CÔNG BỐ LỆNH CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VỀ 7 LUẬT VỪA ĐƯỢC QUỐC HỘI THÔNG QUA

28/06/2018

Sáng nay 28/6, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố 7 Luật vừa được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

Tham dự buổi họp báo có Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn, Đại diện các Bộ ban ngành chủ trì các dự án luật vừa được Quốc hội thông qua; Phó Tổng thư ký, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cùng đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí.

Tại buổi họp báo, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 7 Luật gồm: Luật Quốc phòng; Luật Cạnh tranh; Luật Tố cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thế dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đổ; Luật An ninh mạng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 7 Luật vừa được Quốc hội thông qua

Cũng tại cuộc họp báo, lãnh đạo các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông tin những điểm quan trọng của các Luật này.

Thông tin về những nội dung quan trọng của Luật Tố cáo năm 2018, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, Luật tiếp tục kế thừa quy định của Luật Tố cáo năm 2011 về phạm vi điều chỉnh, trong đó quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với 2 nhóm hành vi vi phạm pháp luật: Tố cáo hành vi vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Bên cạnh đó, Luật Tố cáo còn quy định về vấn đề bảo vệ người tố cáo, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo.

Về hình thức tố cáo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết: Luật Tố cáo mới tiếp tục quy định 2 hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn, tố cáo trực tiếp. Tuy nhiên, cũng không bỏ qua thông tin từ các hình thức tố cáo khác, nên Luật cũng quy định, đối với những thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo 2 hình thức tố cáo trên, nếu có nội dung rõ ràng, cơ quan tiếp nhận thông tin phải tiến hành kiểm tra, thanh tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét để không bỏ sót thông tin.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, một điểm đáng lưu ý là Luật đã quy định về tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo. Đây là bước quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền quyết định thụ lý hay không thụ lý giải quyết tố cáo. Do đó, Luật quy định cụ thể việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn tố cáo, đảm bảo cho việc xử lý được thực hiện một cách chặt chẽ. Liên quan đến vấn đề bảo vệ người tố cáo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết: Luật đã dành 1 Chương quy định về bảo vệ người tố cáo.

Thượng tượng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã giới thiệu một số điểm quan trọng của Luật Quốc phòng năm 2018

Thượng tượng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã giới thiệu một số điểm quan trọng của Luật Quốc phòng năm 2018. Luật Quốc phòng năm 2018 có 7 chương, 40 điều, giảm 02 chương và 11 điều so với Luật Quốc phòng năm 2005. Đây là Luật rất quan trọng, chi phối toàn bộ hệ thống pháp luật về Quốc phòng, tác động đến hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, và đối ngoại. Luật Quốc phòng năm 2018 đã thể chế đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng về Quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, đã cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, thống nhất với hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh và pháp luật có liên quan.

Đặc biệt, Luật có nhiều quy định mới, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Liên quan đến phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ, Luật bổ sung quy định về phòng thủ Thủ đô Hà Nội là bộ phận hợp thành phòng thủ đất nước (tại Khoản 3 Điều 9) để phù hợp với tính chất nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô Hà Nội và Luật Thủ đô.

Toàn cảnh buổi họp báo

Thông tin về những nội dung của Luật An ninh mạng, Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an) cho biết: Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Luật An ninh mạng được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, với sự tham gia ý kiến đóng góp của các bộ, ngành chức năng, hơn 30 doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin lớn trong nước như VNPT, FPT, BKAV; nhiều chuyên gia, tập đoàn kinh tế, viễn thông trong và ngoài nước, trong đó có Facebook, Google, Apple, Amazon…; đại diện các cơ quan nước ngoài như Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản… và ý kiến rộng rãi của quần chúng.

Theo Trung tướng Hoàng Phước Thuận, để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Chương III của Luật quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ các nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý các hành vi phạm pháp luật. Đây là hành lang pháp lý vững chắc đề người dân có thể yên tâm buôn bán, kinh doanh hay hoạt động trên không gian mạng. Trung tướng Hoàng Phước Thuận cũng nhấn mạnh, Luật An ninh mạng không hạn chế quyền tự do dân chủ của người dân. Bộ đang soạn thảo các nghị định cụ thể để triển khai Luật, dự kiến trong tháng 10/2018 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ./.

Trọng Quỳnh