PHIÊN HỌP MỞ RỘNG GÓP Ý VỀ DỰ ÁN LUẬT HÀNH CHÍNH CÔNG

19/04/2018

Chiều 19/4, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ban soạn thảo Luật Hành chính công tổ chức Phiên họp mở rộng góp ý về dự án Luật hành chính công, tập trung về chương quản lý và cung ứng dịch vụ công. Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công Trần Thị Quốc Khánh chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp còn có nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến, thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật hành chính công, đại diện lãnh đạo các Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin- Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ…, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân Tp. Hà Nội cùng chuyên gia, nhà khoa học của các Viện, trường.

Ban soạn thảo Luật Hành chính công họp phiên mở rộng góp ý về dự thảo Luật

Dự án Luật Hành chính công được xây dựng với mục tiêu thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và các Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; cụ thể hóa các nguyên tắc của Hiến pháp 2013 về quản lý hành chính nhà nước và cung ứng dịch vụ công; khắc phục những bất cập, hạn chế, khó khăn trong thực tiễn xây dựng, thực hiện pháp luật hành chính công; góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; xây dựng Chính phủ kiến tạo, nền hành chính phục vụ hiện đại, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội bền vững, bảo đảm quốc phòng- an ninh, hội nhập quốc tế; đồng thời góp phần tạo sự chuyển biến tích cực mối quan hệ nhà nước với công dân.

Theo Ban soạn thảo dự án Luật, vấn đề quản lý và cung ứng dịch vụ công trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từ trước đến nay chưa được quan tâm nghiên cứu, quy định thống nhất trong luật mà chỉ quy định rải rác trong các luật chuyên ngành với khái niệm và cơ chế pháp lý khác nhau. Chưa nghiên cứu áp dụng luận cứ khoa học về tổ chức, hành chính để có sự phân biệt giữa các khái niệm dịch vụ công, dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích… Đây cũng là một trong những yếu tố khiến chưa phân biệt được trên thực tế đâu là bộ phận phải xã hội hóa, tinh giản biên chế. Cùng với đó là việc quản lý dịch vụ công; sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập còn lúng túng ở các cấp, ngành. Đặc biệt, việc đẩy mạnh xã hội hóa cung ứng dịch vụ công còn nhiều khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực.

Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công Trần Thị Quốc Khánh phát biểu tại phiên họp

Trên cơ sở rà soát các quy định hiện hành, Ban soạn thảo dự kiến luật hóa một số quy định hiện hành nhằm quản lý, cung ứng dịch vụ công theo hướng quy định mang tính nguyên tắc chung. Một số quy định tại các nghị định, nghị quyết của Chính phủ đã có tác dụng tốt trong thực tiễn cũng sẽ được luật hóa, quy định cụ thể trong dự thảo Luật.

Theo đó, quản lý và cung ứng dịch vụ công được quy định thành một chương riêng trong dự thảo luật. Các nội dung chính gồm quản lý dịch vụ công; quản lý dịch vụ hành chính công; quản lý dịch vụ sự nghiệp công; quản lý dịch vụ công ích; yêu cầu cung ứng dịch vụ hành chính công; phương thức, thẩm quyền, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ hành chính công; yêu cầu, phương thức, thẩm quyền cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích…

PGS.TS Vũ Trọng Hách, Học viện Hành chính quốc gia, tán thành với sự cần thiết và quan điểm xây dựng Luật của Ban soạn thảo theo hướng quy định khung, nguyên tắc trong quản lý hành chính công

Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu đều đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Hành chính công trong việc tạo ra khung pháp lý hoàn chỉnh góp phần chuyển đổi nền hành chính mệnh lệnh, giấy tờ, xin cho sang nền hành chính phục vụ, điện tử, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý hành chính công, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Đa số ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh được quy định trong dự thảo Luật vì cho rằng, khái niệm hành chính công theo nghĩa rộng thì còn nhiều vấn đề khác như: tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính công, quản trị doanh nghiệp nhà nước, quản lý các tổ chức phi chính phủ... Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh trong dự thảo Luật Hành chính công tập trung vào những nội dung điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước và người dân, doanh nghiệp, cho nên những vấn đề về thủ tục hành chính, quản lý và cung ứng dịch vụ công, hành chính điện tử... có quan hệ biện chứng, logic với nhau. Trong khi đó, những vấn đề này chưa được quy định ở tầm luật mà mới chỉ được quy định trong các văn bản dưới luật. Kinh nghiệm các nước xây dựng Luật hành chính công cũng chỉ quy định một số vấn đề của nền hành chính. Có ý kiến đề nghị, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật nên tập trung vào ba nhóm vấn đề: thủ tục hành chính; phân cấp, phân quyền trong cung ứng dịch vụ hành chính công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cung ứng dịch vụ hành chính công.

Đại diện Bộ Xây dựng đề nghị Ban soạn thảo rà soát, quy định chi tiết một số điều luật để bảo đảm tính khả thi

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng sau nhiều năm đổi mới thủ tục hành chính giữa cá nhân, tổ chức với nhà nước được thúc đẩy cải thiện, đơn giản hóa, nhanh, hiệu quả hơn nhiều lần thì thủ tục giữa các cơ quan nhà nước với nhau và trong nội bộ cơ quan lại rất chậm cải cách. Chính những khúc mắc, thiếu đồng bộ trong giải quyết thủ tục hành chính giữa các cơ quan nhà nước và nội bộ cơ quan ảnh hưởng rất nhiều đến việc giải quyết các thủ tục cho người dân, doanh nghiệp, làm giảm hiệu quả hoạt động của các cơ quan. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét điều chỉnh thủ tục hành chính nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước trong dự thảo luật.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát nhằm bảo đảm dự thảo luật không trùng lắp với các văn bản luật hiện hành có liên quan; làm rõ mối quan hệ của Luật Hành chính công với các luật khác trong hệ thống pháp luật; đánh giá kỹ lưỡng hơn thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành trong hồ sơ dự án luật để tăng tính thuyết phục khi trình dự án. Đồng thời, cần rà soát các quy định, hoàn thiện kỹ thuật văn bản bảo đảm tính quy phạm, tính chính xác, cụ thể, dễ hiểu… để sau khi được ban hành và triển khai, luật có tính khả thi cao và đi vào thực tiễn./.

Bảo Yến