ỦY BAN PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI: NỖ LỰC HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

14/02/2018

Năm 2017 là năm mà Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã nỗ lực thẩm tra các dự án Luật, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, nghị quyết, rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua; tham mưu giúp Quốc hội lập và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, qua đó góp phần đưa các chính sách pháp luật vào cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn và mong mỏi của cử tri cả nước.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa 14, lần đầu tiên Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Ủy ban Pháp luật chủ trì thẩm tra được trình ra Quốc hội. Đây là dự án Luật lớn, nội dung phức tạp và hoàn toàn mới được xây dựng. Để bảo đảm tính đồng bộ trong việc xem xét, thông qua dự án luật thì ngoài việc hoàn thiện các nội dung trong dự thảo luật, xây dựng và trình Quốc hội các đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Chính phủ và các cơ quan có liên quan còn phải xây dựng các đề án bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trong các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo đúng yêu cầu.

Chủ trì thẩm tra dự án Luật đặc biệt quan trọng này, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức nhiều đợt khảo sát, Hội thảo, góp ý kiến, tham vấn chuyên gia... để chỉnh lý, hoàn thiện Dự án luật nhằm đạt yêu cầu vừa luật hóa chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH về đặc khu kinh tế và xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của Đảng, vừa thể hiện được tính “đặc biệt” về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; bảo đảm tính đại diện và quyền làm chủ, quyền giám sát của nhân dân ở các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền cho biết: “Với Dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là một luật mới nên Ủy ban Pháp luật rất quan tâm đến quá trình thẩm tra…Trong toàn bộ công việc đã phối hợp với cơ quan soạn thảo, còn nhiều ý kiến đặt ra song hy vọng sẽ có được giải pháp trong năm 2018 này”.

Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật còn được giao chủ trì thẩm tra dự án Luật  Tố cáo (sửa đổi), Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội, Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu,Tờ trình của Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực hoạt động đối ngoại, Tờ trình của Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tín ngưỡng và Đề án tiếp nhận Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam của Văn phòng Quốc hội.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng khẳng định: “Truyền thông của Quộc hội là truyền thông rất quan trọng. Đây là cơ quan quan trọng nhất của đất nước, xét cả khía cạnh lý thuyết, hiến pháp và hiện nay là vấn đề thực tiễn. Chúng ta thấy rằng từ trước đến nay đã tập trung rất là nhiều cho các hoạt động hành pháp và tư pháp, đặc biệt vấn đề mang tính chất sự vụ, sự việc lớn của đất nước…. Việc củng cố truyền thông để đảm bảo cho Quốc hội truyền thông đạt của mình đối với quốc dân đồng bào và cũng để cho quốc dân đồng bào qua hệ thống truyền thông này để thực hiện quyền giám sát với Quốc hội”.

Cùng với các dự án Luật, Nghị quyết được giao chủ trì thẩm tra, Ủy ban Pháp luật còn tham gia phối hợp cùng Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra 14 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết của Quốc hội, 01 dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều tờ trình, đề án, báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tham gia phối hợp với các Ủy ban khác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thực hiện rà soát kỹ thuật văn bản đối với toàn bộ các dự thảo Luật, Nghị quyết trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Một số nguyên tắc mới trong xây dựng luật được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan tổ chức hữu quan thống nhất áp dụng. Các dự án được thông qua với số phiếu rất cao, hai kỳ họp đều có dự án được 100% đại biểu có mặt biểu quyết thông qua. Có những dự án chưa được chuẩn bị kỹ hoặc qua thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội tại kỳ họp sau...  Với sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan, sự đóng góp tâm huyết, trí tuệ của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các ngành, các cấp và của đông đảo các tầng lớp nhân dân, công tác xây dựng pháp luật năm 2017 của Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, chất lượng văn bản được nâng cao, tính dân chủ, công khai, minh bạch được tăng cường, đường lối, chủ trương của Đảng được thể chế hóa kịp thời, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước ta trên các lĩnh vực. Đây là những kết quả cần tiếp tục phát huy trong năm 2018 và các năm tiếp theo.

Trong năm 2017, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức được 06 phiên họp toàn thể, 02 cuộc họp của Thường trực Ủy ban Pháp luật mở rộng và nhiều cuộc họp, hội nghị khác để thẩm tra, cho ý kiến về các dự án luật, dự thảo nghị quyết, tờ trình, đề án thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Việc tổ chức các phiên họp tuân thủ đúng quy định của pháp luật và Quy chế làm việc của Ủy ban, bảo đảm có kế hoạch, đúng quy trình. Giấy mời tham dự phiên họp và tài liệu xin ý kiến thành viên Ủy ban đều được thông báo và gửi đến các thành viên chậm nhất là 05 ngày trước khi bắt đầu phiên họp. Do đó, tỷ lệ thành viên Ủy ban tham dự các phiên họp toàn thể Ủy ban khá cao, các thành viên Ủy ban đều tích cực đóng góp nhiều ý kiến phát biểu chất lượng, thẳng thắn, có tính xây dựng và trách nhiệm cao.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết: “Ủy Ban Pháp luật đã nghiên cứu và tham mưu được cho Ủy Ban Thường vụ Quốc hội xây dựng chương trình hoàn thiện pháp luật là khá hoàn hảo.  Từ những việc xây dựng định hướng và sắp xếp chương trình kế hoạch làm luật, xây dựng pháp luật vững chắc. Trong đó có một vấn đề rất quan trọng là trong quá trình giúp cho Quốc hội thông qua các đạo luật thì Ủy ban Pháp luật có quan hệ rất chặt chẽ đối với Chính phủ và các cơ quan soạn thảo. Có nghĩa là 2 bên phải đồng hành trong quá trình xây dựng pháp luật. Sau khi được Quốc hội phê chuẩn và có sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Ủy ban Pháp luật thực hiện chính sách đồng hành cùng các cơ quan soạn thảo để ngay từ ban đầu tham gia xây dựng hệ thống pháp luật”.

