CẦN RÀ SOÁT, QUY ĐỊNH RÕ CÁC VẤN ĐỀ VỀ QUẢN LÝ GIỐNG VẬT NUÔI TRONG DỰ ÁN LUẬT CHĂN NUÔI

13/04/2018

Ngày 13/4, thảo luận về dự án Luật Chăn nuôi tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ quan tâm, cho ý kiến về vấn đề quản lý giống vật nuôi được quy định trong dự thảo Luật.

Toàn cảnh Phiên họp

Theo bố cục dự thảo Luật, vấn đề quản lý giống vật nuôi được quy định tại Chương II (từ Điều 8 đến Điều 28), bao gồm 4 Mục: Mục 1 quy định về bảo tồn, nghiên cứu, chọn, tạo giống vật nuôi, kế thừa cơ bản Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004; Mục 2 quy định về sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, trong đó có quy định về nguyên tắc quản lý chất lượng giống vật nuôi; danh mục giống vật nuôi; công bố tiêu chuẩn chất lượng giống vật nuôi; xuất bán giống vật nuôi; quy định về nhãn giống vật nuôi, quảng cáo giống vật nuôi theo tinh thần của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá năm 2007, Luật Quảng cáo...Mục 3 quy định về xuất, nhập khẩu giống vật nuôi và các sản phẩm giống vật nuôi trên nguyên tắc tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh xuất, nhập khẩu con giống không nằm trong các danh mục cấm và theo các quy định của Luật Thương mại năm 2005, các Hiệp định Việt Nam đã ký với quốc tế như WTO, các AFTA,...Mục 4 quy định về khảo nghiệm, công nhận giống vật nuôi mới. Dự thảo được biên tập theo hướng giảm rõ nét các trường hợp phải khảo nghiệm, xã hội hóa khảo nghiệm.

Qua thảo Luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá hồ sơ dự thảo Luật chuẩn bị tương đối tốt; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra sơ bộ và đã có đánh giá nhiều nội dung sâu, trách nhiệm cao; nhất trí tiếp tục hoàn chỉnh để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp này. Tuy nhiên, cho ý kiến vào một số nội dung cụ thể, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ đề nghĩ cơ quan soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu kỹ hơn các quy định về quản lý giống vật nuôi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến vào dự thảo Luật

Cho ý kiến về vấn đề quản lý giống vật nuôi tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ hơn việc quản lý giống vật nuôi thuần chủng của Việt Nam, giống vật nuôi nhập khẩu, giống vật nuôi lai tạo để vừa giữ gìn những nguồn gen quý hiếm của các giống vật nuôi truyền thống của chúng ta, vừa tiếp cận được những nguồn gen giống vật nuôi của nước ngoài và cũng đảm bảo việc tự chủ, chủ động trong giống vật nuôi phục vụ cho nhu cầu chăn nuôi trong nước. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, trên cơ sở xác định 3 danh mục vật nuôi, dự thảo phải nghiên cứu để quy định về quy chế pháp lý của từng danh mục vật nuôi, đặc biệt đối với danh mục giống vật nuôi quý hiếm cần phải bảo tồn; đồng thời chỉ rõ ngoài 3 danh mục này thì những giống vật nuôi không nằm trong danh mục thì có được tự do sản xuất, kinh doanh hay không?

Cũng trong Chương quản lý giống vật nuôi, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dự thảo Luật đã quy định về cơ sở khảo nghiệm giống vật nuôi, nhưng chưa quy định quyền của tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi từ khảo nghiệm theo các nội dung quy trình khảo nghiệm đã được quy định và tự chịu trách nhiệm về kết quả khảo nghiệm của mình. Do đó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ khi quy định nội dung này trong dự thảo.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu

Bày tỏ sự quan tâm đến các quy định về giống vật nuôi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đưa ra quan điểm, nếu trước đây Pháp lệnh Giống vật nuôi chỉ đề cập dưới góc độ giống và quản lý nhà nước về giống, để cho giống đó được bảo tồn, nhập được giống tốt, giống tốt được giữ thì lần này Luật Chăn nuôi được mở rộng hơn về phạm vi điều chỉnh, thể hiện tầm cỡ của một ngành sản xuất với một quy mô lớn, không chỉ tiếp cận dưới giác độ quản lý nhà nước về giống mà là phát triển một ngành sản xuất. Tuy nhiên, với tính chất xây dựng ngành chăn nuôi thành một ngành sản xuất, kinh doanh tổng hợp, quy mô lớn, phát huy tiềm năng, thế mạnh của ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời đại ngày nay, luật này cần làm rõ thêm một số việc. Cụ thể , trong phạm vi dự thảo Luật phải làm rõ giống ở đây quy định bao gồm những con gì? Bảo tồn những loài động vật nguy cấp, quý hiếm là Luật Đa dạng sinh học quy định nhưng Luật Chăn nuôi cũng có những loại động vật hoang dã. Vậy luật này có điều chỉnh không hay Luật Đa dạng sinh học điều chỉnh? Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị cần rà soát lại các điều khoản liên quan đến xuất, nhập khẩu, trao đổi quốc tế các loại giống sản phẩm, giống vật nuôi trong Điều 22. Vì theo Chủ nhiệm Ủy ban, vấn đề này có 3 luật điều chỉnh đó là Luật Quản lý ngoại thương, Luật Thủy sản và dự thảo Luật Chăn nuôi. Tuy nhiên hiện 3 luật này vẫn đang còn có những quy định khác nhau.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận

Kết thúc Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá hồ sơ và dự án Luật Chăn nuôi có chất lượng khá tốt. Sau khi tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay thì sẽ có đủ điều kiện xin ý kiến Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ năm. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo phải làm rõ phạm vi, nội hàm của một số khái niệm như giống vật nuôi để phân biệt với giống thủy sản hoặc một số khái niệm về sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm thủy sản, lâm sản và làm rõ những vấn đề về vật nuôi thuần chủng cũng như vật nuôi nhập khẩu.  Chú ý đảm bảo sự thống nhất của luật này với toàn bộ hệ thống pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Thủy sản, Luật Thú y, Luật Chất lượng hàng hóa, Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp…/.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh