Quốc hội thảo luận về dự án Luật An ninh mạng

23/11/2017

Chiều 23/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận về dự án Luật An ninh mạng. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật An ninh mạng gồm có 8 chương, 55 điều, quy định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung công tác an ninh mạng, hoạt động bảo đảm triển khai công tác an ninh mạng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng không gian mạng và bảo vệ an ninh mạng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Luật An ninh mạng ra đời để đáp ứng yêu cầu của công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan bảo vệ an ninh mạng; thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng; bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc, sự phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật bởi trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch, một số loại tội phạm, một số đối tượng khác đã và đang sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phá hoại, trục lợi hoặc xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân, nhất là trong điều kiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, công tác quản lý còn nhiều sơ hở và hệ thống chính sách chưa đồng bộ, thì việc ban hành Luật An ninh mạng là rất cần thiết. Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu khác đề nghị cần cân nhắc về sự cần thiết ban hành luật này vì cho rằng, an ninh mạng là một bộ phận của an ninh quốc gia nên phải quán triệt và thực hiện đầy đủ các quy định của Luật An ninh quốc gia; còn việc bảo vệ thông tin mạng đã được quy định trong Luật An toàn thông tin mạng.

Đại biểu Quốc hội Triệu Tuấn Hải- tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến                Ảnh: Đình Nam

Đại biểu Quốc hội Triệu Tuấn Hải- tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, hiện Việt Nam là nước nằm trong nhóm quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất. Các thế lực thù địch, tội phạm triệt để lợi dụng tiện ích của internet, đặc biệt là mạng xã hội để tiến hành hoạt động xâm phạm an ninh trật tự, gây bất ổn trong xã hội. Trong khi đó hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định về công tác an ninh mạng; các quy định hiện có về an toàn thông tin mạng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên không gian mạng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công tác an ninh mạng. Do vậy, việc xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng là rất cần thiết, phù hợp với thế giới, qua đó góp phần đắc lực giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai đảm bảo an ninh mạng cũng như công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động sử dụng internet để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu- tỉnh An Giang phát biểu ý kiến

Góp ý về các nội dung cụ thể liên quan đến biện pháp bảo vệ an ninh mạng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu- tỉnh An Giang cho rằng, các biện pháp mà dự thảo luật đề ra có nhiều điểm tương tự như Luật An toàn thông tin mạng. Do vậy, chúng ta nên tăng cường quản lý mạng xã hội bằng bằng việc bổ sung và hoàn chỉnh các bộ luật đã có như Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Tiếp cận thông tin để ngăn chặn các tin tức giả, quảng cáo hướng mục tiêu vào sự thao túng của các nhóm đối tượng xã hội đối với hoạt động mạng xã hội, thông qua các biện pháp như tăng cường mức phạt, ví dụ như ở Đức có mức phạt cao nhất lên đến 50 triệu Euro với các tin tức giả. Hoặc các yêu cầu công khai về thông tin, những người mua quảng cáo trên lĩnh vực liên quan đến chính trị trên mạng xã hội.

Đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà- tỉnh Lào Cai phát biểu ý kiến

Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà- tỉnh Lào Cai nhận định, tại Điều 6 của dự thảo luật quy định về các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, trong đó khoản a nói rằng vi phạm luật này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng trong dự thảo luật không hề nêu rõ những loại vi phạm nào thì sẽ bị khởi tố, điều tra, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Điều này có thể dẫn đến việc diễn giải luật thiếu chính xác, mang tính chủ quan và áp dụng sai như hình sự hóa các hành vi mà không gây tổn hại đến an ninh mạng trong quá trình triển khai thực hiện. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu để bổ sung các vấn đề nêu trên để đảm bảo tính khả thi trong việc áp dụng.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thu Trang- tỉnh Quảng Ngãi phát biểu ý kiến

Về chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho nhiệm vụ an ninh mạng, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thu Trang- tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, ngoài đầu tư về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin như mạng internet, mạng viễn thông, hệ thống máy tính, hệ thống xử lý thì yếu tố con người có tính quyết định. Theo đại biểu, cần phải có đội ngũ chuyên gia, trình độ chuyên sâu về công nghệ thông tin mới bảo vệ an ninh mạng, trước những tấn công mạng, gây phương hại đến an ninh quốc gia. Đại biểu lo lắng, so với các nước phát triển thì các nước trong khu vực chênh lệch trình độ khoa học, công nghệ nước ta còn khoảng cách khá lớn, có nguy cơ ngày càng tụt hậu như trong lĩnh vực quốc phòng, trong khi đó các nước phát triển đã làm chủ công nghệ chiến tranh điện tử, các phương tiện, vũ khí tác chiến bằng điện tử. Do vậy, cần xác định rõ tầm quan trọng của đội ngũ khoa học, công nghệ đối với xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới. Đại biểu đề nghị dự thảo luật cần có chính sách rõ hơn để ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhất là các chuyên gia về an ninh mạng trong các cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh mạng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông. Cụ thể, bổ sung vào Điều 4 quy định các chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về an ninh mạng, bổ sung vào Chương V quy định rõ cơ chế, chính sách ưu tiên tuyển dụng đãi ngộ thỏa đáng, đồng thời bổ sung vào các Điều 49, 50, 51 quy định trách nhiệm phát triển nhân lực chất lượng cao về an ninh mạng, cụ thể đối với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bên cạnh đó, để hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát lại nội dung, bố cục của Luật để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật nói chung; tính phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của tổ chức, công dân, cũng như quyền bình đẳng trong hoạt động giữa các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong và ngoài nước, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông nước ngoài sang đầu tư, hợp tác và cung cấp các dịch vụ viễn thông tại Việt Nam.

Thu Phương