UỶ BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI: ĐỒNG HÀNH CÙNG SỰ PHÁT TRIỂN CỦA QUỐC HỘI

15/02/2018

Đích đến của các chính sách xã hội đều nhằm xây dựng, phát triển và mang lại cuộc sống hạnh phúc cho con người. Vì vậy, từ những luật, pháp lệnh ban đầu như Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Pháp lệnh Nghĩa vụ lao động công ích, Pháp lệnh Hợp đồng lao động, Pháp lệnh Bảo hộ lao động… hay các cuộc giám sát thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, Giám sát văn bản của Chính phủ… luôn được Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm từ đó đã định hình được hệ thống pháp luật chuyên ngành để Uỷ ban Về các vấn đề xã hội điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực xã hội, tạo thuận lợi cho người dân và cử tri cả nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh 

Năm 2017, dưới sự lãnh đạo của Quốc Hội, cùng với những nỗ lực của Ủy ban Về các vấn đề xã hội trong công tác đẩy mạnh nâng cao đời sống của người dân, giám sát và điều chỉnh các bộ luật nhằm đảm bảo tình hình trật tự xã hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong nhiều lĩnh vực góp phần tạo môi trường phát triển lành mạnh, an toàn cho người dân và cử tri cả nước.

Những hoạt động nổi bật được Quốc hội, cử tri ghi nhận và đánh giá cao như: Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia bình đẳng giới và lần đầu tiên nội dung bình đẳng giới được đưa ra thảo luận tại Quốc hội; Giám sát đối với 26 Luật và Pháp lệnh thuộc thẩm quyền; Hoàn thành giám sát tại 8 bộ ngành trun ương; 9 tỉnh, thành phố về “Tình hình thực hiện Luật phòng, chống HIV/AIDS, Luật phòng, chống ma túy và Pháp lệnh phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2016”; khảo sát tại 7 tỉnh, thành phố để chuẩn bị thẩm tra đối với các nội dung Báo cáo của Chính phủ về kết quả hoạt động và quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá trong hai năm 2016-2017; thẩm tra việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2016; tình hình hai năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; Phối hợp với các bộ, ngành thẩm định 4 dự án luật (Luật Lao động sửa đổi, Luật Việc làm, Luật Dạy nghề, Luật An toàn vệ sinh lao động); Tiếp nhận, giải quyết hàng trăm đơn thư của nhân dân gửi các bộ, ngành liên quan; Đẩy mạnh tăng cường công tác đối ngoại....

Năm 2017, hoạt động giám sát của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội được triển khai theo Nghị quyết số 188 của Ủy ban về Chương trình hoạt động giám sát năm 2017 và theo sự phân công của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong những năm gần đây, bình đẳng giới là vấn đề được toàn xã hội quan tâm, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên nội dung bình đẳng giới được đưa ra thảo luận tại Quốc hội và được truyền hình trực tiếp. Điều này cho thấy sự quan tâm của Quốc hội, cử tri cả nước tới công tác phụ nữ, trẻ em.

Trước đó, để chuẩn bị cho công tác này, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 6, Ủy ban Các vấn đề xã hội đã thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2016, trên cơ sở đó đã gửi Báo cáo thẩm tra của Ủy ban tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.

Các đại biểu nhận định, công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được quan tâm thực hiện với số lượng các dự án luật được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới tăng dần qua từng năm. Tại đây, các thành viên Ủy ban Các vấn đề xã hội đã đóng góp nhiều ý kiến để Luật Bình đẳng giới để bổ sung hoàn thiện và cũng đưa ra những đề xuất kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thúc đẩy việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật; đối với Chính phủ, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá tác động giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; bố trí kinh phí và huy động nguồn lực... Có thể khẳng định, thành quả của Việt Nam trong việc xóa bỏ rào cản định kiến về giới bắt nguồn từ chính sách… Và để thực thi hiệu quả những chính sách đó, không thể thiếu các hoạt động giám sát, thẩm tra của Quốc hội, đặc biệt là hoạt động của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt cho biết: “Khi xây dựng luật pháp, chính sách, vấn đề lồng ghép về giới rất quan trọng, ngay từ khi có dự kiến xây dựng luật, pháp lệnh, các cơ quan soạn thảo đã phải quan tâm đến vấn đề này. Bên cạnh đó, các cơ quan soạn thảo cũng phải đánh giá tác động, đưa ra các giải pháp và các chính sách kèm theo. Chính sách phải được nghiên cứu để đảm bảo tính khả thi, đi vào cuộc sống.

