BỘ TRƯỞNG BỘ TN&MT TRẦN HỒNG HÀ: LUẬT KHÔNG THỂ LẤP ĐẦY CÁC GIAO THOA MÀ CƠ CHẾ PHỐI HỢP MỚI LÀ CẦN THIẾT...

28/06/2018

Quan tâm đến vấn đề thống nhất quản lý về tài nguyên nước; khắc phục hiện trạng khai thác nước ngầm không kiểm soát và công nghệ tái sử dụng nước ở khu vực khai thác quặng titan;... tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải trình rõ nội dung trên.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Các dự án khai thác tuyến quặng titan có ảnh hưởng đến nguồn nước không?

Đưa ra vấn đề chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc - Bình Thuận cho biết, hoạt động khai thác tuyến quặng titan tại Bình Thuận được sử dụng hoàn toàn bằng sức nước, quá trình khai thác nước đã ngấm xuống tầng chứa nước dưới đất và gây ô nhiễm nguồn nước. Đại biểu cũng chỉ ra rằng Điều 37 Luật Tài nguyên nước quy định tổ chức, cá nhân xả thải vào nguồn nước phải có giấy phép. Tuy nhiên, tại Thông báo số 86 ngày 28/9/2016 và Công văn số 216 ngày 15/1/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận lại cho rằng đối với các dự án khai thác titan không sử dụng hóa chất, phụ gia và không thải nước ra ngoài khu vực khai thác thì không phải đề nghị cấp giấy phép xả nước thải. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nội dung trả lời tại hai văn bản trên là như thế nào? Có trái với quy định của Luật Tài nguyên nước không?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc chất vấn Bộ trưởng

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, qua giám sát thông thường trong titan có một chất có ô nhiễm về phóng xạ, vì thế quy chuẩn quy định việc khai thác chế biến thô titan, sử dụng nguồn nước và tái tuần hoàn nguồn nước phải có những công nghệ khai thác để giải quyết một cách cụ thể vấn đề titan với phóng xạ.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chỉ ra rằng, thực tế ở Bình Thuận các mỏ titan và cấu trúc các thành phần của nó phát hiện không có phóng xạ. Khi tái tuần hoàn nước trên thực tế trong titan đã chứa các nguyên tố như kim loại nặng. Chúng ta thực hiện kỹ thuật chế biến thì hầu hết các chất đó đi cùng nguồn nhiên liệu chứ nó không ở trong nước.

Cũng theo Bộ trưởng, về căn cứ khoa học có thể khẳng định tái sử dụng tuần hoàn nước không gây ra ô nhiễm xuống tầng nước dưới, tuy nhiên việc này vẫn phải có sự giám sát thường xuyên. Bộ trưởng Trẩn Hồng Hà cũng bày tỏ sự đồng tình với đại biểu rằng trong tương lai công nghệ dùng nước ở Bình Thuận là không phù hợp. Hiện nay, Bộ khuyến cáo là chỉ được dùng nước mặt, nhưng nguồn nước hạn chế như vậy thì đòi hỏi phải có công nghệ tiên tiến, hiện đại hơn. Như vậy, các moong để chế biến phải đầu tư công nghệ vừa tiết kiệm nước, vừa phù hợp và kiểm soát được nguồn chất thải. Tiếp thu ý kiến của đại biểu,  đối với các doanh nghiệp, Bộ sẽ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ những vấn đề gây ra khi khai thác, chế biến titan; đồng thời Bộ cũng chỉnh lại các quy định hiện hành đối với vấn đề về cấp phép cũng như quản lý nước khi khai thác titan mà tái sử dụng nguồn nước.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng đưa ra quan điểm chất vấn

