Dự án Luật tố cáo (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét lần hai tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội

08/11/2017

Sáng 8/11, tại phiên họp toàn thể hội trường, Quốc hội đã nghe trình bày báo cáo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Đây là lần thứ hai Quốc hội xem xét về dự án luật này.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại Hội trường cho ý kiến về dự án Luật tố cáo (sửa đổi). Về cơ bản các đại biểu Quốc hội đã nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên do còn nhiều ý kiến khác nhau về một số vấn đề của dự thảo Luật, Quốc hội đã thống nhất xem xét thông qua dự án Luật tại 3 kỳ họp.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi)              Ảnh: Đình Nam

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, ngay sau khi kết thúc kỳ họp Quốc hội, Chính phủ đã giao cho cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) chủ trì phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, rà soát lại các quy định pháp luật, tiến hành khảo sát tại một số địa phương, đối chiếu kết quả tổng kết thi hành luật để chỉnh lý dự thảo Luật nhằm bảo đảm tính đồng bộ với pháp luật hiện hành và tính khả thi trong thực tiễn.

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật. Theo đó, dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này gồm 72 điều (tăng thêm 8 điều so với dự thảo luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 và tăng thêm 22 điều so với luật hiện hành).

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, Dự thảo được chỉnh lý theo hướng không quy định về việc tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ  của người đã nghỉ hưu (nguyên là cán bộ, công chức, viên chức). Đồng thời, tiếp tục kế thừa Luật tố cáo năm 2011 và có bổ sung phạm vi điều chỉnh. Tố cáo và giải quyết tố cáo trong hoạt động tố tụng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này mà được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng. Việc tố giác và tin báo về tội phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn quy định trường hợp Luật khác có quy định khác về tố cáo và giải quyết tố cáo thì áp dụng quy định của Luật đó.

Đồng thời, hiện nay Luật tố cáo, Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức đều không có quy định về xử lý đối với công chức, viên chức đã nghỉ hưu khi có hành vi vi phạm vào thời điểm đang là cán bộ, công chức, viên chức. Do vậy, Dự thảo không quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo trong trường hợp người bị tố cáo đã nghỉ hưu. Về nguyên tắc thì tố cáo người đã nghỉ hưu hoặc người đương nhiệm thì vẫn phải do cơ quan, tổ chức nơi người bị tố cáo đã công tác giải quyết.

Về hình thức tố cáo, Chính phủ cho rằng nếu mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại...sẽ dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết và việc xác định trách nhiệm những người tố cáo sai sự thật. Hơn nữa, tố cáo cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ rất phức tạp, cần phải được tiếp nhận và xử lý chặt chẽ. Việc mở rộng các hình thức tố cáo cũng cần các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật để xác minh, kết luận đối với đơn tố cáo. Trong bối cảnh hiện nay, việc mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại là rất phức tạp, nhạy cảm và khó khả thi. Vì vậy trước mắt cần tập trung giải quyết tốt đối với việc tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của người tố cáo tại Điều 9 để đảm bảo tính logic với các điều quy định về việc bảo vệ người tố cáo, Chính phủ đã chỉnh lý Điều 9 của dự thảo, bổ sung thêm một số quyền cho người tố cáo như: quyền được thông báo về các biện pháp bảo vệ, quyền bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm và các quyền công dân khác tại nơi cư trú...

Dự thảo luật lần này trình Quốc hội cũng đã thiết kế lại tổng thể Chương VI về bảo vệ người tố cáo theo hướng: thu hẹp đối tượng được bảo vệ là người tố cáo; thu hẹp phạm vi bảo vệ, bao gồm: bảo vệ bí mật thông tin, bảo vệ vị trí việc làm, bảo vệ các quyền công dân tại nơi cư trú của người tố cáo (việc bảo vệ danh dự nhân phẩm, tính mạng, tài sản của người tố cáo thuộc trách nhiệm của cơ quan công an và được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự) nhằm đảm bảo tính khả thi.

Dự thảo quy định rõ, chi tiết về căn cứ để bảo vệ, thời hạn bảo vệ, trình tự, thủ tục bảo vệ, các biện pháp bảo vệ. Căn cứ về việc đã hoặc sẽ bị xâm hại được hiểu là đã bị xâm hại hoặc có sự đe dọa xâm hại ở mức độ nguy hiểm cần phải có biện pháp bảo vệ để đảm bảo cho người được bảo vệ và yêu cầu hoạt động giải quyết tố cáo. Việc áp dụng các biện pháp bảo vệ được thực hiện trong quá trình tiếp nhận, xác minh, giải quyết tố cáo hoặc khi quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng báo cáo các nội dung giải trình, tiếp thu cụ thể của dự án Luật liên quan đến đơn tố cáo nặc danh; thời hiệu tố cáo; nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo; thẩm quyền giải quyết tố cáo; trình tự thủ tục giải quyết tố cáo; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức trong công tác giải quyết tố cáo; khen thưởng, xử lý vi phạm;...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố cáo (sửa đổi)

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong dự thảo Luật và cho rằng, dự thảo Luật cơ bản đã cụ thể hóa được quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tố cáo trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh những điểm tích cực của dự thảo Luật, nhiều ý kiến cho rằng, đây là dự án Luật quan trọng, có tính chất phức tạp nên cần được nghiên cứu sâu thêm, có lý giải thuyết phục để có thể giải quyết một cách hợp lý các vấn đề vướng mắc của thực tiễn đang đặt ra; cần chú trọng việc thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyền tố cáo.

Những nội dung mới đã được chỉnh lý, hoàn thiện thêm một bước nhưng vẫn còn có ý kiến khác nhau cần phải được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi để sau khi Luật ban hành việc tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt.

Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật với quy định của các văn bản pháp luật có liên quan (Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Giao dịch điện tử; Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức…) để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, trong dự thảo Luật có một số nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan chuẩn bị dự thảo Nghị định trình đồng thời với dự án Luật để bảo đảm văn bản quy định chi tiết được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật.

Sau khi nghe trình bày các báo cáo, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Bảo Yến