QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẶC XÁ (SỬA ĐỔI): ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH, NGUYÊN NHÂN ĐỂ CÓ HƯỚNG SỬA ĐỔI PHÙ HỢP

13/06/2018

Sáng 11/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi). Nhiều đại biểu quan tâm về con số đặc xá quá lớn trong 10 năm qua, mở rộng điều kiện, đối tượng được đặc xá.

Cần xác định đặc xá nhiều có phải là do luật hay không?

Phát biểu tại hội trường, bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng thời gian qua là số lượng người được đặc xá trong mỗi đợt là khá lớn, chưa thể hiện rõ tính đặc biệt trong việc hưởng ân huệ của người đứng đầu Nhà nước đối với người phạm tội, theo đại biểu Nguyễn Hòa Bình - Quảng Ngãi, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, thời gian qua, việc đặc xá hơi bị lạm dụng khi mà mục đích nhân đạo của Nhà nước mờ hơn nhu cầu giảm tải cho nhà tù.

Theo thống kê 10 năm thực hiện Luật Đặc xá, cả nước có 7 đợt đặc xá, trung bình khoảng gần 1,5 năm có một đợt. Tổng số 85.000 người được đặc xá, trung bình mỗi đợt hơn 10.000 người. Điều này tạo ra một sự mâu thuẫn là khi Hội đồng xét xử tăng lên 6 tháng hay 1 năm thì phải họp cân nhắc, thậm chí chịu áp lực rất lớn từ xã hội, vì mỗi đợt đặc xá lên đến nhiều năm.

Đại biểu Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, cho rằng thời gian qua việc đặc xá hơi bị lạm dụng 

Góp ý về điều kiện được đề nghị đặc xá, một trong những nội dung sửa đổi quan trọng nhất của dự thảo, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Quảng Bình cho rằng Chính phủ không thể hiện rõ quan điểm là sửa đổi theo hướng mở rộng hay thu hẹp điều kiện đối với người được đặc xá. Dẫn đến dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng vừa mở rộng một số điều kiện đồng thời cũng thu hẹp một số điều kiện.Tuy nhiên để việc sửa đổi đi đúng hướng thì cần đánh giá đúng những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những hạn chế, bất cập này.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho biết, mỗi một đợt đặc xá khoảng 10.000 người, lần ít thì 4.000 người và không phải năm nào cũng đặc xá. Tuy con số tuyệt đối này là lớn nhưng so với tổng số người phải chấp hành án phạt tù hàng năm là khoảng 150.000 người và so với số giảm án, tha tù mà tòa án tiến hành thường xuyên hàng năm là 80.000 người thì con số này cũng không phải là lớn lắm, chưa kể số được tha tù trước thời hạn sẽ thực hiện mỗi năm 3 lần vào những thời gian tới đây.

Theo đại biểu, số lượng này cũng phải đặt trong bối cảnh đây là chính sách khoan hồng nhân dịp trọng đại, có ý nghĩa chính trị, khuyến khích người phạm tội hối cải, đặc biệt là nó góp phần quan trọng vào việc giảm tải quá tải của trại giam. Hơn nữa, các lần đặc xá đều báo cáo là thực hiện tốt, công khai, minh bạch, không vi phạm và người tái phạm chiếm tỷ lệ thấp là 1,16%. Như vậy, có thể thấy rằng các lần đặc xá vừa qua cơ bản được thực hiện nghiêm túc, phù hợp với bối cảnh và điều kiện thực tiễn của đất nước.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đặt vấn đề, nếu cho rằng số lượng đặc xá là quá lớn thì cần phải xác định rõ đó có phải là lỗi của luật hay không. Thực tế cho thấy có lần chúng ta đặc xá 20.000 người nhưng cũng có lần gần đây nhất chúng ta đặc xá chỉ có 4.000 người. Vậy tại sao số lượng khác nhau như vậy trong khi điều kiện về đặc xá được luật quy định không thay đổi. Vấn đề nằm ở chỗ quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước có thể mở rộng hoặc thu hẹp các đối tượng được đặc xá, điều kiện được đặc xá. Nói cách khác là luật đã trao cho người đứng đầu nhà nước chúng ta quyền linh hoạt, chủ động trong việc quyết định về thời điểm đặc xá, nghĩa là ngày lễ lớn nào, cách bao nhiêu năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm và thu hẹp hay mở rộng các điều kiện đối với người đặc xá.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại phiên họp

Xu thế chung ở trên thế giới cho nguyên thủ các quyền chủ động không bị giới hạn và hầu như không có nguyên thủ nào lạm dụng quyền này vì mọi hành động của nguyên thủ đều được người dân, truyền thông theo dõi và nguyên thủ thì phải chịu trách nhiệm chính trị trước quốc gia.

