sỹ CSBVN

Theo Báo cáo của Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh cho biết, thảo luận về nội dung quy định các trường hợp nổ súng của cán bộ, chiến sỹ CSBVN tại kỳ họp vừa qua,  một số đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ quy định nổ súng trong trường hợp bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trong tình huống quốc phòng, an ninh. Quan điểm của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc sử dụng vũ khí quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đã được quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Vì vậy, đề nghị không quy định nội dung này trong Luật.

Bên cạnh đó Báo cáo của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng chỉ ra rằng, một số ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 vừa qua đề nghị rà soát, quy định chặt chẽ các trường hợp nổ súng của Cảnh sát biển Việt Nam để bảo đảm tính khả thi. Cho ý kiến về nội dung này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, điểm đ khoản 1 Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ mới chỉ quy định trường hợp nổ súng vào phương tiện giao thông đường thủy, chưa quy định nổ súng vào tàu thuyền trên biển nên gây khó khăn, hạn chế cho CSBVN trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trên biển. Đặc biệt là trong đấu tranh phòng, chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền theo Hiệp định ReCAAP mà Việt Nam là thành viên. Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển trong thực hiện nhiệm vụ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tách khoản 3 Điều 14 dự thảo Luật Chính phủ trình và chỉnh lý thành Điều 15 quy định về trường hợp nổ súng của cán bộ, chiến sỹ CSBVN như dự thảo Luật dự kiến tiếp thu.

Toàn cảnh phiên họp

Phối hợp hoạt động CSBVN với một số lực lượng hoạt động trên biển

Báo cáo của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chỉ ra rằng, việc quy định cụ thể trách nhiệm phối hợp giữa CSBVN với một số lực lượng hoạt động trên biển thuộc các Bộ, ngành trong dự thảo Luật là pháp điển hóa các quy định tại Nghị định số 66/2010/NĐ-CP ngày 14/6/2010 của Chính phủ về ban hành Quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trên các vùng biển và thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam. Việc quy định như dự thảo Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cao hơn trong tổ chức thực hiện, bảo đảm tính khả thi và nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ biển, đảo trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, việc quy định như dự thảo Chính phủ trình có sự chồng chéo, trùng lắp trong quy định về trách nhiệm phối hợp của lực lượng chức năng thuộc các Bộ, ngành. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh dự kiến chỉnh lý theo hai phương án sau: Phương án 1, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến ĐBQH, rà soát và chỉnh lý lại nội dung các điều khoản quy định về trách nhiệm phối hợp giữa CSBVN với các lực lượng chức năng thuộc các Bộ, ngành; đồng thời, nghiên cứu quy định bổ sung trách nhiệm phối hợp giữa CSBVN với các lực lượng, cơ quan, đơn vị chức năng thuộc các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp (khoản 1 Điều 22); bổ sung Điều 31 quy định chung về trách nhiệm phối hợp hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc các Bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương các cấp. Phương án 2, để tránh quy định trùng lặp về nội dung và bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho quy định việc phối hợp giữa CSBVN với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp theo hướng khái quát, nguyên tắc; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này.

Ngoài một số vấn đề nêu trên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam gửi xin ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo quy định./.

Hồ Hương- Nhóm ảnh