Hội thảo “Đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về dân số” khu vực phía Bắc

14/12/2017

Trong khuôn khổ hợp tác với Quỹ Dân số - Liên Hợp Quốc, trong 2 ngày từ 13-14/12, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức Hội thảo “Đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về dân số” khu vực phía Bắc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sĩ Lợi phát biểu tại hội thảo

Tham dự hội thảo có đại diện Quỹ dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam, đại diện Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện dân số và các vấn đề xã hội, Tổng cục thống kê, lãnh đạo Sở Y tế một số tỉnh phía Bắc cùng các chuyên gia, các nhà nghiên cứu có quan tâm đến lĩnh vực trên.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, ngày 25.10 vừa qua, Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Quan điểm chủ đạo của Nghị quyết là tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Quốc hội cũng đã quyết định đưa dự án Luật Dân số vào chương trình lập pháp, dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 5 tới (tháng 5.2018).

Phiên làm việc thứ nhất, các đại biểu đã thảo luận về chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh và bình đẳng giới - một trong những thách thức lớn của công tác dân số ở nước ta hiện nay đã được đề cập trong Nghị quyết Trung ương 6, Khóa XII. Các đại biểu nhận định, hiện nay, nước ta đang đối mặt với sự mất cân đối về giới tính khi sinh. Thực tế cho thấy, tư tưởng trọng nam, phải sinh cho được con trai nối dõi tông đường luôn hiện hữu trong xã hội nước ta, nhưng hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh mới xuất hiện trong mấy năm gần đây và có xu hướng tăng nhanh.

Tại hội thảo, đại diện sở y tế một số tỉnh thành cũng đưa ra những dẫn chứng cụ thể về tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn. Trong đó, tại Hưng Yên, tỷ số giới tính khi sinh vẫn ở mức cao, từ năm 2006 đến nay, tuy có giảm và khống chế được tốc độ tăng theo chỉ tiêu giao của Tổng cục Dân số - KHHGĐ là dưới 0,4 điểm % nhưng có dấu hiệu không ổn định và Hưng Yên vẫn nằm trong nhóm 10 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất cả nước. Mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở cả 10/10 huyện, thành phố và ở hầu hết các xã, phường, thị trấn. Tỷ số giới tính khi sinh ở lần sinh thứ nhất hoàn toàn bình thường, tăng cao ở lần sinh thứ hai, đặc biệt cao ở lần sinh thứ ba trở lên (phù hợp với các nghiên cứu quốc tế và trong nước mất cân bằng giới tính khi sinh của nước ta). Mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở tất cả các nhóm, hầu như không phân biệt trình độ học vấn, tình trạng kinh tế (khác với các nghiên cứu quốc tế và trong nước là mất cân bằng giới tính khi sinh tỷ lệ thuận với trình độ học vấn, tình trạng kinh tế).

Tình trạng mất cân đối giới tính khi sinh không chỉ diễn ra ở các tỉnh đồng bằng mà cũng diễn ra ở các tỉnh miền núi. Cụ thể, Sơn La là một tỉnh miền núi cao, biên giới , nhưng theo số liệu niên giám thống kê của Tổng cục Dân số - KHHGĐ, năm 2014 Sơn La là 1 trong 10 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao, đến năm 2016 Sơn La nằm trong tốp 22 tỉnh có tỷ số giới tính trên 115 bé trai/100 bé gái; Đặc biệt trong 05 năm trở lại đây tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh Sơn La đã tăng nhanh ( năm 2013 là 114,4/100, năm 2014 là 117,6/100, năm 2015 là 117/100, năm 2016 là 117,5/100 ( thành thị là 120/100; nông thôn là 115/100), năm 2017 là 117,1/100 ( tháng 11/2017)

Thảo luận tại buổi làm việc các đại biểu cũng chỉ ra rằng, mất cân bằng giới tính chịu tác động của các nhân tố, đó là ảnh hưởng của Nho giáo, bất bình đẳng giới, trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp, lạm dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật, mức sinh thấp, “mỗi gia đình chỉ có một hoặc hai con”... Do đó, để khắc phục tình trạng trên cần áp dụng tổ hợp các biện pháp : Đẩy mạnh tuyên truyền – giáo dục; Chú trọng xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, hương ước, quy ước; Tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật; Đẩy nhanh phát triển kinh tế –xã hội, hoàn thiện chính sách an sinh xã hội; Nâng cao chất lượng công tác đăng ký, thống kê dân số. Bên cạnh đó, việc lồng ghép biện pháp về chính sách, pháp luật bảo đảm cân bằng tỷ lệ giới tính khi sinh ngoài việc tăng cường biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các hoạt động truyền thông về dân số, Nhà nước phải có giải pháp mạnh để kiểm soát, xử lý, loại bỏ nguyên nhân này, kết hợp chặt chẽ giữa xử lý kỷ luật, hành chính và hình sự.

