Minh bạch tài sản, thu nhập là giải pháp quan trọng phòng ngừa tham nhũng

21/11/2017

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, sáng 21/11, Quốc hội có phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

Mở rộng phạm vi điều chỉnh nhằm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Khánh – tỉnh Bình Dương cho rằng dự thảo luật nên mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước. Theo đại biểu phân tích, định nghĩa tại khoản 2 Điều 1 tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Theo đó, điều cần phải chú ý đến yếu tố người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng quyền lực của mình để thu lại lợi ích bất chính. Yếu tố người có chức vụ theo quy định tại khoản 2, Điều 352 Bộ Luật hình sự 2015 là người có chức vụ thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ. Như vậy, Bộ luật Hình sự quy định chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn không chỉ hạn chế trong khu vực nhà nước, mà đã mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước và được cụ thể hóa về các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ, môi giới hối lộ và đưa hối lộ. Yếu tố quyền lực mà hành vi tham nhũng phải được hiểu theo nghĩa rộng luôn có xu hướng lạm quyền cũng sẽ xuất hiện mà không phân biệt khu vực công hay khu vực tư, khái niệm việc công được hiểu như việc chung để phân biệt với những gì mang tính cá nhân và quyền lực công, không chỉ quyền lực của nhà nước mà là quyền lực của tập thể, khi đó sự lợi dụng quyền lực trong khu vực tư về bản chất cũng không khác gì trong khu vực công.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Khánh phát biểu tại hội trường

Bên cạnh đó, thực tiễn đấu tranh các tội phạm tham nhũng cho thấy sự móc nối, liên kết giữa khu vực công và khu vực tư để thực hiện hành vi tham nhũng ngày một phổ biến, trong quá trình phát triển ngày càng nhiều doanh nghiệp, tổ chức thuộc khu vực tư trở thành đối tác cung cấp dịch vụ cho các cơ quan, tổ chức, nhà nước như dịch vụ hành chính công, giao thông, xây dựng, giáo dục, y tế v.v… Như vậy, tham nhũng hiện nay không còn dừng lại ở quan niệm truyền thống là sản phẩm của khu vực công mà là tệ nạn, căn bệnh chung của toàn xã hội, không phân biệt ở khu vực công hay khu vực tư. Hành vi tham nhũng ở khu vực tư thường xuất hiện như hành vi hối lộ, đòi hoa hồng, lại quả, gửi quà, quà biếu, bồi dưỡng, cảm ơn, chiêu đãi, tham ô, sử dụng phương tiện tài sản của tập thể vào mục đích cá nhân. Như vậy tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước không khác gì khu vực công. Từ phân tích trên, đại biểu nhận định, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay và phù hợp với luật pháp quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhằm làm lành mạnh hóa mội trường kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức hoạt động chân chính của cá nhân, nhà đầu tư và cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cần mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề mới nên cần phải mở rộng từng bước chỉ đối với một số lĩnh vực và những chế định phù hợp để đảm bảo vừa đạt được mục tiêu phòng, chống tham nhũng khu vực tư, vừa không gây khó khăn, cản trở cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức kinh tế ngoài nhà nước, gây ảnh hưởng tiêu cực đối với việc thực hiện quyền tự do kinh doanh của họ.

Cũng thống nhất với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đại biểu Quốc hội Trần Tất Thế - tỉnh Hà Nam nêu rõ, thực tế tình hình tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước đã xuất hiện và đang phát triển phức tạp, khó kiểm soát, nhất là trong các lĩnh vực như vay vốn đầu tư, đấu thầu, ký kết hợp đồng giữa các doanh nghiệp, các khoản chi không chính thức để lại quả bằng các hình thức biếu quà, mời đi du lịch hoặc tạo việc làm cho người thân của các doanh nghiệp, cuối cùng đều tính vào giá thành sản phẩm và người tiêu dùng là người phải gánh chịu. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật ra khu vực ngoài nhà nước là phù hợp với thông lệ quốc tế, cụ thể là công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng mà Việt Nam đã ký kết. Trong công ước này đã quy định cụ thể về phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư. Hơn nữa, do yêu cầu thống nhất quy định về hành vi tham nhũng giữa Bộ luật Hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh các hành vi tham nhũng sang khu vực ngoài nhà nước với việc quy định 4 tội danh là tham ô, đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ. Do đó, Luật Phòng, chống tham nhũng cần phải có quy định về vấn đề này cho phù hợp.

