CAN THIỆP HÒA NHẬP CHO TRẺ TỰ KỶ Ở MÔI TRƯỜNG MẪU GIÁO

20/04/2018

Sáng 19/4, thảo luận tại tọa đàm về vấn đề tự kỷ ở trẻ em Việt Nam do Ủy ban Về các vấn đề xã hội phối hợp với Bộ lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức, một số đại biểu đưa ra quan điểm cần có sự can thiệp cho trẻ tự kỷ ngay từ môi trường mẫu giáo.

Đại diện chuyên gia phát biểu tại tọa đàm

Theo phân tích của một số chuyên gia tham dự tọa đàm, tự kỷ và rối loạn phổ tự kỷ là hai thuật ngữ được sử dụng để chỉ một nhóm các rối loạn phức tạp của sự phát triển não bộ. Các rối loạn này gây ra những khó khăn trong tương tác xã hội, giao tiếp, ngôn ngữ và hành vi lặp lại ở những mức độ khác nhau. Là một dạng khuyết tật suốt đời, bộc lộ ngay từ những năm đầu đời, tự kỷ có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo và địa vị xã hội. Tự kỷ có nguồn gốc từ trong giai đoạn phát triển rất sớm của não bộ. Tuy nhiên, những dấu hiệu và triệu chứng rõ ràng nhất của tự kỷ thường xuất hiện khi trẻ nằm trong độ tuổi từ 2-3 tuổi.

Đại biểu tham dự phát biểu ý kiến

Các nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, tỉ lệ trẻ tự kỷ trong cộng đồng dao động từ 0,5% đến 1%, đồng nghĩa với việc cứ 100 trẻ em sinh ra thì có 1 trẻ mắc phải rối loạn này. Hiện chưa có con số chính thức về số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ nhưng theo thống kê sơ bộ của Bộ lao động Thương Binh và Xã hội, nước ta có khoảng 200.000 trẻ em mắc chứng tự kỷ.  Số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ đến khám năm 2007 tăng gấp 50 lần so với thời điểm 7 năm trước đó, xu thế mắc cũng tăng nhanh từ 122% đến 268% trong giai đoạn 2004-2007.

Một số đại biểu tham dự tọa đàm cũng chỉ ra rằng, cho đến nay vẫn chưa có một loại thuốc hoặc một phương pháp cụ thể nào được đánh giá là có thể chữa khỏi hoàn toàn rối loạn tự kỷ. Tuy nhiên có một số phương pháp điều trị và can thiệp có thể giúp người mắc tự kỷ có khả năng độc lập, hòa nhập cộng đồng, học tập và lao động. Hiệu quả của các can thiệp điều trị này phụ thuộc vào thời gian can thiệp, nếu can thiệp càng sớm càng có hiệu quả cao. Cũng theo các đại biểu, điểm cốt lõi trong rối loạn phổ tự kỷ là khó khăn về tương tác giao tiếp, do đó can thiệp để thúc đẩy và cải thiện năng lực, nhu cầu giao tiếp ở trẻ là mục tiêu quan trọng.

Các nhà nghiên cứu đưa ra quan điểm

Nhìn từ góc độ nghiên cứu chuyên môn, một số đại biểu khẳng định giai đoạn mầm non là giai đoạn giáo dục quan trọng nhất để phát triển kỹ năng giao tiếp. Vào thời điểm này, nếu các trẻ tự kỷ có giáo viên chuyên biệt hỗ trợ được tham gia các hoạt động tại môi trường mầm non thì các con sẽ nhanh chóng học được những kỹ năng và thúc đẩy nhu cầu, động lực giao tiếp.

Xác định việc can thiệp hỗ trợ cho trẻ tự kỷ ngay từ giai đoạn mầm non là rất quan trọng, tuy nhiên các đại biểu tham dự tọa đàm đã đưa ra một thực tế rằng, hiện nay tại Việt Nam việc hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ đang gặp một số vướng mắc, cụ thể: không ít phụ huynh vẫn còn giấu diếm tình trạng của con khi đi xin học vì sợ bị phân biệt đối xử; một số trường mầm non không muốn tiếp nhận trẻ tự kỷ vì lo ngại áp lực từ các phụ huynh khác; đội ngũ giáo viên chuyên biệt đi kèm các trẻ tự kỳ vẫn còn rất ít. Xuất phát từ những vướng mắc trên, các đại biểu tham dự tọa đàm đề nghị Bộ chủ quản và các cơ quan quản lý nhà nước cần nhận thức rõ được nhưng tồn tại trên đưa ra các biện pháp cụ thể để hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ với thời gian càng sớm càng tốt; đồng thời nghiên cứu và xây dựng văn bản pháp lý để quy định cụ thể về chính sách đối với nhóm đối tượng trên./.

Toàn cảnh tọa đàm

 

 

Hồ Hương