SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC: ĐẨY MẠNH TỰ CHỦ

13/06/2018

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, chiều 12/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Cho ý kiến về tự chủ đại học, các đại biểu nhấn mạnh việc đẩy mạnh tự chủ đại học là cần thiết và phù hợp với xu thế chung của giáo dục đại học.

Trọng tâm sửa đổi luật hướng đến đẩy mạnh tự chủ đại học

Nhấn mạnh cần thiết phải đẩy mạnh tự chủ đại học, đại biểu Triệu Thế Hùng - Lâm Đồng cho rằng đây là một trọng điểm, trọng tâm then chốt phải cần được giải quyết triệt để và khả thi ở lần sửa đổi Luật Giáo dục đại học lần này.

Đại biểu nhận định Dự thảo đã thể hiện được một bước rõ rệt trong quy định trách nhiệm giải trình của nhà trường cũng như đã thể hiện được rõ ràng về vai trò của Hội đồng trường như một thiết chế nhằm thực hiện quyền tự chủ và cơ quan quyền lực cao nhất của cơ sở giáo dục đại học đúng theo tinh thần của Nghị quyết 19. Dự thảo đã đẩy mạnh hơn về vấn đề tự chủ về nhân sự cũng như tự chủ về tài chính.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

Đại biểu Hồ Thanh Bình - An Giang nhấn mạnh, việc tự chủ phải giải phóng được năng lực thực sự của các cơ sở giáo dục đại học, huy động được nguồn lực xã hội sẵn có và phát huy được trí tuệ của quá trình dạy học và quá trình nghiên cứu khoa học trong trường đại học. Nhà nước cần đóng vai trò tạo sân chơi bình đẳng cho các cơ sở giáo dục đại học và thực hiện xây dựng cơ sở pháp lý phù hợp cho sân chơi đó.

Theo đại biểu Hồ Thanh Bình, Chính phủ cần nghiên cứu các quy định sao cho quản lý được các chỉ tiêu chất lượng và công bằng với các cơ sở giáo dục đại học. Các cơ sở giáo dục đại học tự xác định xứ mệnh, tầm nhìn và dựa vào năng lực và tiềm năng của mình, tự chủ trong chọn lựa các phương án nhân sự, tài chính, học thuật, đảm bảo họ tự do đứng trên đôi chân của mình tránh tạo ra cơ chế xin-cho hay là duy trì cơ chế xin-cho từ Nhà nước; cần có chính sách ưu đãi thích hợp và khuyến khích đối với các cơ sở giáo dục đại học có tiến bộ trong quá trình tự chủ.

Đại biểu Hồ Thanh Bình cho rằng cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với các cơ sở giáo dục đại học có tiến bộ trong quá trình tự chủ

Có cùng nhận định vấn đề tự chủ đối với cơ sở giáo dục đại học là một trọng tâm then chốt của việc sửa đổi luật lần này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đồng Tháp cho biết  bước tiến lớn trong quy định về tự chủ đại học là việc nhấn mạnh trách nhiệm giải trình của nhà trường, vai trò của Hội đồng trường. Tuy nhiên đại biểu cũng chỉ ra rằng, cách thể hiện như trong dự thảo Luật chưa làm rõ nội hàm, khái niệm tự chủ, điều kiện tự chủ, nội dung và phương thức thực hiện trách nhiệm giải trình.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thể hiện lại khái niệm theo hướng làm rõ cơ chế tự chủ đại học bao gồm cả tự chủ học thuật, tự chủ tài chính, tự chủ về nhân sự, làm rõ các điều kiện bảo đảm để thực hiện quyền tự chủ, làm rõ các yêu cầu, nội dung và phương thức thực hiện trách nhiệm giải trình, đồng thời nghiên cứu, đề xuất một số quy định trong hệ thống pháp luật liên quan để có được một sự đồng bộ giữa Luật Giáo dục đại học với các luật liên quan.

Quy định rõ các nội dung tự chủ đại học theo 3 trụ cột

Góp ý hoàn thiện quy định về tự chủ đại học, đại biểu Triệu Thế Hùng - Lâm Đồng đề nghị bổ sung về vấn tự chủ về học thuật. Theo đó, tự chủ học thuật là quyền tự do để theo đuổi chân lý khoa học mà giáo chức đại học trong dạy và học cũng như nghiên cứu để tạo ra tri thức mới đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Bản chất của quyền này là việc thực hiện dân chủ hóa giáo dục, điều này đã được quy định trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội năm 2011 - 2020.

