QUỐC HỘI THÔNG QUA LUẬT QUỐC PHÒNG (SỬA ĐỔI)

08/06/2018

Sáng ngày 08/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quốc phòng (sửa đổi) với 88,30% tổng số đại biểu biểu quyết tán thành.

Toàn cảnh phiên họp

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt cho biết, ngày 22/5/2018, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến tại hội trường về dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi).

Nhất trí cao với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật trẻ em (sửa đổi) với 435 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, bằng 89.32% tổng số đại biểu Quốc hội. Kết quả phiếu cho thấy: có 430 đại biểu tán thành, chiếm 88,30% tổng số đại biểu Quốc hội; 4 đại biểu không tán thành, chiếm 0,42%; 1 đại biểu không biểu quyết, chiếm 0,21% tổng số đại biểu.

Gồm 7 chương, 40 điều, Luật Quốc phòng (sửa đổi) quy định nguyên tắc, chính sách; hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt  trình bày Báo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 

Luật quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm trong đó có quy định nghiêm cấm chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, Nhân dân, Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; Thành lập, tham gia, tài trợ tổ chức vũ trang trái pháp luật; Điều động, sử dụng người, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trang bị, thiết bị, phương tiện để tiến hành hoạt động vũ trang khi chưa có lệnh hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc không có trong kế hoạch huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu đã được phê duyệt; Chống lại hoặc cản trở cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng để xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Phân biệt đối xử về giới trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

Về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, Luật nêu rõ: Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng là sự gắn kết mọi hoạt động quốc phòng với các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội có sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước để góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi)

Trong đó, nhiệm vụ kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng bao gồm: Nhà nước có kế hoạch, chương trình kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong từng thời kỳ;  Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Bộ, ngành, vùng, địa phương, các dự án quan trọng quốc gia, khu vực biên giới, hải đảo, địa bàn chiến lược phải kết hợp với quốc phòng, phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc; Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan lập kế hoạch về nhu cầu quốc phòng và khả năng kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội trong thời bình, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh; tổ chức, xây dựng khu kinh tế - quốc phòng; tổ chức, quản lý hoạt động của doanh nghiệp phục vụ quốc phòng và đơn vị quân đội được giao thực hiện nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng theo quy định của pháp luật, phù hợp với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Bộ, ngành, địa phương xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phải được Bộ Quốc phòng cho ý kiến, tham gia thẩm định theo quy định của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ phải tuân thủ yêu cầu về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng theo quy định của luật có liên quan; Một số dự án đầu tư xây dựng ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng phải có tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng.

Đối với thành phần, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân, Luật khẳng định: Lực lượng vũ trang nhân dân gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ. Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, Đảng và Nhà nước; có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hi; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, thành quả cách mạng; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Bên cạnh đó, các quy định về thiết quân luật; giới nghiêm; ban bố, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; đối ngoại quốc phòng, phòng thủ dân sự; công nghiệp quốc phòng, an ninh; động viên quốc phòng… cũng được quy định rất đầy đủ, cụ thể tại Luật Quốc phòng (sửa đổi).

Luật Quốc phòng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019./.

Thu Phương- Nhóm ảnh