HIỆP ĐỊNH CPTPP ĐÃ TÁC ĐỘNG ĐẾN 43 ĐIỀU TRONG BỘ LUẬT LAO ĐỘNG HIỆN HÀNH

27/03/2018

Chiều 26/3, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì buổi làm việc.

Đại diện tập thể lãnh đạo Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội

Báo cáo trước Thường trực Ủy ban, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, trong năm 2019, Bộ dự kiến trình 02 dự án luật, pháp lệnh là Bộ luật Lao động và Pháp lệnh Ưu đãi với người có công với cách mạng (sửa đổi). Trong những năm tiếp theo, tùy thuộc vào yêu cầu của thực tiễn và tình hình nghiên cứu cụ thể của từng dự án, Bộ sẽ trình Chính phủ để trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật công tác xã hội; Luật Người cao tuổi (sửa đổi).

Đối với việc sửa đổi Bộ luật lao động, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội đánh giá, sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP được kí kết thì Hiệp định đã có tác động đến 43 Điều trong các Chương của Bộ luật lao động hiện hành và 12 Nghị định của Chính phủ. Hiệp định CPTPP đã tác động mạnh đến những nội dung về lao động, công đoàn của Việt Nam ở cả hai khía cạnh dưới góc độ luật thực định và tổ chức thực thi trên thực tế. Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội cho rằng nội dung CPTPP sẽ ảnh ảnh hướng tới các vấn đề cần sửa đổi sau:

Sửa đổi một số quy định tại Chương I, đổi tên Chương XIII và bổ sung ít nhất một điều mang tính nguyên tắc về quyền của người lao động được thành lập, tham gia, hoạt động của tổ chức đại diện; sửa đổi các quy định về đối thoại tại nơi làm việc tại Chương V để phù hợp với bối cảnh xuất hiện một chủ thể đại diện người lao động mới tại doanh nghiệp; sửa đổi các quy định về Thương lượng tập thể và Thỏa ước lao động tập thể để phù hợp với bối cảnh hiện nay; sửa đổi các quy định về Giải quyết tranh chấp lao động để điều chỉnh chủ thể mới trong cơ chế giải quyết tranh chấp lao động và đình công; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm xóa bỏ lao động cưỡng bức, xóa bỏ hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, không phân biệt đối xử trong lao động và nghề nghiệp; sửa đổi, bổ sung các quy định tại Chương quản lý nhà nước về lao động và Chương Thanh tra lao động để phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về lao động trong thời gian tới.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu

Đại biểu tham dự phát biểu tại buổi làm việc

Đại diện Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội cho biết, tại thời điểm Chính phủ trình hồ sơ đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) thì Hiệp định CPTPP chưa được ký kết nên những chính sách mới về quan hệ lao động nêu trên mới chỉ được nêu sơ lược, khái quát trong Tờ trình và chưa được đánh giá tác động. Trong thời gian tới, cùng với việc soạn thảo, xây dựng các điều luật, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội sẽ tiến hành đánh giá tác động bổ sung đối với các chính sách mới về quan hệ lao động, đáp ứng yêu cầu Hiệp định CPTPP./.

Hồ Hương