Đại biểu Triệu Thế Hùng cũng cho rằng việc thực hiện quyền tự chủ của các trường đại học trong thực tiễn hiện nay còn bị hạn chế bởi rất nhiều những luật khác như luật về viên chức, về ngân sách, về đất đai, về đầu tư công. Vì vậy, bài toán về tự chủ giáo dục đại học thì không thể chỉ giải quyết ở trong một đạo luật này mà còn được điều chỉnh bởi cả một hệ thống pháp luật liên quan đến giáo dục đại học.

Đại biểu Triệu Thế Hùng đề nghị bổ sung nội dung tự chủ về học thuật trong dự thảo

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - An Giang điều luật này cần thiết kế trao cho các đại học quyền tự chủ và không có bộ chủ quản. Quản lý nhà nước lúc này tập trung vào hoạch định chiến lược và giám sát các hoạt động ngoài ra thêm nhiệm vụ hỗ trợ các trường đại học dần dần có thể tự đứng vững trên đôi chân tự chủ của mình.

Trong khi đó, đại biểu Y Tru Alio - Đắk Lắk cho hay, tự chủ đại học mới được thử nghiệm tại một số trường lớn, tập trung tại các thành phố lớn, chưa phổ biến. Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có đánh giá tổng kết và cũng chưa đưa ra các bài học kinh nghiệm để các trường đại học khác trong nước học hỏi. Trong điều kiện hiện nay ở một số trường đại học của vùng ba Tây: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ nếu tự chủ đại học sẽ gặp nhiều khó khăn cho người học, đặc biệt là sinh viên diện chính sách, người dân tộc thiểu số, sinh viên vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn sẽ là gánh nặng cho các em đóng học phí.

Đại biểu đặt vấn đề, nếu không đủ sinh viên để theo học vì học phí cao, nhà trường ở các vùng này cũng không thể đóng cửa vì đây là trường do Chính phủ mở với chủ trương nhằm giúp địa phương hoàn thành nhiệm vụ chính trị, tạo điều kiện, tạo nguồn lực, nhân lực tri thức tại chỗ và phục vụ cho việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mặt khác, các trường này cũng làm nhiệm vụ quốc tế đào tạo sinh viên Lào và Campuchia. Vì vậy đại biểu đề nghị Chính phủ có chính sách riêng cho các trường đại học tại khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ được tự chủ một phần, phần còn lại Chính phủ vẫn bao cấp và cho đến khi các trường này đủ điều kiện để tự chủ hoàn toàn.

Đại biểu Y Tru Alio đề nghị Chính phủ có chính sách riêng cho các trường đại học tại khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ

Về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Thành Đạt - TP Hồ Chí Minh tán thành với hầu hết các nội dung của dự thảo Luật quy định về tự chủ đại học theo ba trụ cột là tự chủ về hoạt động đào tạo và hoạt động khoa học, công nghệ hay còn gọi là tự do trong học thuật; tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự và tự chủ về hoạt động tài chính, tài sản. Ba trụ cột tự chủ nêu trên phải diễn ra đồng thời, đồng bộ, tương tác và bổ sung cho nhau. Trong đó theo các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu giáo dục thì tự chủ về hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học là quan trọng nhất.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung, cần quy định các cơ sở giáo dục đại học được chủ động trong việc mở và mở mới chương trình đào tạo được linh hoạt trong sử dụng phương thức đào tạo qua mạng kết hợp với phương thức truyền thống và các phương thức hiện đại khác; đưa kiến thức khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào chương trình đào tạo. Các cơ sở giáo đục đại học được giao thẩm quyền nhiều hơn, từ đó tháo gỡ được phần lớn những vướng mắc trong lĩnh vực này; mạnh dạn hơn nữa trong việc giao cho các cơ sở giáo dục đại học quyền chủ động trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ giảng viên…

Phát biểu tại Hội trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, trên cơ sở ý kiến nhận xét, góp ý rất sâu các khía cạnh, với mục đích làm sao dự thảo đầy đủ hơn, khả thi hơn, tốt hơn, thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện phát triển khu vực đại học, Ban soạn thảo sẽ tổng hợp tiếp thu để tiếp tục chỉnh lý dự thảo được hoàn thiện một cách tốt nhất.

Bảo Yến - Nhóm ảnh