TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ CHO PHÁT TRIỂN NGÀNH CHĂN NUÔI THEO HƯỚNG SẢN XUẤT HIỆN ĐẠI

13/04/2018

Ngày 13/4, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Chăn nuôi.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Chăn nuôi

Dự án Luật Chăn nuôi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lần này gồm 8 chương, 65 điều quy định về quản lý các hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi, chăn nuôi động vật cảnh và động vật bán hoang dã gây nuôi; xuất, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi; trách nhiệm quản lý nhà nước về chăn nuôi.

Luật được xây dựng với mục đích thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, kinh tế, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển ngành chăn nuôi phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy phát triển sản xuất ngành chăn nuôi, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo giá trị kim ngạch xuất khẩu, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, từ khi ban hành Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004 đến nay, thực tế sản xuất, kinh doanh ngành chăn nuôi đã có thay đổi cơ bản. Từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, chăn nuôi các giống bản địa là chủ yếu, chuồng trại sơ sài, kỹ thuật lạc hậu đến nay đã phổ biến chăn nuôi trang trại, công nghiệp, ứng dụng chuồng kín, chuồng lồng, sản xuất tập trung, hàng hóa và cơ bản đã chăn nuôi các giống cao sản, tiên tiến của thế giới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Chăn nuôi

Sản lượng sản phẩm đã tăng trưởng gấp đôi trong thời gian 13 năm. Từ chỗ chỉ sản xuất được 2,5 - 2,7 triệu tấn thịt năm 2005 đến nay đã tăng lên 5,4 triệu tấn. Sữa tăng từ 100.000 tấn/năm 2005 nay đã lên đến 800.000 tấn. Sản lượng trứng từ chỗ chỉ 4 - 4,5 tỷ quả thì năm 2016 đã tăng lên trên 9 tỷ quả. Việc xuất, nhập khẩu giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thiết bị chăn nuôi cũng diễn ra hết sức sôi động…Ngành chăn nuôi đã thực sự thay đổi cơ bản về quy mô, phương thức chăn nuôi, ngày càng trở thành ngành kinh tế quan trọng trong nông nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chăn nuôi còn có những tồn tại, hạn chế như dịch bệnh tràn lan, ô nhiễm môi trường, phát triển thiếu quy hoạch, giống giả, giống kém chất lượng, giống không qua kiểm dịch, thức ăn kém chất lượng, sử dụng kháng sinh, chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, tình trạng dư thừa sản phẩm, công nghiệp giết mổ và chế biến chưa phát triển dẫn đến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành chăn nuôi chưa bao quát, điều chỉnh hết các hành vi có trong thực tế sản xuất, kinh doanh; một số quy định không còn phù hợp với các đạo luật mới và với thông lệ quốc tế… Để khắc phục được những tồn tại và bất cập, việc rà soát, đánh giá và điều chỉnh các quy định pháp luật về lĩnh vực chăn nuôi, trong đó, ban hành đạo luật quản lý cả ngành chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi, quản lý môi trường trong chăn nuôi để phát triển bền vững là rất cần thiết và cấp bách.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Chăn nuôi

Nhất trí với sự cần thiết ban hành luật, Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Chăn nuôi của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh, ngành chăn nuôi nước ta thời gian qua đã có bước phát triển vượt bậc, sản lượng chăn nuôi đã tăng gấp 2 lần trong giai đoạn từ 2005 đến hết năm 2017; ngành sản xuất, kinh doanh thức ăn công nghiệp vào loại lớn của khu vực. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi nước ta nói chung còn nhỏ lẻ, chăn nuôi quy mô hộ gia đình còn chiếm tỷ lệ cao (60-70%) nên việc đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại, phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, kiểm soát dịch bệnh và phát huy lợi thế của từng vùng còn gặp nhiều khó khăn.

Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra đòi hỏi ngành chăn nuôi phải đáp ứng yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu phải có chất lượng cao với giá thành hợp lý, đủ sức cạnh tranh. Việc ban hành Luật Chăn nuôi để đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển bền vững ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hiện đại, theo chuỗi, chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường là rất cần thiết.

Dự thảo Luật bao quát tương đối toàn diện hoạt động chăn nuôi từ khâu quản lý giống, thức ăn chăn nuôi, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đến quản lý cơ sở chăn nuôi, bảo vệ môi trường chăn nuôi, quản lý chăn nuôi động vật bán hoang dã, động vật cảnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung phiên họp

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung chủ yếu làm rõ những vấn đề lớn liên quan đến dự án Luật về sự cần thiết ban hành; phạm vi và đối tượng điều chỉnh; tính thống nhất của luật với hệ thống pháp luật nói chung; tính khả khi và tác động của luật đến phát triển kinh tế;…Cho biết, dự án Luật Chăn nuôi có liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần hết sức quan tâm đến tính khả thi và tính thống nhất của luật trong hệ thống pháp luật nói chung.

Qua nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá hồ sơ và dự án Luật Chăn nuôi có chất lượng khá tốt, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo trên cơ sở ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường thêm xin ý kiến nhân dân, ý kiến các doanh nghiệp, người chăn nuôi, người kinh doanh, người tiêu dùng để hoàn thiện dự án luật tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ năm.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo phải làm rõ phạm vi, nội hàm của một số khái niệm như giống vật nuôi để phân biệt với giống thủy sản hoặc một số khái niệm về sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm thủy sản, lâm sản và làm rõ những vấn đề về vật nuôi thuần chủng cũng như vật nuôi nhập khẩu.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp

Chú ý đảm bảo sự thống nhất của luật với hệ thống pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Thủy sản, Luật Thú y, Luật Chất lượng hàng hóa, Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp, v.v.. Rà soát sự đồng bộ của các quy định hiện nay trong hệ thống chăn nuôi, vấn đề giữa chăn nuôi, chế biến, bảo quản, tiêu dùng, đảm bảo, xu thế phát triển bền vững; mối quan hệ giữa sản xuất với môi trường, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các bộ khác và các địa phương với vai trò thống nhất quản lý của Chính phủ.

Tiếp tục rà soát để cụ thể hóa các điều; chú ý đến vấn đề cấp giấy chứng chỉ hành nghề cho chủ chăn nuôi hay danh mục vật nuôi, danh mục cấm, danh mục hạn chế chất cấm, ngưỡng tồn dư chất kháng sinh, hóa chất trong sản phẩm chăn nuôi; về chất lượng thức ăn chăn nuôi; chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường; truy xuất nguồn gốc. Rà soát thêm về cơ chế, chính sách phát triển chăn nuôi gắn với một số chủ trương như an ninh thực phẩm.

Khắc phục được sự thiếu đồng bộ trong sản xuất, kinh doanh của ngành chăn nuôi hiện nay tạo nên chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng;  giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người chăn nuôi phát triển.

Bảo Yến - Lê Huy