Với hoạt động giám sát, ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tiến hành giám sát đối với 26 Luật và Pháp lệnh thuộc thẩm quyền; Hoàn thành giám sát tại 8 bộ ngành trung ương; 9 tỉnh, thành phố về “Tình hình thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật Phòng, chống ma túy và Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2016”. 

Qua công tác giám sát, các thành viên trong Ủy ban phát hiện ra nhiều vấn đề còn bất cập như: Việc mở mới các điểm điều trị Methadone gặp nhiều khó khăn cả về kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu và thủ tục. Một số bệnh nhân sau khi điều trị Methadone ổn định, có xu hướng chuyển sang dùng ma túy đá; Trong khi đó, công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng gặp nhiều khó khăn; ở một số địa phương xảy ra hiện tượng học viên cai nghiện gây rối tập thể, đập phá cơ sở cai nghiện, bỏ trốn gây mất an ninh, trật tự tại địa phương…. Đăc biệt, việc phân bổ ngân sách giữa Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật Phòng, chống ma túy và Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm còn chưa đồng đều.

 Giám sát để nhận diện, đánh giá được vấn đề mới xác lập  được các giải pháp hiệu quả từ đó kiến nghị những phướng hướng điều chỉnh để sớm hoàn thiệt các dự án luật, đưa vào chương trình xây dựng pháp lệnh luôn là cách được thành viên Ủy ban Các vấn đề xã hội lựa chọn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong cho biết: “Năm 2017, việc tập trung những chuyên đề giám sát đã mang lại nhiều thiết thực, nhận diện được toàn bộ các vấn đề về chính sách. Trên cơ sở đó, đã chỉ ra được những bất cập, hạn chế trong tổ chức điều hành hiện nay. Từ đó, Ủy ban đã kiến nghị Quốc hội phải đôn đốc Chính phủ tổng kết, đánh giá thực tiễn để sớm hoàn thiện một số luật đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh”.

Cũng ngay từ đầu năm 2017, Thường trực Ủy ban đã tiến hành khảo sát tại 7 tỉnh, thành phố để chuẩn bị thẩm tra đối với các nội dung Báo cáo của Chính phủ, làm cơ sở, nền tảng cho phiên họp toàn thể lần thứ 7. Tại phiên họp, Ủy ban Về các vấn đề xã hội thẩm tra các báo cáo của Chính phủ xung quanh kết quả hoạt động và quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá trong hai năm 2016-2017; tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Đặc biệt thẩm tra việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2016; tình hình hai năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Qua quá trình thẩm tra cho thấy Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2016 mất cân đối thu - chi trong năm là 831 tỷ đồng, nhưng tính đến hết năm, Quỹ Dự phòng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã bù đắp và số dư còn hơn 47.000 tỷ đồng. Đặc biệt, khi thực hiện thông tuyến BHYT làm tăng đối tượng, tăng chi phí khám chữa bệnh, phát sinh nhiều vướng mắc giữa Bộ Y tế, cơ quan chăm sóc sức khỏe nhân dân với Bảo hiểm xã hội, cơ quan quản lý quỹ bảo hiểm y tế. Không những 2 bộ vướng mắc nhau mà các cơ sở khám chữa bệnh cũng có những vướng mắc và thanh toán bảo hiểm y tế cũng có vướng mắc. Ngay tại phiên giải trình các thành viên tham dự đã tìm ra nguyên nhân và  những vướng mắc này đã được giải quyết.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết thêm: “Đối với công tác giám sát, việc tổ chức các phiên giải trình là một trong những hình thức giám sát đem lại hiệu quả thiết thực và trực tiếp hơn. Qua phiên giải trình đối với Bộ Y tế và Chính phủ, chúng ta đã tìm ra được những nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng Quỹ Bảo hiểm y tế ở một số địa phương. Trên cơ sở đó, Ủy ban đã làm việc với Chính phủ, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam để phân tích, đánh giá, mở nhiều cuộc họp quán triệt cho các địa phương”.