Đại biểu nhấn mạnh pháp luật của nước ta có một số quyết định tương tự như quy định về thẩm quyền của Chủ tịch nước đối với việc ân giảm án tử hình và cũng không kèm theo bất kỳ điều kiện gì. Trên thực tế điều kiện này không bị lạm dụng, nếu cho rằng số lượng người được đặc xá quá nhiều thì lỗi trước tiên phải là lỗi của bộ phận tham mưu, giúp việc đã không nắm sát tình hình mà không phải lỗi của luật.

Phân định rành mạch đặc xá so với các chính sách khoan hồng khác

Đại biểu Hoàng Văn Hùng - Thái Nguyên đề nghị cần quán triệt đúng quan điểm đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của nhà nước do Chủ tịch nước quyết định. Cần phân định rành mạch tính chất đặc trưng của đặc xá so với các chính sách khoan hồng khác để khắc phục tình trạng đặc xá với số lượng lớn và chưa thể hiện được tính đặc biệt trong việc hưởng ân huệ của người đứng đầu nhà nước đối với người phạm tội và cần đặt ra trong bối cảnh Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng đề nghị phân định rành mạch tính chất đặc trưng của đặc xá so với các chính sách khoan hồng khác

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị  nên sửa đổi điều kiện đối với người được đặc xá theo các quan điểm sau đây:

Thứ nhất là phải đặt trong sự so sánh giữa các chính sách khoan hồng khác nhau của chúng ta, như đại xá của Quốc hội, đặc xá của Chủ tịch nước, giảm án và tha tù trước thời hạn có điều kiện của Tòa án.

Thứ hai, phải bảo đảm sự chủ động, linh hoạt cần thiết và bảo đảm thẩm quyền đặc biệt cho Chủ tịch nước.

Thứ ba, phải bảo đảm đồng bộ với hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn.

Đồng thời, qua so sánh với các quy định đại xá của Quốc hội và giảm án tha tù của Tòa án quy định tại các điều 29, 62, 63, 64 và 66 của Bộ luật Hình sự, đại biểu đề nghị, không nên giới hạn đối tượng đặc xá chỉ là những người đã lập công lớn, người mắc bệnh hiểm nghèo vì quy định này không có ý nghĩa và có thể làm cho thẩm quyền của Chủ tịch nước không bằng thẩm quyền của thẩm phán. Tòa án hiện nay vẫn thường xuyên thực hiện thẩm quyền này, không cần phải vào ngày lễ, không có giới hạn về thời gian chấp hành án, thậm chí chỉ cần lập công, chứ không cần lập công lớn.

Thẩm quyền của Chủ tịch nước tha tù trước thời hạn trong dịp lễ lớn phải hẹp hơn thẩm quyền đại xá của Quốc hội, nhưng phải rộng hơn thẩm quyền của Tòa án khi xét giảm án thường xuyên và tha tù trước thời hạn được tiến hành hàng năm. Không nên điều chỉnh lại các điều kiện về thời gian đã chấp hành án đối với người đặc xá giống như điều kiện đối với tha tù trước thời hạn và cần lưu ý rằng khi chúng ta xây dựng Bộ luật Hình sự thì chúng ta đã chú ý đến các điều kiện này.

Bên cạnh đó, một số điều kiện đang phù hợp với thực tiễn thì không nên sửa đổi, ví dụ điều kiện về án tích, điều kiện chưa được đặc xá lần nào, điều kiện về chấp hành hình phạt bổ sung là tiền bồi thường thiệt hại đối với tội tham nhũng v.v... để bảo đảm cho việc đặc xá không làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội

Giải trình, làm rõ ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Công an Tô Lâm tiếp thu các ý kiến để chỉnh lý, hoàn thiện quy định trong dự thảo luật về một số nội dung mà các đại biểu quan tâm như: Tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự án luật, thời điểm đặc xá, điều kiện được đặc xá, đối tượng được đặc xá, trường hợp không đề nghị đặc xá, việc đặc xá đối với người nước ngoài, trình tự thực hiện việc đặc xá.

Bảo Yến - Nhóm ảnh