Phiên họp thứ nhất của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011- 2016

21/11/2017

Sáng 21/11, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011- 2016 họp phiên toàn thể lần thứ nhất. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp có Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cùng các thành viên Đoàn giám sát.

Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN họp phiên thứ nhất   Ảnh: Quang Khánh

Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Phùng Quốc Hiển cho biết, để kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 45/2017/QH14 của Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011- 2016”, Đoàn giám sát tiến hành họp phiên toàn thể lần thứ nhất để công bố các Nghị quyết thành lập đoàn giám sát, thảo luận về kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo kết quả giám sát làm căn cứ để gửi yêu cầu đến các đối tượng giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, do yêu cầu về tiến độ giám sát gấp rút, đây lại là nội dung rất khó đòi hỏi có cái nhìn tổng quát chuyên môn sâu đánh giá được toàn bộ thực trạng hoạt động quản lý tài sản nhà nước và hoạt động cổ phần hóa. Đây là hai nhóm việc quan trọng, khối lượng công việc đồ sộ đòi hỏi nỗ lực lớn của các thành viên Đoàn giám sát.

Tại phiên họp, thành viên đoàn giám sát đã nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên trình bày Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011- 2016 và Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về danh sách ủy viên Đoàn giám sát chuyên đề; dự thảo kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo kết quả giám sát.

Theo đó, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011- 2016 do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh làm Phó Trưởng Đoàn thường trực; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải và Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải làm Phó Trưởng Đoàn giám sát. Ngoài ra, thành viên Đoàn giám sát còn có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội nơi tiến hành giám sát cùng đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động và các chuyên gia trong lĩnh vực giám sát.

Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011- 2016 nhằm mục đích xem xét, đánh giá việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016; đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016. Qua đó, đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện nghiêm và có hiệu quả hơn chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Đoàn giám sát sẽ chia thành ba Đoàn công tác làm việc với các bộ: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông- Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước; Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đoàn giám sát cũng sẽ nghe Chính phủ báo cáo chung về tình hình ban hành và thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016. Tuy nhiên, phạm vi giám sát lần này sẽ không bao gồm các tổ chức tin dụng, công ty tài chính còn vốn góp của nhà nước.

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh tán thành với nhiều nội dung chi tiết trong kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo kết quản giám sát, đánh giá cao sự chuẩn bị các tài liệu phục vụ hoạt động giám sát, bày tỏ kỳ vọng về những kết quả tốt đẹp của hoạt động giám sát chuyên đề lần này. Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh bày tỏ băn khoăn về nội dung đánh giá các sai phạm trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan. Xuất phát từ kinh nghiệm tiến hành hoạt động giám sát các dự án BOT mới đây, cũng đặt vấn đề trách nhiệm tập thể và cá nhân song các nội dung kết quả báo cáo giám sát mới chỉ thể hiện sự cố gắng của thành viên Đoàn giám sát. Vì vậy, cần xác định rõ mức độ đánh giá, giới hạn phạm vi để tiến hành giám sát tránh những đánh giá chung chung như từ giám sát BOT. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh nhấn mạnh, phạm vi giám sát lần này là rất rộng do đó, việc giới hạn phạm vi là vô cùng quan trọng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển - Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại phiên họp

Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị giám sát cần tập trung thêm về tiến độ thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước khi mà thực tế các dự án cổ phần hóa đề chậm hoặc giãn tiến độ; đề cập vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, công đoàn từ lúc cổ phần hóa đến khi cổ phần hóa xong. Đồng thời, qua giám sát sẽ thúc đẩy các cơ quan nhà nước đặc biệt là Chính phủ - cơ quan thống nhất đại diện chủ sở hữu tài sản nhà nước tại doanh nghiệp tạo được cơ sở dữ liệu về tài sản nhà nước nằm ở đâu, tài sản đó là gì, cập nhật tình hình hoạt động của khối tài sản nhà nước như thế nào để làm căn cứ theo dõi, đánh giá về sau này. Theo đó, cần phải chi tiết hơn các loại tài sản, đánh giá được chất lượng tài sản, như đối với tài sản cố định thì sử dụng bao nhiêu năm, đã khấu hao bao nhiêu, trình độ công nghệ ở mức nào, đánh giá được năng lực cạnh tranh và khả năng phát triển sau này. Do đó, giám sát cần phải xác định tiêu chí để đánh giá chất lượng tài sản, hiệu quả sử dụng tài sản, vốn nhà nước, đánh giá chi tiết hơn về mô hình quản trị, cũng như đánh giá vai trò của cơ quan nhà nước với vai trò là chủ sở hữu chứ chỉ là cơ quan quản lý nhà nước.

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết trên cơ sở ý kiến góp ý của thành viên đoàn giám sát sẽ hoàn thiện kế hoạch, đề cương báo cáo giám sát để bảo đảm kịp thời gửi tất cả yêu cầu tới các cơ quan, bộ, ngành, địa phương trước ngày 30/11.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, giám sát của Quốc hội không phải chỉ ra trách nhiệm hình sự hay trách nhiệm dân sự mà chỉ ra trách nhiệm chính trị của cá nhân, tập thể trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật. Từ đó thấy được cách làm giám sát của Quốc hội khác với thanh tra, kiểm toán. Giám sát của Quốc hội nhìn ở góc độ vĩ mô, hoàn thiện chính sách, pháp luật; cung cấp cho đại biểu chi tiết về số lượng tài sản, chất lượng tài sản nhà nước. Với tiêu chí giám sát phải dựa vào Luật quản lý sử dụng tài sản nhà nước để soi chiếu, đặc biệt là các điều cấm của luật xem xét, giám sát chỉ rõ bất cập hạn chế trong chính sách, pháp luật hiện nay, vấn đề chấp hành pháp luật trong quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp; xem xét tiến độ, chất lượng cổ phần hóa có thất thoát lãng phí không, vốn tài sản nhà nước đầu tư hiệu quả không; qua và đưa ra các kiến nghị rất cụ thể đối với từng cơ quan, kiến nghị sửa đổi bổ sung đến từng điều khoản của luật, nghị định, thông tư, trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cáo và ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Bảo Yến