Từ các phân tích trên, đại biểu Quốc hội nhất trí với việc mở rộng từng bước về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sang khu vực ngoài nhà nước; đề xuất cân nhắc cơ chế giám sát việc thực hiện công vụ về phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước để tránh lạm quyền, tránh việc thanh tra, kiểm tra tràn lan, không có căn cứ. Đồng thời, nghiên cứu các quy định pháp luật trong lĩnh vực có liên quan đến thanh tra, kiểm toán để đồng bộ hóa các quy định về phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước sao cho thống nhất, phù hợp và khả thi.

Minh bạch tài sản, thu nhập là giải pháp quan trọng phòng ngừa tham nhũng

Phát biểu tại phiên thảo luận về các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đại biểu Quốc hội Lê Thị Yến – tỉnh Phú Thọ ủng hộ quan điểm của Chính phủ là đi trọng tâm vào việc tìm ra cơ chế phù hợp để kiểm soát thực chất biến động tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, qua đó nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng và tài sản tham nhũng. Tuy nhiên đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc, xem xét làm rõ việc nên quy định các biện pháp cụ thể về xử lý tài sản, thu nhập, kê khai không trung thực, không kê khai hoặc không giải trình được một cách hợp lý. Thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua cho thấy điều bất cập trong các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng hiện nay là không quy định việc xử lý đối với tài sản không khai, hoặc có khai nhưng không giải trình được nguồn gốc tăng thêm hợp lý. Chính vì vậy, nếu không có các biện pháp cụ thể để xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực, không kê khai hoặc không giải trình được thì các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản thu nhập sẽ vấn rất khó tạo được sự chuyển biến trong công tác phòng, chống tham nhũng và sẽ rất lúng túng trong xử lý vi phạm.

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Yến phát biểu tại hội trường

Nhận định kê khai minh bạch tài sản và thu nhập là giải pháp phòng ngừa tham nhũng quan trọng mà các nước đã áp dụng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Dũng – tỉnh Quảng Nam đưa ra quan điểm, trong điều kiện nước ta hiện nay, chỉ nên quy định kê khai từ cấp trưởng, phó phòng và tương đương trở lên để có thể quản lý chặt và tổ chức xác minh tốt hơn, không bị áp lực về số lượng quá nhiều, diện quá rộng. Điều quan trọng nhất trong thực hiện chủ trương kê khai tài sản là việc xử lý tài sản bất minh phát hiện thông qua xác minh. Hiện nay, pháp luật nước ta chưa quy định chế tài xử lý, do đó vừa qua phát hiện một số trường hợp như báo chí đã nêu nhưng chỉ xử lý kỷ luật, còn tài sản không có căn cứ xử lý. Hiến pháp năm 2013, tại Điều 32 chỉ công nhận quyền sở hữu của công dân đối với thu nhập hợp pháp. Vậy, đối với thu nhập tài sản qua xác minh là bất minh, bất hợp pháp thì việc tịch thu tài sản đó không trái Hiến pháp.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới như Cộng hòa Pháp cũng có quy định việc tịch thu tài sản không phải thông qua thủ tục tòa án, còn gọi là tịch thu tài sản ngoài kết án. Do đó, cần quy định trong luật này việc tịch thu tài sản bất hợp pháp, tức là những tài sản không rõ nguồn gốc và giao cho cơ quan Chính phủ, thanh tra Chính phủ là cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng thực hiện thẩm quyền này. Trường hợp vụ án tham nhũng phải đình chỉ điều tra thì cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát thực hiện thẩm quyền này.

Đại biểu cũng chỉ ra rằng, khi nghiên cứu các điều luật quy định về kê khai minh bạch tài sản và thu nhập trong dự thảo, nhiều vấn đề chưa được chặt chẽ, tính khả thi chưa cao và chưa bao quát các tình huống trong thực tiễn. Theo đó, đại biểu đề xuất Ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát thật kỹ lưỡng các điều luật về vấn đề này để đảm bảo tính khả thi và đồng bộ trong hệ thống pháp luật của nước ta.

Hồ Hương

Các bài viết khác