Thảo luận về chuyên đề thứ hai- tổng quan chính sách, pháp luật về dân số, các đại biểu chỉ ra rằng, Pháp lệnh dân số (ban hành năm 2003 và sửa đổi Điều 10 năm 2008) là văn bản pháp lý cao nhất của Nhà nước ta trong lĩnh vực dân số, điều chỉnh toàn diện công tác dân số bằng pháp luật, khắc phục được tình trạng tản mạn, phân tán ở nhiều văn bản trước đó. Các chính sách và pháp luật hiện hành đã quy định: Nguyên tắc và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác dân số; Quyền và nghĩa vụ công dân về công tác dân số; Các hành vi bị nghiêm cấm; Các quy định về quy mô dân số; Cung cấp dịch vụ kế hoạch hoá gia đình; Quy định về cơ cấu dân số; Quy định về phân bố dân cư; Các biện pháp thực hiện công tác dân số; Quản lý nhà nước về dân số; Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực DS-KHHGĐ…Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, những chính sách pháp luật về dân số hiện hành cũng tồn tại những hạn chế nhất định cần khắc phục.

Nghị quyết số 21/NQ-TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá XII) về công tác dân số trong tình hình mới đặt nền móng cho chính sách dân số mới ở Việt Nam. Trong đó 5 quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết đã định hướng chính sách dân số của Việt Nam trong giai đoạn tới. Cụ thể:

Thứ nhất, dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.

Thứ hai, tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số  từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố KT-XH, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

Thứ ba, chính sách dân số phải bảo đảm cân bằng, hài hoà giữa quyền và nghĩa vụ của mọi người dân; giữa việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với thực thi nghiêm kỷ cương pháp luật; giữa việc mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật mới với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

Thứ tư, đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển. Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh XHH; tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế để bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số.

Thứ năm, tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với trọng tâm công tác dân số trong từng thời kỳ, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp uỷ, chính quyền các cấp và sự quản lý chuyên môn, nghiệp vụ.

Trên cơ sở thực trạng dân số hiện nay và những bất cập của chính sách pháp luật dân số hiện hành, các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận về chuyên đề thứ ba- góp ý kiến vào Dự thảo luật Dân số.

 Dự án luật Dân số được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, theo dự kiến chương trình thì dự án luật Dân số sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018) của Quốc hội khóa XIV. Chính phủ giao Bộ y tế chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức nghiên cứu, soạn thảo Dự án luật Dân số. Các đại biểu nhận định Cơ quan soạn thảo đã có nhiều cố gắng xây dựng dự án luật Dân số; dành nhiều thời gian cho việc tổng kết thực tiễn, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, khảo sát, nghiên cứu, soạn thảo dự án luật và tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, chuyên gia, nhà khoa học về dự án luật. Dự thảo luật Dân số gồm có 8 chương với 60 điều, quy định về quy mô dân số, cơ cấu dân số, nâng cao chất lượng dân số, phân bố dân số, lồng ghép dân số trong phát triển và các biện pháp thực hiện công tác dân số. Các đại biểu đánh giá dự thảo luật Dân số có nhiều quy định phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 và đồng bộ, thống nhất với các quy định của các luật hiện hành. Tuy nhiên các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát lại kỹ lưỡng về kỹ thuật văn bản và các chương, điều, khoản trong dự thảo luật để tránh mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định của pháp luật có liên quan và đảm bảo tính khả thi sau khi có hiệu lực.

Kết thúc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi trân trọng cảm ơn những ý kiến sâu sắc, tâm huyết của các đại biểu tham dự. Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhấn mạnh, hội thảo đã tạo được diễn đàn cung cấp thông tin, trao đổi về thực trạng chính sách pháp luật về dân số và ghi nhận được những ý kiến đóng góp quý báu về Dự án luật Dân số. Phó Chủ nhiệm Bùi Sĩ Lợi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến quý báu từ các đại biểu, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu để Ủy ban hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hồ Hương

Các bài viết khác