QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP TÒA ÁN NHÂN DÂN, VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ PHÚC YÊN, TỈNH VĨNH PHÚC

15/05/2018

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 24, chiều 15/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định thành lập Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Toàn cảnh Phiên họp

Tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao do Phó Viện trưởng Nguyễn Hải Phong trình bày cho biết, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Phúc Yên khi được thành lập là một đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Biên chế của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Phúc Yên được kế thừa  trên cơ sở số lượng biên chế của Viện kiểm sát nhân dân thị xã Phúc Yên đã được phân bổ 12 biên chế (hiện nay đã thực hiện đủ 12 biên chế); cơ cấu tổ chức, bộ máy gồm có Viện trưởng, 02 Phó Viện trưởng, 08 công chức làm chuyên môn nghiệp vụ và kế toán, 02 Hợp đồng lao động theo Nghị định 68/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính Phủ. Cơ cấu ngạch công chức của đơn vị này gồm: 02 Kiểm sát viên trung cấp, 06 Kiểm sát viên sơ cấp, 03 Chuyên viên, 01 cán sự, 01 Kế toán trưởng và 02 Hợp đồng theo Nghị định 68/NĐ-CP.

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong trình bày tờ trình

Đảm bảo nguồn lực cho Viện kiểm sát nhân dân thành phố Phúc Yên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân theo luật định, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của toàn ngành cũng như phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương; Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục kế thừa toàn bộ số lượng công chức, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Viện kiểm sát nhân dân thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay để trước mắt bảo đảm hoạt động cho Viện kiểm sát nhân dân thành phố Phúc Yên ngay sau khi được thành lập.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Thuận trình bày tờ trình

Thay mặt Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó Chánh án Nguyễn Văn Thuân trình bày tờ trình nêu rõ, căn cứ Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa án nhân dân thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Để bảo đảm ổn định, đi vào hoạt động sau khi được thành lập, Tòa án nhân dân thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ kế thừa toàn bộ số lượng biên chế, Thẩm phán và trụ sở, cơ sở vật chất, các phương tiện làm việc của Tòa án nhân dân thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay.

Thẩm tra các Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, căn cứ các quy định tại khoản 4 Điều 3, Điều 4 và khoản 10 Điều 27 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; căn cứ các quy định tại khoản 4 Điều 40, Điều 49 của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và Nghị quyết số 484/NQ-UBTVQH14 ngày 07 tháng 02 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc (Nghị quyết số 484/NQ-UBTVQH14), Uỷ ban Tư pháp tán thành với Tờ trình của Chánh án TANDTC và Tờ trình của Viện trưởng VKSNDTC đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc trên cơ sở Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân thị xã Phúc Yên. Cũng theo báo cáo thẩm tra, thực hiện Nghị quyết số 484/NQ-UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đến nay Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan, tổ chức khác của thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã được thành lập và hoạt động. Vì vậy, việc thành lập Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc là cần thiết, bảo đảm phù hợp, đồng bộ trong hệ thống chính trị.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra

Uỷ ban Tư pháp cũng tán thành với TANDTC, VKSNDTC về phương án biên chế, tổ chức bộ máy và các điều kiện bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Phúc Yên. Theo đó, trước mắt sau khi được thành lập, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ kế thừa toàn bộ số lượng biên chế, tổ chức bộ máy và các điều kiện bảo đảm khác như: trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thị xã Phúc Yên hiện nay. Như vậy, sau khi được thành lập, các đơn vị này sẽ đủ điều kiện và bảo đảm hoạt động được ngay.

Các đại biểu biểu quyết tán thành việc thành lập VKS và TAND thành phố Phúc Yên

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá hồ sơ trình được làm theo đúng quy định của Luật Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân; nội dung trình đảm bảo các quy định của pháp luật hiện hành.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành cao việc thành lập Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Hồ Hương- Quang Minh

Các bài viết khác