CẦN CÂN NHẮC QUY ĐỊNH MÔN BƠI LÀ MÔN HỌC BẮT BUỘC TRONG CHƯƠNG TRÌNH CHÍNH KHÓA

31/05/2018

Sáng 31/5, thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục - thể thao, các đại biểu cho rằng trước tình trạng đuối nước của trẻ em ngày càng nhiều cần quan tâm coi bơi là kỹ năng sống cần thiết và phải đưa vào chương trình học bắt buộc.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục-thể thao

Trước đó, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận lần đầu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục- thể thao. Theo đó một số ý kiến đại biểu cho rằng để khắc phục tình trạng đuối nước của trẻ em hiện nay, Dự thảo cần bổ sung quy định bơi là môn học bắt buộc trong chương trình chính khóa; đồng thời, đề nghị tăng tiết học môn giáo dục thể chất.

Tuy nhiên, một số đại biểu khác lại cho rằng, không nên quy định bơi là môn học bắt buộc, việc tăng hay giảm số tiết học môn giáo dục thể chất cần được nghiên cứu một cách tổng thể, có tính đến khả năng đáp ứng của điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.

Giải trình tiếp thu về vấn đề này, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ theo chương trình giáo dục, môn giáo dục thể chất là môn học bắt buộc trong chương trình chính khóa của mọi cấp học (giáo dục phổ thông, cao đẳng, đại học). Việc tăng hoặc giảm thời lượng môn giáo dục thể chất cần được xem xét trong tổng thể việc điều chỉnh chương trình giáo dục của các cấp học, bảo đảm sự phát triển toàn diện của học sinh, sinh viên và tính khả thi trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở phần lớn các cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được việc tổ chức dạy bơi. Hầu hết các trường chưa có bể bơi (chỉ có 0,4-0,6% số trường phổ thông và 13% số trường đại học có bể bơi). Nếu quy định bơi là môn học bắt buộc sẽ tạo áp lực đối với nhà trường, phụ huynh và bản thân học sinh, sinh viên, buộc các trường phải thực hiện trong điều kiện không thể sẽ dẫn đến hiện tượng làm theo hình thức, không hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật

Hiện nay, để khắc phục tình trạng đuối nước của trẻ em, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 05/2/2016 phê duyệt chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành trong việc kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông. 

Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của điều luật, phù hợp với điều kiện thực tiễn, Dự thảo được chỉnh lý theo hướng quy định trách nhiệm của Nhà nước và nhà trường trong việc ưu tiên phát triển môn bơi (khoản 1 Điều 21, khoản 6 Điều 22); giao trách nhiệm cho Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định trách nhiệm phối hợp của cơ sở thể thao công lập với cơ sở giáo dục để sử dụng công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường; đồng thời quy định nhà trường có trách nhiệm khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các môn thể thao dân tộc và thành lập câu lạc bộ thể thao của học sinh, sinh viên tại khoản 6 Điều 22.

Phát biểu tại hội trường, đồng tình với giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Dương Tấn Quân - Bà Rịa - Vũng Tàu nêu rõ, với đặc điểm nước ta có bờ biển dài hơn 3000km, nhiều sông hồ, kênh rạch và tình trạng đuối nước ở trẻ em diễn ra thường xuyên nếu môn bơi lội được đưa vào môn bắt buộc trong chương trình chính khóa thì rất tốt. Vì bơi không chỉ là kỹ năng sinh tồn mà còn là một môn rèn luyện thể chất hỗ trợ cho việc tăng cường tầm vóc, sức khỏe người Việt Nam.

Đại biểu Dương Tấn Quân bày tỏ tán thành với giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tuy nhiên, trong điều kiện nước ta hiện nay, việc quy định bơi là môn bắt buộc trong chương trình chính khóa là khó khả thi, hầu hết các trường đều chưa có bể bơi, giáo viên dạy bơi, việc đưa học sinh ra trường học đến bể bơi sẽ làm tốn kém về thời gian và phát sinh kinh phí làm gánh nặng cho học sinh, phụ huynh và nhà trường, đặc biệt là đối với vùng sâu vùng xa, vùng miền núi. Vì vậy, quy định như khoản 1 Điều 21 và khoản 6 Điều 22 của dự thảo là phù hợp với thực tiễn và điều kiện hiện nay, đồng thời cũng góp phần nâng cao trách nhiệm của nhà nước, nhà trường, xã hội và các cơ quan khác, ưu tiên phát triển môn bơi, khắc phục tình trạng đuối nước hiện nay.

