Tọa đàm tham vấn chuyên gia về giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời

11/01/2018

Sáng 11/1, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi Dồng đã tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời trong Luật Giáo dục. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ngô Thị Minh chủ trì tọa đàm.

Các đại biểu tham dự tọa đàm đều khẳng định giáo dục thường xuyên là một thành phần quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, là một trong những trụ cột để xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Học tập suốt đời như một nguyên tắc chỉ dẫn cho một trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững- Giáo dục hướng tới 2030, trong đó các quốc gia thành viên cam kết “bảo đảm giáo dục hòa nhập, có chất lượng công bằng và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người”.

Việt Nam tiếp cận giáo dục thường xuyên khá sớm. Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện, những quy định của Luật Giáo dục hiện hành trong thực tiễn còn khá hạn chế, từ chính sách đầu tư đến xây dựng hệ thống giáo dục thường xuyên, công tác truyền thông nâng cao nhận thức của mọi người, học tập suốt đời chưa trở thành phong trào quần chúng.

Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Điều 44 được sửa đổi, bổ sung thành một mục về giáo dục thường xuyên, trong đó nêu rõ: Giáo dục thường xuyên tạo điều kiện cho mọi người vừa làm vừa học, học liên tục, học suốt đời nhằm hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để cải thiện chất lượng cuộc sống, tìm việc làm, tự tạo việc làm và thích nghi với đời sống xã hội. Nhà nước có chính sách phát triển giáo dục thường xuyên, thực hiện giáo dục cho mọi người, thúc đẩy việc học tập của người lớn, xây dựng xã hội học tập.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, sửa đổi, bổ sung như trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục vẫn chưa đủ, thậm chí quá đơn giản và sơ sài. Theo GS. TS Nguyễn Thị Hoàng Yến - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, các quy định trong dự thảo Luật chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, và gần như biệt lập với đời sống xã hội sôi động. PGS.TS Trần Thị Tâm Đan nhận xét, nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều về giáo dục thường xuyên trong dự thảo Luật mới dừng lại ở xác định mục tiêu và liệt kê một số chương trình, hình thức học tập, thiếu vắng các chính sách, giải pháp cụ thể, chưa tương xứng với vai trò, vị trí của giáo dục thường xuyên…

Các đại biểu kiến nghị, việc sửa đổi, bổ sung những điều về giáo dục thường xuyên trong Luật Giáo dục cần có sự nghiên cứu về lý luận và khảo sát thực tiễn, đánh giá thực trạng giáo dục thường xuyên của Việt Nam hiện nay, từ đó đưa ra những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, tạo hành lang pháp lý phát triển giáo dục thường xuyên, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người và xây dựng thành công xã hội học tập của Việt Nam.

Theo ĐBND