Thông cáo Báo chí số 5: Phiên họp Toàn thể lần thứ 1 về các vấn đề an ninh chính trị

20/01/2018

Tiếp theo các hoạt động trong khuôn khổ chương trình nghị sự của Hội nghị APPF-26, sáng ngày 19/1, tại Hà Nội đã diễn ra Phiên họp toàn thể lần thứ nhất về các vấn đề an ninh chính trị với chủ đề: Thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hoà bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới”; “Đấu tranh phòng chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia”.

Tham dự Phiên họp có Chủ tịch Nghị viện, Phó Chủ tịch Nghị viện các nước, Trưởng đoàn đại biểu nghị viện các nước cùng toàn thể các nghị sĩ tham dự Hội nghị APPF-26. Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Quốc hội thường trực Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

Phát biểu dẫn đề phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội thường trực Tòng Thị Phóng nêu rõ, Hội nghị APPF-26 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những chuyển biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở nhiều khu vực trên thế giới; các nỗ lực hợp tác quốc tế tiếp tục được tăng cường; các xung đột và căng thẳng khu vực tạo ra những thách thức cấp bách hơn đối với các nỗ lực vì hòa bình và phát triển của từng khu vực và thế giới; việc sử dụng và nguy cơ sử dụng các loại vũ khí hủy diệt đang có xu hướng gia tăng; các tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, tài nguyên, nguy cơ đối với tự do, an ninh và an toàn hàng hải vẫn tiếp diễn; chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia đang gia tăng hoạt động ở khu vực chúng ta. Bên cạnh đó, những thách thức về an ninh mạng, bất bình đẳng, di cư, dịch bệnh, những thiên tai khốc liệt chưa từng có… đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định và phát triển của nhiều quốc gia thành viên. Các thách thức lớn do các thành viên nêu ra tại Hội nghị năm 2017 vẫn chưa có giải pháp triệt để. Mặt khác, sau hơn một thập niên kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, kinh tế thế giới tuy tiếp tục phục hồi nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn chưa đạt mức trước khủng hoảng; chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng; liên kết kinh tế ở các khu vực bị chậm lại; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đem lại hi vọng về năng suất lao động cao hơn, nhưng nảy sinh nhiều quan ngại về hệ lụy của tiến trình chuyển đổi, sự phân bổ không đồng đều các thành quả của tăng trưởng kinh tế và toàn cầu hóa.

Trước bối cảnh nêu trên, Phó Chủ tịch thường trực Tòng Thị Phóng đòi hỏi phải có những giải pháp ở cấp độ quốc gia, khu vực, quốc tế và có sự phối hợp đa tầng nấc, trong đó có sự tham gia tích cực của những Nghị sĩ Quốc hội. Sau 25 năm hình thành và phát triển, đây là lúc APPF cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò và tham gia đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển tại khu vực. Hơn nữa, trong một thế giới toàn cầu hóa, số hóa, tùy thuộc lẫn nhau gia tăng, APPF cần đóng vai trò theo chức năng của mình nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc tế dựa trên chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế. Các Nghị viện cần thúc đẩy ban hành chính sách, phân bổ nguồn lực, giám sát việc thực hiện tích cực, hiệu quả các thỏa thuận đa phương quan trọng ở cấp độ toàn cầu và khu vực. Những thỏa thuận mang tính Điều ước quốc tế càng cần được quan tâm hơn. Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân vừa được mở ký tháng 9/2017 là một thỏa thuận quan trọng có ý nghĩa lịch sử, cần nhận được sự ủng hộ tích cực của các Nghị viện nhằm sớm phê chuẩn để hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Quốc hội cần có các động thái để thúc đẩy các Chính phủ hợp tác hiệu quả hơn nhằm ứng phó không chỉ với các thách thức truyền thống mà cả phi truyền thống, nhất là không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm an ninh nguồn nước, lương thực và năng lượng, thúc đẩy an ninh, an toàn hàng hải và an ninh mạng. Các nước châu Á-Thái Bình Dương cần tiếp tục đóng vai trò đi đầu trong việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực và thế giới, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa, tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực chung. Ngoại giao Nghị viện và đặc biệt là những hoạt động của APPF đóng vai trò không thể thiếu trong việc hợp tác, thúc đẩy xây dựng khuôn phổ pháp lý, quyết định và giám sát thực hiện các cam kết quốc tế của Chính phủ.

Phó Chủ tịch thường trực nhấn mạnh, hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững vẫn là xu thế lớn tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Năm nay, xu thế này càng được củng cố mạnh mẽ nhờ các kết quả thực chất của hợp tác quốc tế, bao gồm các cơ chế đa phương và song phương trên mọi tầng nấc. Cùng với các cam kết của các nhà Lãnh đạo APEC tại Tuần lễ cấp cao APEC tháng 11/2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam đã tái khẳng định cam kết tăng cường nỗ lực xây dựng tương lai chung về một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, liên kết và thịnh vượng, đồng thời ủng hộ Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Các Lãnh đạo cũng cam kết ứng phó hiệu quả với các thách thức khủng bố, thúc đẩy an ninh năng lượng, tăng cường khả năng chống chịu thiên tai, bảo đảm an ninh lương thực. Với việc triển khai chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm, chủ động đóng góp cho hợp tác đa phương, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội cho rằng, Quốc hội Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Quốc hội các nước trong khu vực góp phần thúc đẩy xây dựng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững trong thế kỷ 21.