Bày tỏ ủng hộ phương án sau giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đồng Tháp, chia sẻ thêm thông tin, qua tiến hành khảo sát, làm việc trực tiếp với một số trường ở các địa phương như là Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Vĩnh Phúc thì ý kiến của các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh hầu như đề xuất là chưa nên quy định việc coi bơi là môn học bắt buộc trong nhà trường do có rất nhiều vấn đề đặt ra như là về ngân sách, quỹ đất của các trường cũng không thể bảo đảm, đội ngũ giáo viên dạy bơi không thể đáp ứng. Đặc biệt nếu tính sang hình thức xã hội hóa thì vấn đề kinh phí cho việc hoàn thiện một môn học bắt buộc đối với học sinh, phụ huynh như thế nào thì cũng là một vấn đề mà các phụ huynh rất quan tâm.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương chia sẻ nếu quy định môn bơi là bắt buộc sẽ là gánh nặng đối với phụ huynh và học sinh

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Ninh Thuận, cho biết, nếu quy định môn học bơi là một môn học bắt buộc sẽ tạo áp lực rất lớn trong hoạt động đầu tư, trong bối cảnh khó khăn về ngân sách đầu tư, và sẽ tạo gánh nặng đối với gia đình và học sinh. Hiện nay nhiều học sinh bỏ học vì không có học phí để đóng chứ đừng nói chuyện phải xã hội hóa tham gia việc mời thầy cô để dạy bơi.

Đại biểu nhấn mạnh, nói đến thể dục, thể thao phải lưu ý đến sở thích, sở trường và sức khỏe từng học sinh, không phải em nào cũng bơi được. Tại cơ sở giáo dục, nhà trường hiện nay có miễn học thể dục đối với những học sinh không đảm bảo sức khỏe. Giờ đưa tiêu chí đánh giá thể chất của học sinh là phải biết bơi là khó khả thi và khổ cho học sinh.

Hãy để môn bơi được hình thành và phát triển theo nhu cầu người có sở trường, sở thích, theo hướng khuyến khích xã hội hóa để được đầu tư đa dạng hoạt động thể thao cho nhu cầu người dân.

Trong khi đó, đại biểu Dương Trung Quốc - Đồng Nai, lại cho rằng nên đưa vào trong luật như là một tiêu chí học sinh là phải biết bơi khi đó, tự nhiên trách nhiệm xã hội, trách nhiệm gia đình và trách nhiệm của nhà trường sẽ đào tạo các em biết bơi. Vấn đề là mục tiêu và có cách đi để làm sao cuối cùng chúng ta có một đội ngũ thế hệ trẻ có đủ kỹ năng để ứng phó với cuộc sống và sự phát triển của đất nước.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng phải đặt ra yêu cầu về kỹ năng bơi bắt buộc đối với học sinh

Quan điểm này của đại biểu Dương Trung Quốc cũng nhận được sự đồng tình cao của đại biểu Nguyễn Tạo - Lâm Đồng. Đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng nếu chỉ quy định khuyến khích môn bơi ngang với môn võ cổ truyền và thể thao dân tộc là chưa phù hợp và cần phải thiết kế lại nhấn mạnh đây là kỹ năng sống và bắt buộc.

Giải trình làm rõ nội dung này tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị Quốc hội cân nhắc quy định bắt buộc có môn bơi thì thực tế hiện nay rất khó khăn về cơ sở vất chất, đội ngũ huấn luyện viên, giáo viên…như báo cáo đã nêu. Tuy nhiên, trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, với mong muốn để người Việt Nam và đặc biệt là học sinh phải biết kỹ năng bơi bên cạnh việc quy định giao trách nhiệm cho các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định trách nhiệm phối hợp của cơ sở thể thao công lập với cơ sở giáo dục để sử dụng công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường trong đó có môn bơi thì Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để đáp ứng yêu cầu của đại biểu Quốc hội./.

Bảo Yến - Nhóm ảnh

Các bài viết khác