Riêng đối với lĩnh vực của ngành Lao động-thương binh xã hội, cùng với việc thẩm định 4 dự án Luật (Luật Lao động sửa đổi, Luật Việc làm, Luật Dạy nghề, Luật An toàn vệ sinh lao động), Ủy ban đã cùng với Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đề xuất sửa pháp lệnh người có công. Chính những đề xuất, thẩm định của Ủy ban đã góp phần giúp chính phủ thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong lĩnh vực lao động việc làm. Đặc biệt Ủy ban đã phối hợp tốt với các Bộ, ngành của Chính phủ trong việc tham mưu, đề xuất các chính sách cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Đánh giá về hoạt động của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định: “Ủy ban đã hoạt động rất tích cực và hợp tác tốt với Bộ y tế để giám sát các hoạt động của ngành y tế; cùng với ngành y tế xây dựng, góp ý, đánh giá các chủ trương, chính sách và các luật. Cùng đồng hành để chia se, khắc phục những khó khăn, tồn tại; phát huy những thành tựu đã đạt được các Nghị quyết của Trung ương, các luật, các chủ trương, chính sách, của Đảng, Nhà nước, Quốc hội tiến tới sự hài lòng cao nhất của người dân”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Đỗ Văn Chiến cho rằng:Trong các kỳ giám sát chuyên đề, Ủy ban đều có các kiến nghị xác đáng để Ủy ban Dân tộc của Chính phủ có căn cứ kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền điểu chỉnh những bất hợp lý trong thực hiện chính sách dân tộc”.

Có thể thấy công tác giám sát hiệu quả nhất chính là qua các phiên giải trình và ngược lại Phiên Giải trình là một trong những hình thức phát huy hiệu quả của công tác giám sát. Điều đặc biệt nó đem lại hiệu quả thiết thực và trực tiếp hơn khi có sự việc xảy xảy ra, cần tháo gỡ; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng của giám sát và đề xuất các kiến nghị xác đáng về cả hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện. Từ đó tạo sự lan tỏa, niềm tin cho nhân dân và cử tri cả nước về các cơ quan giám sát luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Công tác Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân về các lĩnh vực Ủy ban phụ trách luôn được quan tâm thực hiện một cách sát sao. Theo thống kê, năm 2017, Ủy ban đã nhận và phân loại chuyển 350 đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân. Chuyển các Ủy ban của Quốc hội để xử lý theo thẩm quyền 95 đơn; chuyển đôn đốc và kiến nghị đến các bộ, ngành, địa phương và cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết 82 đơn…Ủy ban đã nhận được 42 công văn trả lời của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tạo được niềm tin cho nhân dân và cử tri cả nước.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ: “Các đơn thư của công dân, cử tri gửi đến đã được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đồng thời Ủy ban cũng đã thực hiện trách nhiệm giám sát cho nên đã đạt được nhiều kết quả tốt. Một số đơn thư gửi đến Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương Binh và Xã hội về chính sách đối với các trường hợp người có công đã được xem xét, có những vụ việc được giải quyết nhanh chóng”.

Cùng với hoạt động giám sát, công tác Xây dựng pháp luật cũng được Ủy ban chủ động, tích cực triển khai. Về cơ bản, các luật, pháp lệnh, nghị quyết thuộc lĩnh vực Ủy ban chủ trì thẩm tra đảm bảo đúng quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Hiến pháp 2013, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bám sát thực tiễn cuộc sống, đồng thời có tính dự báo, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân; Ủy ban đã thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong trong 14 dự án Luật. Xây dựng, hoàn thiện Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới; Tham gia ý kiến về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực của Ủy ban phụ trách trong các dự án luật, pháp lệnh như vấn đề lao động, việc làm, tiền lương, lao động di cư, người có công, bảo trợ xã hội…

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh 

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ:Các chính sách pháp luật về xã hội có đối tượng áp dụng rất đông đảo, đó là những người dân. Do đó, Ủy ban khi thẩm tra rất quan tâm đến việc các cơ quan soạn thảo đánh giá tác động như thế nào, đã lấy ý kiến từu các đối tượng chịu sự tác động ra sao. Ủy ban cũng coi trọng việc tham vấn dân chúng tại cộng đồng và các đối tượng chịu sự tác động của chính sách, tham vấn ý kiến chuyên gia và các đại biểu dân cử các cấp”.

Năm 2018, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tiếp tục chủ trì, thẩm tra dự án Luật dân số, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 trong đó có dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới đối với một số dự án luật, pháp lệnh. Về công tác giám sát, khảo sát tiến hành thẩm tra các báo cáo của Chính phủ trong việc thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2017; Kết quả 2 năm (2017 - 2018) thực hiện Nghị quyết số 76 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020…Đặc biệt chú trọng đến các Giám sát chuyên đề về: Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam hay việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Tiếp nối những thành công và sự nỗ lực trong năm qua, trong năm 2018, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, đổi mới, sáng tạo để góp phần xây dựng chính sách an sinh xã hội phát triển toàn diện hơn nữa. Đảm bảo lợi ích của mỗi người dân trên mọi miền tổ quốc đáp ứng sự mong mỏi của cử tri đối với hoạt động của Ủy ban nói riêng, góp phần vào sự lớn mạnh của Quốc hội nói chung trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam