ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI TÁN THÀNH BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHI PHÍ QUẢN LÝ BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

15/05/2018

Chiều 15/5, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016 – 2018 và đề xuất chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019 – 2021. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc

Thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016 – 2018 và đề xuất chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019 – 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự kiến đến hết năm 2018 tổng số đối tượng quản lý của ngành BHXH đạt khoảng hơn 80 triệu người, trong đó có hơn 14 triệu người tham gia BHXH, hơn 12 triệu người tham gia BHTN, hơn 80 triệu người tham gia BHYT bằng 85, 2% dân số; tiếp tục cắt giảm 4 thủ tục hành chính đưa số thủ tục hành chính từ 32 xuống còn 28 thủ tục, cung cấp 14 dịch vụ công; việc bố trí dự toán chi phí quản lý giai đoạn 2016-2018 đảm bảo đúng quy định tại Nghị quyết số 1083 và  Luật Bảo hiểm y tế; ngành đã chủ động trong bố trí và sử dụng kinh phí để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình

Cũng theo đề xuất của Chính phủ, nhu cầu chi phí quản lý từng năm và cả giai đoạn 2019 – 2021  được tính trên cơ sở dự toán, theo đó quy định chi phí quản lý BHXH, BHTN giai đoạn 2019-2021 tính trên tổng thu và chi và quy định: Mức chi phí quản lý BHXH, BHTN năm 2019 bằng 2,15%; năm 2020 bằng 2,0%; năm 2021 bằng 1,85% dự toán thu, chi BHXH, BHTN (trừ số chi đóng BHYT cho người hưởng BHXH). Bình quân giai đoạn này bằng 2,0% tính trên dự toán thu, chi BHXH, BHTN, giảm 13% so giai đoạn 2016-2018.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Báo cáo của Chính phủ đã tổng hợp đầy đủ và thuyết minh chi tiết tình hình thực hiện dự toán chi phí quản lý cả giai đoạn và theo từng năm, đánh giá khá toàn diện mặt được, mặt hạn chế và làm rõ các nguyên nhân:

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra

Về kết quả đạt được, việc bố trí chi phí quản lý BHXH, BHTN giai đoạn 2016 - 2018 được thực hiện đúng quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm và Nghị quyết 1083/2015/QH13 ngày 16/12/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tạo nguồn lực chủ động cho BHXH Việt Nam triển khai kịp thời những nhiệm vụ mới theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công trong giải quyết chế độ BHXH. Bên cạnh đó, công tác thu, chi các chế độ bảo đảm cân đối quỹ; việc chi trả các chế độ BHXH, BHTN bảo đảm đúng, đủ và kịp thời; đầu tư an toàn và bảo toàn tăng trưởng quỹ; Công tác cải cách hành chính trong thực hiện chính sách đạt được nhiều kết quả đột phá, đã cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. Cơ quan BHXH Việt Nam đã thăng hạng 18 bậc so với năm 2016, vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng chung về dịch vụ công của 25 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; góp phần tăng thứ hạng về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Về đề xuất chi phí quản lý 2019- 2021, Ủy ban thẩm tra thống nhất với Chính phủ về căn cứ pháp lý làm cơ sở để xác định chi phí quản lý BHXH, BHTN cho giai đoạn 2019 - 2021, đồng thời đề nghị Chính phủ cần quan tâm bảo đảm gắn hiệu quả sử dụng chi phí quản lý với kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN hằng năm với việc sắp xếp, tổ chức bộ máy BHXH tinh gọn, hiệu quả, thực hiện theo định biên vị trí việc làm phù hợp, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng phục vụ và củng cố niềm tin của nhân dân vào vai trò trụ cột của BHXH, BHYT, BHTN đối với an sinh xã hội; tích cực hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin, vận hành ổn định, thông suốt hệ thống cơ sở dữ liệu, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; nâng cao tính công khai, minh bạch, tiết kiệm.

Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tán thành nội dung của tờ trình và báo cáo thẩm tra

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự nhất trí cao đối với nội dung báo cáo của Chính phủ về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016 – 2018 và đề xuất chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019 – 2021. Theo đó mức chi phí quản lý BHXH, BHTN bình quân giai đoạn 2019 – 2021 bằng 2,0% tính trên dự toán thu, chi BHXH, BHTN. Cơ chế tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an, người lao động thực hiện chính sách BHTN của ngành lao động - thương binh và xã hội bằng 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ mức chi phí quản lý BHXH, BHTN bình quân giai đoạn 2019 – 2021 bằng 2,0% tính trên dự toán thu, chi;  nhất trí với chế độ tiền lương cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an, người lao động thực hiện chính sách BHTN của ngành lao động - thương binh và xã hội bằng 1,8 lần so với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định. Trường hợp Nhà nước ban hành chế độ tiền lương mới theo lộ trình cải cách tiền lương thì thực hiện theo chế độ tiền lương mới. Đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục coi trọng công tác tuyên truyền việc thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT gắn với việc sắp xếp, bố trí cán bộ và giảm biên chế trong hệ thống; nâng cao và bảo đảm chất lượng hiện đại hóa công tác quản lý BHYT để giảm các chi phí khác./.

 

 

Hồ Hương- Quang Minh

Các bài viết khác