Các dự án do Ủy ban Pháp luật chủ trì thẩm tra, phối hợp cùng các cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đều được Thường trực Ủy ban đầu tư nhiều thời gian, công sức chuẩn bị; phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo dự án, các cơ quan hữu quan khác. Những vấn đề còn ý kiến khác nhau đều được đưa ra thảo luận trong tập thể Thường trực Ủy ban với sự tham dự của các cơ quan có liên quan, được báo cáo để Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, Thường trực Ủy ban đã cùng các cơ quan hữu quan tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại 2 kỳ họp trong năm 2017 với tỷ lệ tán thành cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định: "Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 được trình Quốc hội thông qua từ tháng 6/2017 với sự đồng thuận cao. Đây là Chương trình được xây dựng nghiêm túc, bài bản theo đúng các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Về cơ bản, các dự án được đưa vào Chương trình được chuẩn bị tốt về nội dung, hồ sơ các dự án đầy đủ, đặc biệt coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng. Với tinh thần chủ động, Ủy ban Pháp luật đã phối hợp từ rất sớm với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ cùng với các Bộ, ngành trong việc giúp Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị Chương trình trình Quốc hội; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội vào cuộc ngay từ đầu, phối hợp chặt chẽ Ủy ban Pháp luật trong việc thẩm tra đề xuất dự án thuộc lĩnh vực phụ trách; Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội dành thời gian xem xét, thảo luận kỹ về từng dự án”.

Các dự án Luật do Ủy ban chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đều được Thường trực Ủy ban đầu tư nhiều thời gian, công sức chuẩn bị; phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo dự án, các cơ quan hữu quan khác. Những vấn đề còn ý kiến khác nhau đều được đưa ra thảo luận trong tập thể Thường trực Ủy ban với sự tham dự của các cơ quan có liên quan, được báo cáo để Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Các dự án đều được gửi lấy ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội; có dự áncòn được đưa ra lấy ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, Thường trực Ủy ban đã cùng các cơ quan hữu quan tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 với số phiếu cao.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết: Ủy ban Pháp luật rất kiên quyết trong việc tham mưu cho Thường vụ Quốc hội. Đó là nơi gác cửa để chúng ta đảm bảo rằng tất cả các dự án luật trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình ra trước Quốc hội phải đảm bảo về tiến độ, thời gian, chất lượng. Còn nếu không đảm bảo các yếu tố đó theo quy định của luật thì lập tức bị Ủy ban Pháp luật xem xét có ý kiến

Tại kỳ họp cuối năm 2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết là kết quả quá trình giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 mà Ủy ban Pháp luật của Quốc hội được giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức thực hiện. Đây cũng là một trong những hoạt động trọng tâm của Ủy ban trong năm 2017.

Từ kết quả khảo sát, giám sát tại nhiều địa phương trên cả nước, kiến nghị trong Báo cáo giám sát do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày với nội dung: cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới phải được tiến hành toàn diện, đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị, có lộ trình cụ thể, gắn với cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp: Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, bảo đảm đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, hiệu quả. Khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước và quản lý biên chế…đã được các đại biểu Quốc hội tán thành.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền khẳng định: “Ủy ban Pháp luật rất vinh dự được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao chủ trì giúp Quốc hội tổ chức giám sát về cải cách hành chính. Đây là nội dung quan trọng đối với việc thực hiện cải cách và nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính Nhà nước. Chúng tôi đã lên kế hoạch giám sát, tổ chức các đoàn và xây dựng báo cáo, đưa ra Quốc hội được đánh giá cao. Đây có thể nói là một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2017 vừa qua”.

Năm 2018, Ủy ban Pháp luật sẽ chủ trì thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 về những lĩnh vực do Ủy ban phụ trách và các tờ trình, báo cáo theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khối lượng công việc, nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhưng phát huy kết quả đạt được của năm 2017, Ủy ban Pháp luật sẽ phát huy hết vai trò, trách nhiệm của từng thành viên Ủy ban và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn với các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là với các cơ quan của Chính phủ để hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần cùng Quốc hội HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT Việt Nam./.      .

Truyền hình Quốc hội Việt Nam