BỘ TRƯỞNG BỘ GD-ĐT PHÙNG XUÂN NHẠ: GẮN MỞ RỘNG QUY MÔ VỚI SIẾT CHẶT CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

28/06/2018

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra các giải pháp cụ thể về vấn đề tự chủ đại học hoàn toàn, kiểm định chất lượng giáo dục đại học và giải pháp đột phá đối với giáo dục đại học.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội

Lộ trình thực hiện tự chủ chắc chắn và hiệu quả

Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu - An Giang nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa khẳng định sẽ thực hiện theo chủ trương của Đảng trong định hướng phát triển giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng về chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Bộ trưởng cũng vừa thống nhất quan điểm để đại học tự chủ, để nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên đại biểu không thấy Bộ trưởng nói đến lộ trình cụ thể để đại học có thể tự chủ hoàn toàn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến trong việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học không còn bộ chủ quản, quản lý nhà nước lúc này chỉ tập trung vào việc hoạch định chiến lược và giám sát hoạt động?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu chất vấn Bộ trưởng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, chủ trương về tự chủ đại học không còn mới và hiện nay Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ cũng đã có lộ trình. Cụ thể năm 2014 Chính phủ đã có Nghị quyết  77/NQ-CP ngày 24/10/2014 để thí điểm 23 trường được tự chủ.  Bộ Giáo dục đào tạo đã tổng kết lại 23 trường này và nhận thấy về cơ bản kết quả rất tốt. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, Bộ tiếp tục kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ mở rộng hơn Nghị định tự chủ; Đồng thời Bộ cũng thí điểm mạnh dạn, tiến dần tới một cơ chế các trường đại học công lập phải tự chủ cao hơn, hạn chế việc can thiệp hành chính của các bộ chủ quản. Để các trường phải chịu trách nhiệm giải trình về chất lượng trước xã hội và họ được quyền ra quyết định thuộc phạm vi thẩm quyền của mình. Cũng theo Bộ trưởng, Bộ đã chọn ra 3 trường và đề nghị xin chủ trương tới đây sẽ tiếp tục mở rộng tự chủ; tinh thần của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo làm chắc chắn nhưng mạnh dạn, không đợi chờ, vì xu hướng tự chủ đang là rất cần.  Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng hi vọng trong thời gian tới tiếp tục được các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là những đại biểu trong ngành giáo dục góp ý để lộ trình thực hiện tự chủ chắc chắn và hiệu quả.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan đặt vấn đề chất vấn

Kiểm định chất lượng, nâng cao chất lượng giáo dục đại học

Đưa ra vấn đề chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan - Tp.Hà Nội cho biết gần đây chúng ta rất quan tâm và nói nhiều đến việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học, trong dự thảo luật cũng đề cập nhiều đến kiểm định chất lượng giáo dục. Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng kiểm định chất lượng để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học là giải pháp đúng đắn. Tuy nhiên, nếu việc này không được quản lý chặt chẽ thì có thể xảy ra tình trạng một số trường đại học sẽ chạy chứng nhận kiểm định chất lượng để làm đẹp hồ sơ của trường. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp của bộ để kiểm soát việc này như thế nào?

Giải trình vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đối với giáo dục đại học, Bộ đã có văn bản hướng dẫn các trường đại học. Trước hết phải nâng cao nhận thức, trong vấn đề đón bắt được xu hướng để từ đó xác định được ngành, nghề và nghiên cứu để điều chỉnh các ngành đã có, đồng thời mở các ngành mới theo hướng đã xác định. Về biện pháp kiểm định, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, Bộ đã tăng cường kiểm định ngành và kiểm định chương trình. Đến nay có 122 trường được đánh giá, trong đó 89 trường được kiểm định đạt, 5 trường không đạt, 28 trường đang chờ đánh giá ngoài, 5 trường được Hội kiểm định quốc tế của Pháp công nhận; trong 104 chương trình đào tạo có 76 chương trình đào tạo đã chuẩn quốc tế. 

Về ý kiến đại biểu nói có thể xảy ra tình trạng một số trường đại học sẽ chạy chứng nhận kiểm định chất lượng để làm đẹp hồ sơ của trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định cho đến nay là chưa có minh chứng phản ánh việc này. Tuy nhiên, Bộ sẽ tiếp thu để tăng cường kiểm tra giám sát. Trong thực tế Bộ đã có kế hoạch và triển khai một số hoạt động để nâng cao tăng cường năng lực của 4 trung tâm kiểm định. Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tới đây Bộ sẽ tăng cường đào tạo kiểm định viên và kiểm soát chất lượng kiểm định viên; đồng thời công khai minh bạch kết quả kiểm định các đơn vị trên mạng để mọi người có thể giám sát một số khâu gắn với kiểm định chất lượng.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thu Hằng đặt câu hỏi

Giải pháp đột phá nào trong quản lý giáo dục đại học?

Về đột phá trong giáo dục đại học, đại biểu Quốc hội Bùi Thu Hằng - Hoà Bình gửi tới Bộ trưởng vấn đề, sự mở rộng quá mức quy mô đào tạo đại học trong những năm gần đây đã dẫn đến nghịch lý dư thừa nhân lực, nhưng chất lượng nguồn nhân lực, trình độ đại học chưa đáp ứng được với yêu cầu gây lãng phí và ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu cũng cho biết cử tri hoài nghi, thiếu niềm tin đối với chất lượng giáo dục đại học hiện nay. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình đối với tình trạng trên? Trong thời gian tới Bộ có giải pháp đột phá nào trong quản lý giáo dục đại học và kiểm định chất lượng giáo dục đại học để nguồn nhân lực đại học thực sự đáp ứng với yêu cầu phát triển của đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Bùi Thu Hằng, Tư lệnh ngành giáo dục Phùng Xuân Nhạ cho biết nếu xét số sinh viên trên vạn dân thì Việt Nam không phải là lớn so với khu vực, ví dụ như hiện nay Việt Nam có 238 sinh viên/ vạn dân, Trung Quốc thì 300 sinh viên/vạn dân, Nhật Bản là 450 sinh viên/ vạn dân, còn Hàn Quốc thì hơn 600 sinh viên/vạn dân. Nhưng cái quan trọng ở đây là chất lượng sinh viên đại học. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chỉ ra rằng chất lượng của các trường đại học chưa đạt yêu cầu, dẫn đến khi sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm, nguyên nhân có nhiều nhưng trong đó có nguyên nhân từ nội dung chương trình đào tạo chưa bám sát thực tiễn. Sinh viên thì có thể biết kiến thức nhưng kỹ năng và các kiến thức liên quan đến thị trường lao động thì còn yếu kém. Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận trách nhiệm trong vấn đề chỉ đạo các trường phải đổi mới cách tiếp cận về chương trình và tổ chức đào tạo; gắn mở rộng quy mô với siết chặt chất lượng.

Hồ Hương