Sau phát biểu dẫn đề của Phó Chủ tịch thường trực Tòng Thị Phóng, các đại biểu đã nghe ông Saber Chowdhury, nguyên Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới phát biểu về quan hệ đối tác Nghị viện, nhấn mạnh về vai trò của ngoại giao nghị viện trong việc thúc đẩy đối thoại giữa các quốc gia và trong nội bộ các quốc gia nhằm góp phần vào hoà bình, an ninh của khu vực và trên thế giới; đồng thời giải quyết tận gốc vấn đề khủng bố.

Tại phiên họp thảo luận về chủ đề "Thúc đẩy vai trò của ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới" đã có 14 đại biểu đại diện cho 13 Nghị viện thành viên có tham luận và phát biểu ý kiến. Theo đó, đa số các ý kiến phát biểu đều cho rằng, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Tuy nhiên, khu vực này vẫn tiềm ẩn những điểm nóng, nguy cơ xung đột, bất ổn và căng thẳng trong thời gian gần đây, nhiều vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng bố tiếp tục đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các nước. Đặc biệt, để giải quyết được các vấn đề trên, các đại biểu đều nhất trí cho rằng hòa bình, an ninh trong khu vực và trên thế giới là điều kiện tiên quyết cho hợp tác, phát triển kinh tế, xã hội và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân trên thế giới. APPF nói chung và các nghị viện thành viên có vai trò rất quan trọng trong quá trình này nhằm duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh tại khu vực và trên thế giới. Đồng thời, các đại biểu nhấn mạnh vai trò tích cực của Nghị viện trong việc xây dựng môi trường hòa bình, an ninh tại khu vực dựa trên luật pháp, nội luật hóa và nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết quốc tế; thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết các tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực vì một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

          Ngoài ra, các nghị sĩ, nghị viện cần tăng cường hợp tác, đối thoại, tích cực biến lời nói thành hành động và thực thi các Nghị quyết đã được APPF thông qua nhằm thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững và ứng phó có hiệu quả đối với các thách thức toàn cầu và của khu vực. APPF cần tiên phong trong việc thúc đẩy liên kết, kết nối, hợp tác đa phương và hội nhập trong khu vực và trên thế giới vì lợi ích của người dân, mong muốn APPF cần có những hành động cụ thể, đổi mới hoạt động của mình để góp phần tích cực hơn nữa vào hòa bình và an ninh của khu vực.

 Đại diện Đoàn Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, để giải quyết những vấn đề đe dọa nghiêm trọng  đến hòa bình, an ninh và sự phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu cũng như ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương,  các nghị viện cần đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng môi trường hòa bình, an ninh khu vực dựa trên luật pháp. Bên cạnh đó, các nghị viện cần đưa quan điểm phát triển bền vững trở thành định hướng thường xuyên, lâu dài cho các chính sách và biện pháp phát triển. APPF cần tiên phong trong việc củng cố hệ thống đa phương mở, tự do, minh bạch, bao trùm, dựa trên luật lệ. Đây là tiền đề cho hợp tác quốc tế để ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu, bảo vệ và nâng cao mức thụ hưởng đồng đều từ toàn cầu hóa và liên kết kinh tế cho người dân. Đặc biệt, PCT Quốc hội khẳng định, đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam là hòa bình, hợp tác và phát triển. Trong tiến trình chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam chủ trương là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì phồn vinh của mỗi dân tộc, vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Việt Nam luôn kiên trì phấn đấu cùng các nước trong cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự thế giới công bằng và bình đẳng dựa trên luật pháp quốc tế. Đồng thời, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp vào các nỗ lực chung để không một cá nhân nào, một nước nào bị bỏ lại phía sau.

Thảo luận về chủ đề "Đấu tranh phòng chống khủng bố quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia" đã có 09 đại biểu đại diện cho 09 Nghị viện thành viên phát biểu. Các đại biểu đều cho rằng, khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới, đe dọa ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân. Vì vậy, APPF và các Nghị viện thành viên cần nâng cao vai trò và thúc đẩy hơn nữa hợp tác khu vực và quốc tế nhằm đấu tranh phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia thông qua việc tối đa hóa hiệu quả hoạt động của các cơ chế đấu tranh phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia hiện có. Đồng thời, cần đẩy mạnh hợp tác về xây dựng, thực thi pháp luật, trao đổi thông tin, kinh nghiệm đấu tranh hiệu quả phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia./.