CẦN THỐNG NHẤT CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

27/05/2018

Theo chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, ngày 25-26/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và NSNN năm 2017 và tình hình những tháng đầu năm 2018. Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu cho rằng ảnh hưởng của biến đối khí hậu đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nặng nề, cần có các giải pháp kịp thời.

Toàn cảnh phiên họp toàn thể thảo luận tình hình kinh tế xã hội sáng 25/5 của Quốc hội

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đồng Tháp phản ánh, tình trạng sạt lở bờ sông, sói lở bờ biển tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục diễn biến phức tạp từ bờ biển Cà Mau đến bờ sông Tiền, An Giang, Đồng Tháp. Gần đây lại sạt lở nghiêm trọng ở Cần Thơ làm thiệt hại lớn về tài sản, tính mạng của người dân nhưng chậm có giải pháp khắc phục hữu hiệu.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Kiên Giang cho biết thêm, với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long đang gánh chịu hậu quả nặng nề như nước mặn xâm nhập vào vào đồng ruộng sông ngòi, cánh đồng phì nhiêu tràn ngập phèn mặn, kênh rạch bờ sông đang sạt lở tứ bề, bệnh dịch xuất hiện nhiều.  Người nông dân trong vùng phải lao đao trước cánh đồng từng là "bờ xôi ruộng mật" của mình. Đại biểu cho rằng nếu như không kịp thời có hành động bảo vệ thì với những gì đang diễn ra báo hiệu vùng đồng bằng phì nhiêu sắp trở thành vùng cằn cỗi.

Đại biểu Lưu Thành Công phát biểu tại hội trường

Đại biểu Lưu Thành Công - Vĩnh Long cho biết, trước nguy cơ tác hại của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ kịp thời cho khó khăn của nông dân trong vùng, có những chính sách đầu tư đặc thù cho đồng bằng từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Dù vậy, đến nay đồng bằng sông Cửu Long vẫn là một vùng có kết cấu hạ tầng kém nhất của cả nước. Cử tri đề nghị Chính phủ có giải pháp kịp thời, nhanh chóng và đồng bộ hơn trong chỉ đạo cơ cấu lại nông nghiệp cho cả nước và cho đồng bằng sông Cửu Long.

Sớm triển khai hiệu quả Nghị quyết về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long

Đại biểu Phạm Văn Hòa chia sẻ, cán bộ, đảng viên, cử tri và nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long phấn khởi tin tưởng vào Nghị quyết 120 ngày 17/ 11/ 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong nghị quyết đã đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cả vùng. Đó là xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện của vùng trên cơ sở tích hợp thống nhất các quy hoạch ngành, địa phương và sản xuất sản phẩm chủ lực. Giải quyết đồng bộ các vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh. Đảm bảo tính liên kết giữa các địa phương trong vùng với các khu vực khác dựa trên nguyên tắc hài hòa lợi ích của các bên liên quan, hài hòa giữa điều kiện tự nhiên về đất, nước, hệ sinh thái và văn hóa, con người. Khắc phục tình trạng chồng chéo, phối hợp thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý nhà nước, thiếu các cơ chế, chính sách, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả vùng, tạo nên các liên kết chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản trong vùng.

Về tổ chức thực hiện Nghị quyết 120, Chính phủ giao trách nhiệm cho 16 bộ ngành, Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.Tuy nhiên đại biểu bày tỏ còn băn khoăn về cách thức tổ chức thực hiện nghị quyết này để đi vào cuộc sống trong bối cảnh sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra này càng nhanh, phức tạp khó lường. Điều này cũng là thắc mắc của cử tri và nhân dân trong vùng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị sớm chỉ đạo thống nhất triển khai đồng bộ Nghị quyết 120 của Chính phủ

Nghị quyết của Chính phủ đề ra có những mục tiêu trong ngắn hạn và tầm nhìn dài hạn về sự phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên nước đang đe dọa gần 20 triệu dân đồng bằng. Tuy nhiên, việc phân công trách nhiệm chưa thật chặt chẽ, chưa có tiến độ tổng thể từ quy hoạch tích hợp cho đến triển khai các giải pháp công trình và phi công trình, chưa có quy định rõ cơ quan nào là đầu mối chịu trách nhiệm chính trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao.  Vì vậy, dù được ban hành hơn 6 tháng nay những sự chuyển động nguồn lực triển khai Nghị quyết còn rất chậm.

Một tín hiệu đáng mừng là Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chi 1500 tỷ đồng để khắc phục hậu quả sạt lở, song theo đại biểu Phạm Văn Hòa cần có giải pháp đồng bộ, lâu dài; phải có giải pháp để chuyển tính thích ứng với biến đổi khí hậu xuống đến cấp cộng đồng dân cư, người dân và đặt trong bối cảnh tổng thể của các vùng.

Đề nghị Nghị quyết 100, Nghị quyết 120 của Chính phủ sớm được triển khai thực hiện thì phải có sự kết hợp đồng bộ, chỉ huy thống nhất của Chính phủ, không thể để các bộ, ngành, điạ phương trong vùng tự thực hiện riêng lẻ. Đề nghị Chính phủ phân công cụ thể một Phó Thủ tướng Chính phủ thay mặt Thủ tướng Chính phủ đảm nhiệm nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, tổ chức thực hiện có như vậy nghị quyết mới sớm triển khai đi vào cuộc sống, đáp ứng mong đợi, kỳ vọng của nhân dân./.

Bảo Yến