QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG (SỬA ĐỔI)

13/06/2018

Sáng ngày 13/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên họp

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) có bố cục gồm 11 Chương, 125 Điều, quy định về về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; việc xử lý tham nhũng và vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Tờ trình nêu rõ, dự thảo Luật quy định trách nhiệm phòng, chống tham nhũng nói chung của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước; đồng thời quy định về việc áp dụng bắt buộc một số biện pháp phòng ngừa tham đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ và thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện; đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành về sự cần thiết phải ban hành Luật cũng như mục tiêu xây dựng Dự án Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và các nội dung trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; cho rằng dự thảo luật đã được xây dựng khá toàn diện và tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

Từng bước mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước

Về mở rộng phạm vi điều chỉnh, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước vì cho rằng, trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh, cản trở hiệu quả của công tác phòng, chỗng tham nhũng khu vực nhà nước.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước sẽ góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị là “từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước”.

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa- tỉnh Nam Định phát biểu ý kiến

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa- tỉnh Nam Định cho rằng, giám đốc của một công ty cổ phần, không có vốn của nhà nước cũng có khả năng có hành vi tham nhũng, chiếm đoạt tài sản của công ty, làm suy yếu năng lực của công ty cũng như ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân, làm chậm sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Nữ đại biểu nhấn mạnh, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là rất cần thiết

Theo đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương- tỉnh Tây Ninh và đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền- tỉnh Nghệ An, việc mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước cũng sẽ bảo đảm đồng bộ với Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm hình sự của người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước về các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ yêu cầu tại Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ đồng thuận với việc mở rộng phạm vi áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng; các tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ, thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện (bỏ quy định áp dụng đối với quỹ đầu tư).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền- tỉnh Nghệ An phát biểu 

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, đồng thời đây là các chủ thể huy động vốn đóng góp của nhiều cổ đông hoặc thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện… do đó, cần có sự kiểm soát chặt chẽ để tránh việc người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ được giao hoặc thành lập doanh nghiệp “sân sau” để tham nhũng. Quy định này còn có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, thúc đẩy hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước.

Thận trọng trong xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc

Thảo luận về nội dung này, các đại biểu Quốc hội cho biết, đặc điểm xã hội nước ta là người dân (trong đó có cán bộ, công chức) có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế trong gia đình; tài sản của cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau (ngoài thu nhập từ lương thì nhiều người còn làm thêm để tăng thu nhập) và trong khi Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn; chưa quy định đánh thuế đối với tài sản... trong bối cảnh đó, việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề rất phức tạp.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương- tỉnh Tây Ninh phát biểu ý kiến

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư Pháp cũng nêu rõ, về mặt pháp lý, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về Nhà nước, do đó không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản do phạm tội tham nhũng mà có để tịch thu bằng biện pháp hình sự. Mặt khác, theo quy định của Bộ luật Dân sự về căn cứ xác lập quyền sở hữu và quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về nghĩa vụ chứng minh thì cũng không thể coi đó là tài sản của Nhà nước để xác lập quyền sở hữu nhà nước và cũng khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của người thay mặt Nhà nước đứng ra khởi kiện.

Tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, việc xử lý tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được Hiến định, nên việc xử lý như thế nào nào cần được cân nhắc rất thận trọng, có bước đi phù hợp để vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng, vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân.

Ngoài ra, các nội dung về thu hồi tài sản tham nhũng; thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập; đối tượng kê khai tài sản, thu nhập; thanh tra, kiểm tra đối với khu vực ngoài nhà nước … cũng được các đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến./.

Thu Phương – Nhóm ảnh