Quản lý thống nhất giữa các bộ, ngành về tài nguyên nước

Quan tâm đến nguồn tài nguyên nước, đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng - TP Hải Phòng chỉ rõ, theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và gần đây nhất là Luật Thủy lợi 2017 cùng các văn bản hiện hành khác thì tài nguyên nước, môi trường nước, nguồn nước đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp Chính phủ thống nhất quản lý trong cả nước. Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra rằng trong thực tế tài nguyên nước và môi trường nước đang có rất nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý nên chức năng đang bị phân tán, đan xen, chia nhỏ, chồng chéo dẫn đến tình trạng trách nhiệm quản lý bị bỏ trống, đùn đẩy khi có vụ việc phát sinh. Tài nguyên nước đang bị sử dụng lãng phí và ô nhiễm môi trường nước đang là vấn đề đáng lo ngại. Trước thực trạng như vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để cùng các bộ, ngành Trung ương tham mưu cho Chính phủ quản lý thống nhất một cách hiệu quả và giải quyết căn cơ vấn đề này?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng, Bộ trưởng Trần Hồng hà bày tỏ sự đồng tình cao với quan điểm mà đại biểu đưa ra. Với tư cách là bộ quản lý, tổng hợp, thống nhất, thay mặt cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận trách nhiệm trong việc điều phối nếu xảy ra những vấn đề gì liên quan đến quản lý tài nguyên nước, kể cả sử dụng nước, chất lượng nước về môi trường. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ ra rằng, thời gian tới, phải làm rõ hơn trách nhiệm của các bộ, các ngành như quản lý nước các công trình thủy lợi như thế nào? Vấn đề bảo vệ môi trường trong các công trình thủy lợi ra sao? Trách nhiệm quản lý tài nguyên nước ở từng địa phương thế nào?v.v...

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng dù luật có cố gắng mấy nữa thì vẫn không thể lấp đầy được các giao thoa mà cơ chế phối hợp mới là cần thiết.

Bộ trưởng cũng cho biết, vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký một cơ chế để hợp tác. Theo đó hai bộ cam kết thời gian tới sẽ làm tốt nhất những việc mà hiện nay vẫn còn chồng chéo, còn khoảng trống.

Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch đưa ra câu hỏi

Khai thác nước ngầm một cách không kiểm soát gây ra những hậu quả to lớn

Gửi đến bộ trưởng Trần Hồng Hà một nội dung chất vấn, đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch - Bắc Giang cho rằng, hiện nay việc khai thác nước ngầm một cách không kiểm soát, tự phát, tùy tiện, không tính toán, không theo quy hoạch đang diễn ra ở nhiều địa phương. Việc làm này đã gây ra những hệ lụy, hậu quả to lớn, lâu dài như cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước mạch ngầm, thậm chí gây sụt lún đất đai. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng có biện pháp gì để giải quyết vấn đề này thời gian tới?

Giải trình với đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường, có trách nhiệm điều tra, đánh giá trữ lượng nước ngầm cung cấp các địa phương và đồng thời các địa phương có trách nhiệm trong vấn đề xem xét đánh giá sử dụng và có hệ thống để giám sát quan trắc mực và chất lược nước ngầm. Tuy nhiên Bộ trưởng cũng thừa nhận trên thực tế hiện nay chúng ta chưa kiểm soát được việc khai thác nước ngầm từ hộ gia đình, cá nhân. Bộ trưởng đưa ra dẫn chứng ở đồng bằng sông Cửu Long thì không chỉ hộ gia đình sử dụng mà thậm chí việc nuôi tôm công nghiệp cũng sử dụng nước ngầm, hoặc nhiều địa phương nước nặm khan hiếm nên sử dụng nguồn nước ngầm, đặc biệt ở Tây Nguyên cũng sử dụng trong sản xuất công nghiệp trồng cà phê, v.v... Bộ Tài nguyên và Môi trường thấy đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng vì các lý do:  nếu đã hết nước ngầm thì sẽ bị sa mạc hóa; tạo ra sụt lún; nước ngầm không được kiểm soát thì có thể có nước nhưng là nước ô nhiễm và xâm nhập mặn.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chỉ ra rằng, vấn đề cấp bách này cần Bộ Tài nguyên và Môi trường phải ban hành một chiến lược về tài nguyên nước, trong đó nói đến những giải pháp, mục tiêu và những nhiệm vụ cụ thể liên quan đến sử dụng, khai thác tài nguyên nước, mặt của nước ngầm, bổ sung nguồn nước ngầm và công tác quản lý nước ngầm. Bộ trượng Trần Hồng Hà cũng đưa ra một thực tế, hiện nay công tác kiểm tra, giám sát và xử lý của chúng ta còn hạn chế nên việc khai thác tràn lan như đại biểu nói vẫn còn tồn tại. Bộ cũng sẽ công bố đầy đủ tình trạng nước ngầm ở các địa phương hiện nay như thế nào để cảnh báo; đồng thời có những khuyến cáo cần phải sử dụng tiết kiệm nước, có biện pháp để bảo vệ chất lượng nước ngầm, sử dụng nguồn nước mặt thay thế./.

 

Hồ Hương