Thông cáo Báo chí số 6: Phiên họp toàn thể lần thứ 2 Về các vấn đề kinh tế thương mại

20/01/2018

Chiều ngày 19 tháng 1 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) đã diễn ra Phiên họp toàn thể lần thứ 2 Về các vấn đề kinh tế thương mại.

Tham dự Hội nghị có Chủ tịch, Phó Chủ tịch Nghị viện các nước, Trưởng đoàn đại biểu nghị viện các nước cùng toàn thể các nghị sĩ tham dự Hội nghị APPF-26.

Hội nghị đã tập trung thảo luận về 4 chủ đề nghị sự, bao gồm: Báo cáo về kết quả Hội nghị cấp cao APEC 2017; Vai trò của Nghị viện thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện; An ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững; Hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong kỷ nguyên số.

Phát biểu đề dẫn, Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Vương Đình Huệ cho biết, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh khu vực đang phải đối mặt với những chuyển biến lớn, trong đó tiềm ẩn không ít khó khăn, bất định. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương - vốn được xem là phát triển năng động bậc nhất, tăng trưởng kinh tế cũng chưa thực sự khởi sắc. Do đó, đẩy nhanh quá trình phục hồi tăng trưởng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở thành một trong những ưu tiên chính sách quan trọng, nhằm giúp mang lại thịnh vượng và điều kiện thuận lợi hơn cho tăng cường liên kết kinh tế và thương mại ở khu vực.

Để đạt được mục tiêu đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, châu Á-Thái Bình Dương cần tìm kiếm thêm các động lực tăng trưởng trên diện rộng và dựa trên cơ sở đổi mới/sáng tạo. Mục tiêu ưu tiên không chỉ dừng ở tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, mà còn hướng tới khuyến khích sự tham gia sâu rộng của các nhóm đối tượng khác nhau, bao gồm phụ nữ, thanh niên, người cao tuổi và các nhóm dân tộc thiểu số. Quan trọng hơn, các nền kinh tế trong khu vực cần phối hợp hiệu quả hơn, đặc biệt là tăng cường trao đổi kinh nghiệm và đảm bảo sự đồng thuận và hài hòa. Kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy hội nhập kinh tế quốc tế phải tiến xa hơn, gắn kết hơn với những cải cách trong nước để vừa tạo thêm cơ hội kinh tế, vừa cải thiện khả năng tận dụng các cơ hội ấy cho người dân và doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, tăng cường liên kết kinh tế - thương mại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một quá trình lâu dài. Những khác biệt về góc nhìn đối với tiến trình hợp tác và thương mại đầu tư ở khu vực trong thời gian gần đây chính là một cơ hội để gia tăng đối thoại, củng cố thêm đồng thuận về hợp tác, hành động chung vì tương lai của khu vực. Phó Thủ tướng hi vọng rằng, các nghị sĩ sẽ tích cực chia sẻ những sáng kiến, kế hoạch hành động chung và có tính khả thi nhằm tăng cường thúc đẩy liên kết kinh tế và thương mại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Báo cáo về kết quả Hội nghị cấp cao APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch SOM APEC 2017 cho biết, đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhiệm vai trò chủ nhà APEC kể từ năm 2006. Đăng cai APEC là một trọng tâm ưu tiên hàng đầu của đối ngoại Việt Nam, đặc biệt là với chính sách đối ngoại đa phương chủ động. APEC 2017 thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với APEC và khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong giai đoạn mới hội nhập sâu rộng cũng như đổi mới toàn diện. Đã có 243 hội nghị và hoạt động được tổ chức trong suốt năm 2017, trong đó có 8 hội nghị và Đối thoại chính sách cấp Bộ trưởng, 4 hội nghị của các quan chức cao cấp. Đỉnh cao của năm là Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 6 đến ngày 11 tháng 11 năm 2017. Đây là một trong những kỳ họp cấp cao APEC có lượng người tham dự lớn nhất, với sự tham dự của tất cả các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC, hơn 11,000 đại biểu đăng ký, trong đó có 4500 đại biểu chính thức, 4000 đại diện doanh nghiệp và 2800 nhà báo.

Sự kiện quan trọng nhất của Tuần lễ Cấp cao là Hội nghị lần thứ 25 các Nhà lãnh đạo kinh tế APEC diễn ra vào ngày 11 tháng 11. Ngoài các phiên họp kín, các nhà lãnh đạo APEC cũng tiến hành đối thoại với các nhà lãnh đạo ASEAN với chủ đề “Đối tác vì động lực mới hướng tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương kết nối và hội nhập toàn diện”. Đây là lần đầu tiên có một phiên đối thoại như vậy giữa APEC và ASEAN ở cấp lãnh đạo cấp cao. Sự kiện này càng có ý nghĩa khi được tổ chức nhân dịp 50 năm thành lập ASEAN. Phiên Đối thoại tạo ra xung lực mới tăng cường phối hợp giữa APEC và ASEAN nhằm định hình cấu trúc trúc kinh tế khu vực bền vững, minh bạch và có khả năng thích ứng cao. Các cam kết được các nhà lãnh đạo APEC đưa ra trong Hội nghị Cấp cao tại Đà Nẵng, Việt Nam, khẳng định các giá trị cốt lõi của APEC là thương mại và đầu tư tự do và mở, cũng như tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, năm APEC 2017 đã khép lại với những kết quả thiết thực đối với người dân và doanh nghiệp, góp phần tạo động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng và hợp tác kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Phát biểu tham luận với chủ đề Vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện, … cho biết:

