VIỆC SỬ DỤNG CHI PHÍ QUẢN LÝ CÔNG KHAI, MINH BẠCH, HIỆU QUẢ TẠO NGUỒN LỰC CHỦ ĐỘNG CHO BHXH VIỆT NAM TRIỂN KHAI KỊP THỜI NHỮNG NHIỆM VỤ MỚI

15/05/2018

Chiều 15/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016 – 2018 và đề xuất chi phí quản lý gai đoạn 2019 – 2021.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc

Thay mặt Ủy ban Về các vấn đề xã hội trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh nêu rõ: Thực hiện thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 90 Luật Bảo hiểm xã hội, điểm e, Khoản 3 Điều 57 Luật Việc làm và Điều 3 Nghị quyết 1083, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý cho công tác xây dựng, giao dự toán và xác định chi phí quản lý BHXH, BHTN. Trên cơ sở đó, hàng năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao dự toán thu, chi cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam , trong đó xác định chi phí quản lý cụ thể. Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền thực hiện việc điều chỉnh dự toán trong trường hợp Nhà nước ban hành chính sách, chế độ mới làm thay đổi dự toán. Riêng năm 2016, nội dung ủy quyền bao gồm cả việc điều chỉnh dự toán theo thực tế mức tăng, giảm đối tượng tham gia, đối tượng thụ hưởng là chưa phù hợp với phương thức giao dự toán thu, chi.

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra

Về thực hiện chi phí quản lý giai đoạn 2016 – 2018, Ủy ban thẩm tra thấy rằng, Báo cáo của Chính phủ đã tổng hợp đầy đủ và thuyết minh chi tiết tình hình thực hiện dự toán chi phí quản lý cả giai đoạn và theo từng năm, đánh giá khá toàn diện mặt được, mặt hạn chế và làm rõ các nguyên nhân. 

Việc bố trí chi phí quản lý BHXH, BHTN giai đoạn 2016 - 2018 được thực hiện đúng quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm và Nghị quyết 1083, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành và các cơ quan có liên quan  thực hiện các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn về an sinh xã hội; sử dụng chi phí quản lý công khai, minh bạch, hiệu quả; tạo nguồn lực chủ động cho BHXH Việt Nam triển khai kịp thời những nhiệm vụ mới theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công trong giải quyết chế độ BHXH. Ưu tiên bố trí kinh phí cho đầu tư, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa quản lý đã mang lại hiệu quả thiết thực phục vụ công tác thực hiện chế độ, chính sách và quản lý quỹ. Đến nay, BHXH Việt Nam đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình, dữ liệu quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và xây dựng hệ thống cấp số định danh quản lý người tham gia thống nhất trên phạm vi toàn quốc  bước đầu đạt kết quả tốt, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giảm tình trạng trốn đóng, nợ đọng và trục lợi quỹ BHXH.

Đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành tham dự Phiên họp

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo thẩm tra cũng chỉ rõ một số vấn đề cần quan tâm của ngành, cụ thể: Kết quả thực hiện chi phí quản lý BHXH các năm 2016, 2017 tuy bảo đảm tỷ lệ theo quy định nhưng mức tiền đều tăng so với dự kiến chi phí quản lý được Chính phủ trình tại Báo cáo số 480/BC-CP ngày 09/10/2015 đề xuất chi phí quản lý BHXH giai đoạn 2016 – 2018, cụ thể: năm 2016 tăng 6,2% (612 tỷ); năm 2017 tăng 13% (1.385 tỷ); dự kiến năm 2018 tăng 21% (2.403 tỷ). Điều này cho thấy, việc dự báo đối tượng tham gia và đối tượng thụ hưởng chưa sát với những thay đổi chính sách đã được quy định trong Luật BHXH 2014. Bên cạnh đó, báo cáo chưa thể hiện rõ mối quan hệ giữa cải cách thủ tục hành chính và việc giảm chi phí quản lý, trong đó có việc giảm thời gian thực hiện các thủ tục kê khai tham gia, nộp tiền đóng đã giảm từ 335 giờ xuống chỉ còn 45 giờ. Bên cạnh đó, khi xây dựng nhu cầu chi phí quản lý BHXH giai đoạn 2016 - 2018 chưa dự báo một số chi phí lớn để triển khai một số nhiệm vụ mới phát sinh theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; một số nội dung chi được dự toán chưa sát, có sự chênh lệch lớn, BHXH Việt Nam phải sắp xếp kinh phí trong phạm vi dự toán được giao để bảo đảm nguồn lực thực hiện nhiệm

Toàn cảnh Phiên họp

Trên cơ sở một số vấn đề còn tồn tại, Ủy ban thẩm tra đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội tổ chức thực hiện nhiệm vụ gắn hiệu quả sử dụng chi phí quản lý với kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ; đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHXH; cơ cấu, tổ chức lại bộ máy, cán bộ BHXH theo định biên vị trí việc làm phù hợp với nhiệm vụ được giao trên cơ sở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật  và thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 39/NQ-TW ngày 17/04/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Đề nghị Chính phủ quan tâm rà soát để hạn chế việc chuyển nguồn kết dư chi phí quản lý BHXH hàng năm để đảm bảo kỷ luật tài chính; đôn đốc để có giải pháp thu hồi các khoản đầu tư kém hiệu quả./.

Hồ Hương- Quang Minh

Các bài viết khác