KHẮC PHỤC NHỮNG TỒN TẠI TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁC DỰ ÁN LUẬT TRÌNH RA QUỐC HỘI

16/04/2018

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, chiều 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; điều chỉnh Chương trình năm 2018. Tại phiên thảo luận, một số thành viên Ủy ban Thường vụ bày tỏ sự quan tâm đến những hạn chế vẫn còn tồn tại trong công tác xây dựng luật.

Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết năm 2017 các bộ, cơ quan ngang bộ đã tích cực triển khai nhiệm vụ, chuẩn bị tốt một số lượng lớn dự án trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng các dự án để đề xuất đưa vào Chương trình năm 2019, điều chỉnh Chương trình năm 2018. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, các bộ, cơ quan ngang bộ đã quan tâm, đầu tư thời gian và nguồn lực nhiều hơn cho công tác xây dựng thể chế, đặc biệt là việc nghiên cứu, đề xuất các dự án luật theo ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và việc rà soát sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư, kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy hoạch. Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ thường xuyên đôn đốc và chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương lập đề nghị xây dựng các dự án Luật nêu trên.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, thời gian qua, thực hiện các quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động lập pháp đã được cải tiến trong tất cả các khâu. Công tác lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh được Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan quan tâm, tích cực và chủ động hơn. Công tác soạn thảo, thẩm định được coi trọng và dành nhiều thời gian, công sức thực hiện. Chính phủ bố trí nhiều thời gian hơn và tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật để thảo luận, cho ý kiến về các dự án. Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tập trung thực hiện tốt hơn nhiệm vụ thẩm tra các dự án, tích cực thực hiện việc tiếp thu, chỉnh lý dự án sau khi được Quốc hội cho ý kiến. Trong số 12 dự án Luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý có 06/12 dự án được Ủy ban chủ trì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sớm hơn so với kế hoạch, 05/12 dự án bảo đảm tiến độ, chỉ có 01/12 dự án phải lùi thời gian cho ý kiến một phiên họp. Có 09/19 dự án luật thông qua năm 2017 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại 3 Phiên họp, 02/19 dự án được cho ý kiến tại 4 phiên họp chưa tính các lần xin ý kiến bằng văn bản. Mỗi lần cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có kết luận cụ thể về từng dự án; với một số dự án quan trọng, nội dung phức tạp, đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến. Các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội dành nhiều thời gian hơn cho việc tổ chức góp ý xây dựng các dự án luật. Lãnh đạo Quốc hội cũng trực tiếp chủ trì nhiều cuộc họp với các cơ quan liên quan để chỉ đạo việc hoàn thiện các dự thảo trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian thảo luận tại Hội trường được tăng thêm, tính đối thoại và tranh luận, phản biện trong phát biểu của đại biểu Quốc hội được tăng cường, các luật được thông qua trong năm 2017 với số phiếu rất cao. Công tác chỉnh lý kỹ thuật văn bản ngày càng đi vào nền nếp. Tình trạng nợ đọng văn bản dần được khắc phục...

Toàn cảnh Phiên họp

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, việc lập và triển khai Chương trình vẫn còn những hạn chế: Hồ sơ đề nghị xây dựng một số dự án luật  chưa được chuẩn bị kỹ;nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về xu hướng một luật sửa nhiều luật, lồng ghép các ưu đãi làm cho hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định; việc tổ chức lấy ý kiến và tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan đối với nhiều dự án còn hình thức; Chính phủ chưa bố trí thời gian để thảo luận bàn sâu về chính sách cụ thể của mỗi dự án; trong quá trình soạn thảo, tiếp thu chỉnh lý, người đứng đầu một số cơ quan soạn thảo dành thời gian để tham gia ít, chủ yếu giao cho cấp dưới.

Đặt câu hỏi tại sao những hạn chế trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh vẫn tồn tại hàng chục năm nay, càng ngày càng có dấu hiệu nặng hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đưa ra vấn đề việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến công tác xây dựng pháp luật còn chưa được chấp hành một cách nghiêm túc, ngay cả Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra cũng chưa chỉ ra một bộ nào, hay một cơ quan liên quan nào mà kỷ luật làm luật chưa tốt.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu

Cho rằng kỷ luật làm luật còn chưa được các cơ quan thực hiện nghiêm túc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, nhiều dự án Luật thì hồ sơ dự án còn chưa được chuẩn bị đầy đủ, 70% Báo cáo tổng kết thi hành, Báo cáo đánh giá tác động hầu như không có chữ ký, không đóng dấu. Tại sao Bộ Tư pháp cho qua, Chính phủ cũng cho qua dẫn đến chất lượng của các chính sách đưa ra tồn tại rất nhiều vấn đề? Nhiều trường hợp hồ sơ dự án gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội chậm so với quy định? Từ những nhận định trên, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan khắc phục ngay những tồn tại hạn chế này, tránh sự nể nang, đảm bảo chất lượng của các dự án trình ra Quốc hội, góp phần làm cho hệ thống pháp luật có tính ổn định một cách tương đối.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, để góp phần khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh, từ năm 2017, Ủy ban Pháp luật đã tiến hành xây dựng kế hoạch để theo dõi từng luật; các cơ quan chủ trì soạn thảo đều xây dựng lộ trình gửi cho các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc tham gia theo dõi; hàng tháng Ủy ban Pháp luật đều có báo cáo tổng hợp tiến độ của từng dự án để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận

Kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với nội dung đã nêu tại Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại hạn chế trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh; sau khi đã chỉ ra được những nguyên nhân của tồn tại trên đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành có liên quan cần có biện pháp cụ thể để đảm bảo sự chặt chẽ, hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong xây dựng văn bản pháp luật./.

 

 

Hồ Hương- Trọng Quỳnh