Trong 26 năm qua kể từ khi Diễn đàn Nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương chính thức được thành lập, các nước thành viên có thể tự hào với những kết quả đã đạt được. Giao dịch thương mại nội khối APEC đã tăng ở mức 274%, từ 2.300 tỷ USD lên 6.300 tỷ USD trong giai đoạn 2000 - 2016. Mức thuế trung bình trong khu vực đã giảm gần một nửa, từ 11% năm 1996 xuống còn 5,5% vào năm 2016. Chi phí giao dịch thương mại (rào cản phi thuế quan) giảm 5% trong giai đoạn 2007 - 2010, giúp tiết kiệm 58,7 tỷ USD.

Đối với Việt Nam, APPF là một trong những diễn đàn đa phương quan trọng và mang lại nhiều lợi ích thực chất. Diễn đàn hội tụ 13 trong số 25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, và nhiều đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam. Các nước thành viên APPF là các đối tác quan trọng trong các FTA song phương và nhiều bên của Việt Nam. Các thành viên APPF chiếm tới khoảng 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 75% thương mại hàng hóa, 38% viện trợ phát triển chính thức và 79% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam. Khoảng 80% du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đang học tập tại các nền kinh tế thành viên APPF.

Để đạt được những kết quả khích lệ đó, không thể phủ nhận sự nỗ lực của Nghị viện các nước thành viên APPF nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng trong việc hình thành và giám sát các khuôn khổ thể chế tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên. Trong những năm tiếp theo, Quốc hội Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, theo đuổi mục tiêu liên kết kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện. Với tinh thần đó, Quốc hội Việt Nam đề nghị Hội nghị APPF-26 xem xét ban hành Nghị quyết về “Vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện” do Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự thảo với mục tiêu: (1) Khẳng định vai trò của Nghị viện đối với tăng trưởng kinh tế quốc gia và liên kết kinh tế khu vực; (2) Tăng cường sự phối hợp và điều chỉnh quan hệ kinh tế, thương mại giữa các nước thành viên nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, hài hòa và cân bằng; (3) Thúc đẩy thương mại, đầu tư tự do, thông thoáng thông qua hình thành FTAAP và hệ thống thương mại đa phương; (4) Tăng cường kết nối giữa Nghị viện các nước thành viên APPF trong quá trình lập pháp và hoạch định chính sách cũng như trong giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật hỗ trợ liên kết kinh tế khu vực.

Hoan nghênh và đánh giá cao Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương đã đưa vấn đề an ninh lương thực và phát triển bền vững vào nội dung thảo luận tại Hội nghị thường niên lần thứ 26, đại diện đoàn ĐBQH Việt Nam đã chia sẻ một số vấn đề liên quan đến an ninh lương thực và phát triển bền vững. Đại biểu cho rằng, các nghị sĩ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cần có cam kết mạnh mẽ đối với phát triển nông nghiệp, trong đó coi phát triển nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển đất nước. Mặt khác, cần chú trọng việc xây dựng chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư của doanh nghiệp thông qua tăng cường mối quan hệ đối tác công tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Các nghị viện trong khu vực cần tăng cường hợp tác an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, cần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Tại tham luận “Hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số”, đại biểu ….nhận định, MSMEs hiện đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của các nước thành viên APPF. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, MSMEs với hạn chế về năng lực và nguồn lực rất cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan lập pháp, hoạch định chính sách nhằm vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội phát triển. Đại biểu đề xuất một số ý kiến về vai trò của nghị viện các nước với việc hỗ trợ MSMEs trong kỷ nguyên số, bao gồm:

 Thứ nhất, nghị viện các nước cần đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động của MSMEs thông qua việc hoàn thiện khung pháp lý có tính minh bạch cao; khuyến khích sáng tạo và cải cách thủ tục hành chính ở tất cả các cấp độ từ Chính phủ, bộ, ngành Trung ương đến địa phương; cải thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và hỗ trợ các MSMEs trong việc ứng dụng và phát triển các công nghệ thích hợp.

Thứ hai, nghị viện các nước cần hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của MSMEs trong kỷ nguyên số thông qua các chính sách: đào tạo, tư vấn nhằm nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp; nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho MSMEs không chỉ từ nguồn tín dụng truyền thống mà còn thông qua các quỹ đầu tư; nâng cao nhận thức và hỗ trợ khả năng nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến; hình thành các chính sách, sáng kiến hỗ trợ MSMEs tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường kết nối giữa MSMEs với doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong chuỗi giá trị để chia sẻ cơ hội, tăng khả năng tiếp cận thị trường.

Thứ 3, nghị viện các nước cần khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp và tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong MSMEs thông qua việc tuyên truyền, tạo cơ chế và chính sách; xây dựng chính sách giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực theo hướng hiện đại; khuyến khích thành lập các tổ chức hỗ trợ, cung cấp thông tin, tư vấn cho các hoạt động khởi nghiệp; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ có thể tham gia vai trò lãnh đạo trong MSMEs thông qua các sáng kiến và chính sách như ưu tiên tuyển dụng, đào tạo về nghiệp vụ, công nghệ và kỹ năng lãnh đạo.