THẢO LUẬN TỔ 06 KỲ HỌP THỨ 5 QUỐC HỘI KHÓA XIV: ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI TOÀN DIỆN LUẬT GIÁO DỤC

30/05/2018

Chiều 30/5, theo chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội làm việc tại Tổ, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Tại tổ 06 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng, Thái Bình, Bình Định, các đại biểu cho rằng cần phải nghiên cứu, rà soát, sửa đổi Luật Giáo dục một cách toàn diện.

Tổ đại biểu 06 thảo luận về luật giáo dục và luật giáo dục đại học

Sửa đổi toàn diện luật giáo dục

Về tên gọi và phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Thái Bình cho rằng dự thảo Luật lần này cần được nghiên cứu sửa đổi toàn diện, không nên chỉ là sửa đổi, bổ sung một số điều.

Luật Giáo dục cần được sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa các quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, thể hiện trong Nghị quyết số 29-NQ/TW của  Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).

Luật Giáo dục sẽ là luật khung cho các luật như Luật giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp… vì vậy cần phải sửa đổi một cách toàn diện và có tầm nhìn để các luật chuyên ngành khác có quy định thống nhất.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục

Tán thành với sự cần thiết sửa đổi bổ sung các luật về giáo dục, đại biểu Lý Tiết Hạnh- Bình Định cho biết, thời gian qua lĩnh vực giáo dục và đào tạo được cử tri đặc biệt quan tâm, thực tiễn đề ra yêu cầu phải sửa đổi. Cho rằng dự thảo đầu tiên của Luật giáo dục còn nhiều vấn đề cần tiếp thu chỉnh sửa, nhiều vấn đề mới cần có sự nghiên cứu đánh giá tác động kĩ lưỡng, song đại biểu cũng bày tỏ ủng hộ Ban soạn thảo thể hiện quyết tâm cao có tinh thần đổi mới trong sửa đổi bổ sung luật.

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải – Hải Phòng, dưới góc độ là 1 luật khung, luật cái trong lĩnh vực giáo dục được ban hành lần đầu 2005 và sửa đổi, bổ sung năm 2009 đến nay đã hơn 10 năm với nhiều vấn đề đặt ra. Trong bối cảnh nền giáo dục nước ta phải gánh trên vai trách nhiệm rất lớn phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước nếu lần này chỉ sửa đổi bổ sung một số điều sẽ không đáp ứng được yêu cầu. Do đó, cần phải sửa đổi một cách toàn diện trở thành Luật Giáo dục (sửa đổi) hoặc Luật Giáo dục 2018.

Đại biểu cũng chia sẻ sau khi ban hành Luật Giáo dục 2005 thì đến 2012 chúng ta lại ban hành Luật Giáo dục đại học và đến 2014 có Luật Giáo dục nghề nghiệp nhưng lại do Bộ Lao động, Thương bịnh và Xã hội quản lý. Điều này tạo ra tính phức tạp, không thống nhất trong hệ thống quản lý. Hướng đến sự thống nhất, phát triển đồng bộ, sau này có thể xem xét xây dựng một bộ luật về giáo dục.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tại phiên làm việc tổ

Cần quy định hợp lý về chính sách cho sinh viên sư phạm

Về chính sách cho học sinh, sinh viên, dự thảo Luật đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng quy định được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm. 

Đa số đại biểu tán thành với nội dung sửa đổi để thực hiện chính sách theo đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi với đối tượng làm việc trong ngành giáo dục; tránh lãng phí ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho người học trong tiếp cận chính sách; bổ sung quy định về việc hoàn trả đối với những người tự đóng học phí. 

Dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí, các đại biểu đều cho rằng, cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành giáo dục, làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Các đại biểu cũng cho rằng cần sửa đổi quy định có liên quan về tuyển sinh, đào tạo sư phạm; bổ sung các quy định nhằm nâng cao vị thế nhà giáo, xác định đúng vai trò, vị trí của nghề giáo để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục trong thời gian tới. 

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung bày tỏ băn khoăn hiện nay đầu vào của ngành sư phạm chưa có chọn lọc, đào tạo ngành sư phạm chưa có đánh giá đúng cung - cầu dẫn đến thực trạng thừa sinh viên. Đại biểu đặt câu hỏi, nếu thay đổi miễn giảm học phí bằng việc cho vay tín dụng thì những người tốt nghiệp trường sư phạm ra muốn thi vào ngành giáo viên nhưng các trường lại không có chỉ tiêu tuyển thì sẽ tính toán như thế nào? Khi sinh viên muốn làm việc trong ngành sư phạm nhưng không có điều kiện vào làm việc trong ngành thì việc hoàn trả khoản vay tín dụng sẽ tính như thế nào?

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại vấn đề này bởi quy định này chỉ thực hiện tốt khi ngành sư phạm xác định chỉ tiêu, cung - cầu, đảm bảo sinh viên sư phạm ra trường có việc làm.

Đồng tình quan điểm cho vay tín dụng đối với sinh viên sư phạm, đại biểu Nguyễn Văn Thân – Thái Bình nêu rõ, nếu sau khi ra trường người học làm trong ngành thì xóa nợ còn nếu làm ngành khác thì phải thu lại phần hỗ trợ. Cùng với đó khi thực hiện chính sách này Bộ phải xác định nhu cầu số lượng theo từng khu vực để xây dựng chính sách rõ ràng. Mặc dù là Luật khung, nguyên tắc nhưng Bộ cũng nên quan tâm đến thu nhập, tiêu chuẩn đãi ngộ cho giáo viên để quy đinh cụ thể trong luật, xác định được mức học phí cho vay hợp lý.

Quy định về các khoản thu dịch vụ trong trường học để tránh lạm thu

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung phát biểu tại phiên họp tổ

Đề nghị quy định chi tiết các khoản học phí và dịch vụ tại trường học, đại biểu Bùi Thanh Tùng - Hải Phòng cho rằng, hiện chúng ta bàn rất nhiều đến vấn đề xã hội hóa trong giáo dục, tuy nhiên vấn đề này đang bị hiểu sai và lạm dụng. 

Đại biểu cho biết, một số dịch vụ trong nhà trường như dịch vụ ăn uống trong trường bán trú, dịch vụ trông giữ xe... hiện không quy định chi tiết. Đây là những nhu cầu thực tiễn, nếu xảy ra sự cố thì nhà trường vẫn phải chịu trách nhiệm nhưng trong Luật lại không quy định các dịch vụ này. Vấn đề đặt ra là có nên đặt giá các dịch vụ giáo dục trong Luật hay không để giải quyết thực trạng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tục phải chỉ đạo không được lạm thu, trong khi phụ huynh học sinh thì bức xúc về những khoản thu không đúng quy định.

Đại biểu đề nghị nên luật hóa các dịch vụ giáo dục và có khung giá cụ thể để đảm bảo các thầy cô không phải lo các vấn đề là phải họp, thông qua ban phụ huynh học sinh để thu những khoản tiền đó.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung bổ sung, cần quy định rõ chức năng nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh vào trong luật để tránh tình trạng nhiều khoản thu nhà trường không thu được theo luật nhưng lại thu qua Ban đại diện cha mẹ học sinh dẫn đến lạm thu gây bức xúc trong xã hội.

Bài và ảnh: Bảo Yến