Luật Thủy sản có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019

21/11/2017

Chiều 21/11, với 437/441 đại biểu tán thành, chiếm 89,00% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thủy sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủy sản

Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủy sản trình Quốc hội xem xét thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, chiều ngày 27/10/2017, Quốc hội đã thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). Đa số ý kiến tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội và có thêm một số ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Luật. Sau phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật.

Liên quan đến nguyên tắc hoạt động thủy sản (Điều 5), có ý kiến đề nghị kết cấu lại Điều 5 theo hướng: Khoản 1 quy định nguyên tắc phát triển thủy sản bền vững, hướng ra biển, gắn với quốc phòng, an ninh; bổ sung nội dung tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phù hợp với tình hình thực tiễn và xu hướng hội nhập quốc tế; bổ sung nguyên tắc bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản.

Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, đưa nguyên tắc “bảo vệ quốc phòng an ninh” lên khoản 1 và bổ sung nguyên tắc “bảo vệ môi trường” trong hoạt động thủy sản vào khoản 3 Điều 5 của dự thảo Luật; đồng thời, chỉnh sửa một số nội dung khác ở Điều này như trong dự thảo Luật.

Về chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản (Điều 6), có ý kiến đề nghị có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng vùng nuôi thủy sản và vùng sản xuất giống thủy sản tập trung; chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển dài ngày và khai thác thủy sản xa bờ; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm nuôi trồng thủy sản, tàu khai thác thủy sản, tàu dịch vụ hậu cần xa bờ; khuyến khích đầu tư xây dựng, kinh doanh, quản lý chợ đầu mối thủy sản.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng tình với ý kiến trên và thể hiện cụ thể trong các khoản của Điều 6 dự thảo Luật, đồng thời đã chuyển nội dung về chính sách đối với xây dựng chợ đầu mối thuỷ sản ở Điều 100 dự thảo Luật về khoản 3 Điều 6.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Thủy sản

Về thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Điều 10), có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng hộ gia đình được tham gia đồng quản lý; xem xét quy định đồng quản lý đối với những khu vực đã được giao cho tổ chức, cá nhân mà còn có những vấn đề bất cập, xung đột.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, bổ sung hộ gia đình là đối tượng được tham gia tổ chức cộng đồng như tại điểm a, khoản 1 Điều 10, cùng nhau quản lý và chia sẻ lợi ích, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực được giao. Đối với khu vực đã giao cho tổ chức, cá nhân mà còn có những vấn đề bất cập, xung đột thì chính quyền địa phương sẽ không giao thực hiện đồng quản lý tại các khu vực đó để bảo đảm tính ổn định, không nảy sinh bất cập trong thực hiện đồng quản lý.

Về Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (Điều 21), đa số ý kiến thống nhất với quy định của dự thảo Luật. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng không nên thành lập Quỹ ở cấp tỉnh. Vì còn có ý kiến khác nhau nên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Kết quả lấy phiếu như sau:

- Có 317/419 (bằng 75,65%) đại biểu Quốc hội đồng ý với phương án 1 là Quỹ được thành lập ở cấp trung ương và cấp tỉnh.

- Có 84/419 (bằng 20,04%) đại biểu Quốc hội đồng ý với phương án 2 là Quỹ chỉ thành lập ở cấp trung ương, không thành lập ở cấp tỉnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý theo phương án 1 là phương án của đa số đại biểu Quốc hội và thể hiện như tại Điều 21 của dự thảo Luật.

Nhất trí cao với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủy sản với 441 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, bằng 89,82% tổng số đại biểu Quốc hội. Kết quả biểu quyết: có 437/441 đại biểu tán thành, chiếm 89,00% tổng số đại biểu Quốc hội; 03 đại biểu không tán thành, chiếm 0,61%.

Luật Thủy sản gồm 9 chương, 105 điều, quy định về: bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; nuôi trồng thủy sản; khai thác thủy sản; quản lý tàu cá, tàu công vụ thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; kiểm ngư; mua, bán, sơ chế, chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản; quản lý nhà nước về thủy sản.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Luật Thủy sản số 17/2003/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Vân Ngọc

Các bài viết khác